Khát khô bên những công trình chứa nước khổng lồ

VOV.VN - Dự án Thủy lợi Ia Mơr với số vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, nhưng sau khi xây xong lạ lùng không có nước tưới do nhiều vướng mắc.

>> Bài 1: Tây Nguyên khô hạn, gian nan tìm nước cho 2 triệu ha cây trồng

LTS: Tây Nguyên vốn là nơi có hệ thống sông suối khá dày đặc, có tiềm năng, lợi thế lớn về nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc quy hoạch, phát triển và quản lý các công trình hồ chứa nước ở đây lại đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Chính vì thế, đã xảy ra một nghịch lý đồng ruộng, nương rẫy khát khô ngay cả khi ở bên cạnh những công trình hồ chứa nước khổng lồ.

Thủy lợi Ia Mơr lênh láng nước nhưng không tưới được cho cây trồng.

Hồ thủy lợi Ia Mơr, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông có sức chứa 180 triệu m3, quy hoạch phục vụ vùng tưới hơn 14.500ha cho 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Hồ chứa công trình đã xây dựng xong cách đây 3 năm, nhưng hiện chưa thể tưới cho cây trồng. Giữa cao điểm mùa khô hạn, ngắm nhìn đại công trình thủy nông, anh Kpuih Mlai, làng Klăh, xã Ia Mơr than phiền rằng anh không thể hiểu quy hoạch thế nào mà hồ đầy nước nhưng đồng ruộng, nương rẫy của bà con ngay bên cạnh lại khát khô. Thiếu nước, cây trồng chết cháy kéo theo cái nghèo là nỗi buồn của bà con người Jarai sống ngay bên công trình chứa nước không lồ.

“Lúa hiện tại phụ thuộc vào nước mưa thôi, bây giờ một năm chỉ trồng được một vụ. Mưa nắng thuận hòa thì có thu hoạch, hạn hán thì lúa chết hết, bà con thất thu. Rất nhiều kỳ vọng, đập thủy lợi Ia Mơr xong rồi nhưng nước chưa dẫn qua đồng ruộng, chưa thấy gì cả, như vậy là không ổn. Bà con mong nước lắm, như bản thân tôi cũng mong có nước sớm nhất để trồng thêm mấy loại cây ăn quả”, anh Kpuih Mlai nói.

Dự án Thủy lợi Ia Mơr do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với nguồn vốn gần 3.000 tỷ đồng. Công trình đã xây xong nhưng lạ lùng lại không có vùng tưới do nhiều vướng mắc, vòng luẩn quẩn trong quy hoạch dẫn tới những lãng phí lớn cả về nguồn lực đầu tư cũng như nguồn nước tích được trong hồ.

Ông Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho rằng, vấn đề lúc này là cần nghiên cứu, khắc phục làm sao để công trình có thể đi vào hoạt động, phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế xã hội ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn: "Thủy lợi Ia Mơr 3.000 tỷ đã đầu tư xong, hồ nước đã lênh láng, kênh mương chính đã gần xong, nhưng bây giờ không có đất tưới. Vùng này là 3 xã tuyến biên giới và dân tộc thiểu số 100% cùng với Ea Suóp- Đăk Lăk cũng là biên giới và dân tộc thiểu số, dân vùng này rất nghèo, trông chờ thủy lợi này đã xong mà không tưới được thì làm sao dân vùng này thoát nghèo".

Ngay bên cạnh đại công trình thủy nông Ia Mơr, đồng ruộng khát khô.

Nghịch lý khát khô bên công trình hồ chứa khổng lồ cũng diễn ra đối với lưu vực sông Ba, hạ nguồn thủy điện An Khê-Ka Nak. Công trình có sức chứa hơn 300 triệu m3 nước này được gọi là “công trình sai lầm thế kỷ”, bởi những hệ lụy lớn lao mà nó gây ra cho hàng vạn hộ dân lưu vực sông.

Sai lầm ở đây là công trình này tích nước sông Ba ở Gia Lai rồi chuyển dòng sang huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định để phát điện và đổ nước vào sông Kôn. Hơn 10 năm kể từ khi công trình này chặn dòng và đi vào hoạt động là hơn 10 năm người dân tỉnh Gia Lai khốn khổ vì nước sông Ba cạn kiệt mùa khô hạn.

Ông Lương Bá Khánh, ở thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro cho biết: "Báo chí rồi người dân, chính quyền địa phương các nơi nhiều lần kiến nghị rồi, nhưng vì lợi ích doanh nghiệp họ có chấp hành hay không lại là chuyện khác. Khi họ vận hành nhà máy đã lợi dụng dòng chảy đến giờ dòng sông cạn mất rồi, dòng chảy nó không có nữa thành ra nước tù, nước đọng".

Thủy điện Thượng Kon Tum tái diễn sai lầm An Khê Ka Nak. Một dòng sông chết dài hàng chục km sau đập thủy điện.

Bài học nhãn tiền về sai lầm của thủy điện An Khê- Ka Nak chưa được khắc phục, thì ngay trong cao điểm mùa khô hạn này, tại tỉnh Kon Tum, Thủy điện Thượng Kon Tum tiến hành chặn dòng, tích nước hồ chứa ở thượng nguồn sông Đăk Snghé để phục vụ nghiệm thu cụm đầu mối. Công trình này cũng tái diễn sai lầm là tích nước, chuyển dòng từ sông Đăk Snghé ở Kon Tum sang sông Đắk Lô, tỉnh Quảng Ngãi. Chính quyền và người dân hạ lưu rất bất bình khi tình trạng hạn hán vốn đã khốc liệt, ngay sau khi công trình thủy điện này thực hiện việc tích nước đã khiến tình trạng khô hạn ở khu vực hạ lưu sông ngày càng nghiêm trọng. Một dòng “sông chết” dài hàng chục km đã được tạo nên bởi một công trình chứa nước khổng lồ.

Anh Vũ Văn Luân, thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy có 2 ha tiêu và trên 3 ha cà phê ngay bên sông Đăk Snghé, cách công trình thủy điện Thượng Kon Tum khoảng 30 km về phía hạ lưu. Những ngày qua, anh Luân, túc trực cả ngày lẫn đêm nhưng không đủ nước tưới cho cây trồng.

“Đánh cắp” nguồn nước của dòng sông là một khái niệm mới được các nhà khoa học đưa ra với những cảnh báo ở cấp độ cao về hệ lụy của việc xây dựng ồ ạt các thủy điện và chuyển nước của dòng sông này sang dòng sông khác. Nguồn nước và sự phát triển bền vững của Tây Nguyên bị đe dọa bởi chính những sai lầm khó khắc phục. Vào những mùa khô hạn, cả bốn con sông lớn của Tây Nguyên gồm: Sêrêpôk, Sê San, Đồng Nai và sông Ba được nhận định đã không còn là sông mà trở thành hệ sinh thái hồ.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên nước và thích nghi Biến đổi khí hậu, đưa ra cảnh báo: “Vận hành thủy điện mà không xả nước lại cho dòng chảy cũ tức là lấy cắp nước của cuộc sống đang bình thường của một khu vực để cho một khu vực khác. Sông Sê San thì có thủy điện Thượng Kon Tum chuyển nước về Quảng Ngãi. Sông Ba thì có thủy điện An Khê Ka Nak chuyển nước về Bình Định. Xuống Đăk Lăk, không chuyển nước lưu vực nhưng chuyển nước ra khỏi dòng sông, từ Sêrêpôk 4 xuống Sêrêpôk 4A. Và sông Đồng Nai cũng chuyển nước, đó là chuyển nước của Thủy điện Đa Nhim. Đấy, chuyển nước như thế thì rõ ràng rất tác hại. Hiện nay, tôi xin nhấn mạnh, tất cả các dự án chuyển nước phải vô cùng thận trọng và phải tránh".

Theo các nhà khoa học, cả 4 dòng sông lớn của Tây Nguyên gồm: Sêrêpôk, Sê San, Đồng Nai và sông Ba đã không còn là sông mà trở thành hệ sinh thái hồ trong mùa khô hạn.

Tây Nguyên với cả hàng nghìn công trình hồ thủy lợi, hồ thủy điện, tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều dự án, nhiều công trình chỉ vì cái lợi trước mắt để rồi bộc lộ những bất cập lớn trong quy hoạch, xây dựng và quản lý mà không phát huy được hiệu quả, để rồi dẫn đến những nghịch lý khó có thể chấp nhận như một số công trình hiện tại khiến người dân lâm cảnh “khát khô bên hồ nước”.

Mời bạn đọc theo dõi tiếp “Mất rừng, vỡ quy hoạch, quản lý yếu kém, hạn chồng hạn” để tìm hiểu về những thiệt hại của người nông dân không chỉ do từ thiên tai, mà còn do nhân tai gây ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên