Khánh thành trùng tu cột cờ Lũng Cú

Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 15, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Sáng nay (25/9), tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang tổ chức lễ khánh thành cột cờ Lũng Cú mới ngay tại vị trí cột cờ cũ.

Sau 7 tháng thi công, cột cờ Lũng Cú mới đã được hoàn thành, khang trang to đẹp hơn. Dưới ngọn cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Rồng, xã Lũng Cú, ai nấy đều xúc động tự hào

9h sáng, trên đỉnh núi Rồng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, lễ treo cờ được trọng thể tổ chức. Lá cờ đỏ sao vàng biểu tượng của sức mạnh, lòng tự hào, tự tôn, tinh thần kiêu hãnh, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam qua 4.000 năm dựng nước và giữ nước từ từ được kéo lên. Ngọn quốc kỳ tung bay giữa cao nguyên đá lộng gió trong sự xúc động nghẹn ngào của đông đảo nhân dân.

Hàng ngàn người dân đã vượt hàng trăm km đường đèo dốc, vượt những cổng trời cao sừng sững lên đây thăm vùng đất cực Bắc của Tổ quốc. Có cụ già từ miền Nam ra run run cẩn thận đưa một nắm đất từ quê nhà được gói cẩn thận đặt lên đỉnh núi Rồng, Lũng Cú.

Chứng kiến lễ khánh thành, bạn Nguyễn Văn Sơn, một đoàn viên thanh niên tỉnh Phú Thọ nói: “Tôi rất xúc động khi được chứng kiến lễ kéo cờ. Đứng trước lá cờ Tổ quốc, tôi thấy mình phải có trách nhiệm giữ gìn biên cương Tổ quốc, giữ cho lá cờ Tổ quốc mãi mãi tung bay, thắm mãi ”

Có mặt trong buổi lễ hôm nay, có ông Và Mĩ Cấu - Chủ tịch xã Lũng Cú là người gắn bó với những lần xây mới cột cờ Lũng Cú. Ông Và Mĩ Cấu nhớ lại, năm 1991, được sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, nhân dân các dân tộc Lô Lô, Mông, Dao ở Lũng Cú đã đi khắp các vùng rừng, lên những mỏm núi cao nhất, xa nhất để tìm cho được 1 cây Pơ mu cao gần 13m, thân thẳng đứng như mũi tên hướng lên trời kiêu dũng. Mất 2 ngày cưa cây, gần 20 trai tráng đã nâng bổng thân cây nặng hàng tạ để đưa lên đỉnh núi Rồng làm cột cờ bằng gỗ đầu tiên…

Đến năm 2000, từ tháng 8-12/2000, những chiếc quẩy tấu thô mộc của người dân Lũng Cú lại kéo lên đỉnh núi cao 1.500m này gần 2 tấn thép, 8.000 viên gạch, gần 70m khối đá và cát để dựng nên cột cờ xây.

Hôm nay, chứng kiến cột cờ mới khang trang, to đẹp hơn, người dân Lũng Cú vui lắm. Ông Và Mĩ Cấu cho biết, người dân Lũng Cú dẻo dai như cây Sa Mộc vươn thẳng đã vượt qua cái đói, cái rét và bệnh tật hoành hành để bám trụ trên mảnh đất biên cương. Ông bà mình muôn đời đã ở đây, đất nước mình đã đặt sứ mệnh cho mình ở đây nên, mình và mọi người, con cháu mình sẽ mãi ở đây, dựng xây bản làng ngày thêm giàu đẹp.

Dưới sắc cờ Lũng Cú thiêng liêng luôn có những màu áo xanh thân thương của những chiến sỹ biên phòng đứng gác. Với những người chiến sỹ đồn biên phòng Lũng Cú, thì ngoài việc bảo vệ an ninh quốc phòng vùng viễn biên, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đồn Biên phòng Lũng Cú là đảm bảo cho sắc cờ trên đỉnh núi Rồng lúc nào cũng thắm đỏ, bởi đó là hồn thiêng sông núi.

Đồn Biên phòng Lũng Cú có hẳn một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ cột cờ này. Do sức gió trên cao rất mạnh rất cẩn thận để giữ gìn lá cờ luôn lành lặn. Mỗi tuần, các chiến sỹ lại thay cờ một lần. Với các chiến sỹ đây chính là một vinh dự cao cả mà không phải ai cũng có được.

Có mặt trong buổi lễ khánh thành, anh Vàng Gì Toán, người dân tộc Lô Lô là dân phòng xã bày tỏ, người dân các dân tộc luôn sát vai cùng các chiến sỹ biên phòng bảo vệ sự bình yên cho vùng biên giới, cho sắc cờ biên giới mãi thắm tươi.

Việc đầu tư xây dựng Cột cờ Quốc gia Lũng Cú có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị ngoại giao, khẳng định về mặt chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước…

Đứng bên cột cờ Tổ quốc nơi cực Bắc, dõi tầm mắt ra bốn phương, mỗi người trong buổi lễ hôm nay như thêm một lần cảm nhận sâu sắc hơn về quê hương đất nước, về lịch sử 4.000 năm của dân tộc.

Trong tiếng gió miền biên giới, có ai đó khe khẽ ngâm vài thơ “Khi ta lớn lên đất Nước đã có rồi/ Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể”…./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên