Khảo sát thương hiệu châu Á - nhận biết sức mạnh của Việt Nam

Dự án Khảo sát Thương hiệu Châu Á 2011 gần đây đã đưa ra thống kê so sánh mức độ nhận biết của khách hàng về những thương hiệu hàng đầu ở 8 thị trường sôi động nhất châu lục này, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, khảo sát này cho thấy các thương hiệu nội địa và quốc tế chiếm tỷ lệ gần như tương đương trong số 50 thương hiệu đứng đầu, phản ánh sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà cung cấp Việt Nam và nước ngoài trong hầu hết các lĩnh vực.

Thương hiệu nội địa – Thương hiệu quốc tế

Theo kết quả khảo sát, trong lĩnh vực mạng điện thoại di động tại Việt Nam, Viettel và Mobifone xếp hạng cao nhất. Trung Nguyên, một trong số những thương hiệu cà phê Việt Nam đầu tiên đưa được chuỗi cà phê của mình tới toàn quốc gia đã áp đảo đối thủ trực tiếp là Highlands Coffee. Trung Nguyên nhận 70,2 điểm, xếp thứ 7/100 thương hiệu được lựa chọn khảo sát so với 41,4 điểm cho Highlands Coffee, xếp thứ 73.

Trung Nguyên là doanh nghiệp đầu tư thành công Thương hiệu Café Trung Nguyên. (Ảnh: Phỉ Thúy)  

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, những thương hiệu nội địa như Vietcombank, Agribank và Bảo Việt đạt thứ hạng cao hơn so với các thương hiệu quốc tế như HSBC, VISA hay American Express.

Dù vậy, việc lối sống đang thay đổi nhanh chóng và các chính sách được nới lỏng cho các tập đoàn tài chính, ngân hàng quốc tế thì chắn chắn sẽ có nhiều người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng online và thẻ tín dụng hơn, đồng nghĩa với việc những nhà cung cấp quốc tế sẽ có nhiều thuận lợi và kinh nghiệm  hơn.

Ở lĩnh vực đồ gia dụng điện tử và công nghiệp máy tự động, các thương hiệu Nhật Bản chiếm lĩnh đa phần thứ hạng cao. Những cái tên được biết nhiều tới như Sony, Panasonic, Honda, Toyota và Yamaha. Samsung và LG là 2 thương hiệu Hàn Quốc duy nhất trong top 30 đang dần trở thành đối thủ mạnh trong mảng điện thoại di động và gia dụng điện tử.

Bản khảo sát cũng chỉ ra rằng chương trình kích cầu của chính phủ nhằm thúc đẩy việc sử dụng thương hiệu nội địa đã thành công, đặc biệt trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm và đồ uống cũng như công nghiệp may mặc - những lĩnh vực mà thương hiệu Việt Nam đạt thứ hạng cao (Vinamilk, Trung Nguyên, Kinh Đô, Việt Tiến, bia Hà Nội, bia Sài Gòn, Vissan…).

Những công ty nội địa trong ngành công nghệ thông tin, tài chính và ngân hàng (Vinaphone, Mobifone, VNPT, Vietcombank, Agribank, Bảo Việt) nhận được nhiều sự chú ý từ công chúng.

Tuy nhiên, xu hướng này có thể sẽ đi xuống với sự thâm nhập ngày càng mạnh mẽ của các nhà cung cấp nước ngoài. Điều này sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt và gay gắt trong tương lai gần. Trong lĩnh vực công nghê cao, các nhà cung cấp Nhật Bản vẫn tiếp tục có ảnh hưởng lớn tại thị trường Việt Nam cùng một số thương hiệu quốc tế khác. Điều này phản ảnh khối người tiêu dùng hiểu biết công nghệ có thu nhập vừa và cao ngày càng nhiều.

Một số thương hiệu được yêu thích

Nokia, Honda và Vinamilk đã nhận được điểm cao nhất cho các tiêu chuẩn như “ưa thích”, “đồng cảm”. “gần gũi”. Điều này có thể được lý giải bởi các thương hiệu này gắn liền với đời sống thường ngày của đại đa số người tiêu dùng Việt. Cả 3 doanh nghiệp này đều là những thương hiệu đi đầu trong lĩnh vực của mình.

Vinamilk là 1 trong những thương hiệu nhận được điểm cao nhất cho các tiêu chuẩn như “ưa thích”, “đồng cảm”, “gần gũi”. (Ảnh: KT)
Một điểm thú vị là Google đứng thứ nhất với câu hỏi “cảm thấy buồn nếu nó biến mất”, theo sau là Nokia và Vinamilk. Kết quả này thể hiện độ nổi tiếng và mối quan hệ khăng khít giữa hạng mục các sản phẩm và hoạt động thường nhật của người Việt Nam.

Một điểm thú vị là Google đứng thứ nhất với câu hỏi “cảm thấy buồn nếu nó biến mất”, theo sau là Nokia và Vinamilk. Kết quả này thể hiện độ quan trọng của internet nói chung và Google nói riêng đối với người Việt.

Apple, thương hiệu hàng đầu trong Khảo sát Thương hiệu Châu Á tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan chỉ xếp thứ 26 tại Việt Nam với 56,5. Dù vậy, thương hiệu này nhận được số điểm tương đối cao cho tiêu chuẩn chất lượng và thiết kế, chỉ sau Nokia trong lĩnh vực điện thoại di động nhưng cao hơn nhiều so với các đối thủ khác trong lĩnh vực máy tính như Dell hay HP.

Ông Yahiro, Tổng giám đốc công ty Nikkei BP Consultancy, đơn vị chủ trì khảo sát này, nhận định về sự cạnh tranh của các thương hiệu: “ Các thương hiệu Việt Nam đã bắt đầu chú trọng vào xây dựng thương hiệu hơn trước đây. Nhìn chung, các thương hiệu Việt Nam thường được xếp hạng cao hơn trong các tiêu chuẩn “thuận tiện” và “dễ sử dụng”.

Tuy nhiên, khi so sánh với các thương hiệu quốc tế, các thương hiệu Việt Nam nên chú trọng hơn vào sự sáng tạo và đổi mới khi xây dựng thương hiệu. Điều này yêu cầu cả sự phát triển chiến lược, tập trung mang tới cho người tiêu dùng những giá trị tốt nhất về sản phẩm và dịch vụ và xây dựng dấu ấn riêng cho thương hiệu của mình. Những yếu tố này sẽ giúp cho thương hiệu có được những tính cách độc đáo, đọng lại dấu ấn lâu dài trong tâm trí người tiêu dùng”.

Được công bố vào ngày 20/4 vừa qua tại Nhật, Khảo sát Thương hiệu Châu Á có 100 thương hiệu tham gia trong đó có 60 thương hiệu giống như ở 7 thị trường còn lại và 40 thương hiệu được công ty B&Company Việt Nam lựa chọn dựa trên mức độ nổi tiếng.

38/100 thương hiệu nghiên cứu là từ các công ty trong nước. Khảo sát bao gồm nhiều nhóm ngành công nghiệp đa dạng như nhóm hàng tiêu dùng nhanh, tài chính và ngân hàng, truyền thông, may mặc, điện thoại di động và công nghệ thông tin, thiết bị điện tử gia dụng.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên