Khi bữa ăn học đường bị buông lỏng
VOV.VN - “Bữa ăn lèo tèo”, "bữa ăn èo uột" và liên tiếp những vụ ngộ độc tập thể xảy ra thời gian qua tại các cơ sở giáo dục... Bữa ăn học đường liệu có đang bị buông lỏng?
Liên tiếp những vụ việc lùm xùm xung quanh bữa ăn học đường những ngày qua, từ chuyện “bữa ăn lèo tèo” với vài cọng giá đỗ và mấy miếng cá chiên nhỏ, đến vụ ngộ độc tập thể tại một trường tiểu học khiến dư luận không khỏi bất an, lo lắng. Câu chuyện không mới, nhưng đã thêm một lần nữa dấy lên sự lo ngại về việc bữa ăn học đường đang bị buông lỏng.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, điều này cũng thể hiện phần nào sự lơi lỏng trong quản lý chất lượng bữa ăn học đường.
Lo lắng về chất lượng bữa ăn học đường, nhiều gia đình không cho con ăn ở trường mà đón về nhà dù có vất vả hơn rất nhiều để đổi lại lấy sự yên tâm. Tuy nhiên, ngược lại, cũng có một số người cho rằng, ở trường con cũng chỉ ăn một bữa nên việc đảm bảo dinh dưỡng cho con chủ yếu là trách nhiệm của gia đình.
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh không đồng tình với cả 2 thái cực này. Bởi lẽ, bữa ăn học đường không chỉ thuần túy là một bữa ăn mà có vai trò rất quan trọng trong sự trưởng thành của con trẻ, chứa đựng nhiều ý nghĩa giáo dục.
“Tuy rằng có một bữa thôi, nhưng nó rất quan trọng, bởi đó là bữa chính trong ngày, theo chuyên môn khoa học thì bữa này cung cấp 40% giá trị dinh dưỡng trong ngày. Bữa ăn này đỡ cho các cháu nếu buổi sáng ăn kém, nó giúp cho con trẻ khỏe mạnh để học tập trong cả ngày. Hơn nữa với một bữa ăn tập thể ở lớp cũng là cơ hội để chúng ta giáo dục kỹ năng sống cho trẻ từ cách tổ chức bữa ăn, học cách chia sẻ, làm việc nhóm... Vì vậy, nếu chúng ta buông lỏng chất lượng bữa ăn học đường sẽ gây ra nhiều hệ lụy”, PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh bày tỏ.
Cần phải làm thế nào để con em có bữa ăn học đường đủ dinh dưỡng và đảm bảo an toàn cũng như phát huy những ý nghĩa của nó? Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh các trường học, mà cụ thể là BGH nhà trường cần phải nêu cao trách nhiệm, siết chặt, kiểm soát kỹ các vấn đề vệ sinh ATTP cũng như chất lượng trong các bữa ăn của học sinh. Bên cạnh đó cần có tiêu chí chặt chẽ đối với các đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh.
“Hiện nay ở nhiều nước trên thế giới, ví dụ như Nhật Bản bữa ăn học đường được cung cấp bởi các đơn vị chuyên nghiệp về ẩm thực. Hiện nay, với điều kiện của nước ta có thể hoàn toàn áp dụng mô hình này, và thực tế nhiều trường đã thực hiện. Vì nếu để đảm bảo chất lượng bữa ăn học đường mỗi nhà trường phải đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy vận hành bếp ăn, hiện thực thì đa số các trường sẽ khó đảm bảo được tiêu chí này. Do vậy sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn là hợp lý nếu các đơn vị cung cấp suất ăn đảm bảo tiêu chí. Nhưng điều quan trọng vẫn là việc thực hiện và giám sát của nhà trường”, PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh nói.
Để dẹp bỏ nỗi bất an về bữa ăn học đường, ngoài trách nhiệm từ nhà trường, thì phụ huynh học sinh và bản thân học sinh cũng nên phát huy quyền và trách nhiệm trong việc giám sát chất lượng bữa ăn. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành y tế và giáo dục.
Trường học là nơi để mỗi con người phát triển không chỉ về tri thức mà còn cả về thể lực. Trí tuệ và thể lực là đôi chân song hành để mỗi người bước đi vững chãi trên hành trình phát triển. Và khi chúng ta buông lỏng chất lượng bữa ăn học đường cũng chính là bỏ mặc một bên của đôi chân ấy. Vì thế, để thực hiện chiến lược phát triển đất nước thì việc quan tâm đến bữa ăn học đường là điều không thể bỏ qua, đồng thời đòi hỏi trách nhiệm của nhiều bên liên quan, đặc biệt là ngành giáo dục và y tế.