Khó đạt mục tiêu 50% người lao động tham gia BHXH
VOV.VN -Hiện mới có gần 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện, nên khả năng đạt được mục tiêu 30 triệu lao động tham gia BHXH là khó khả thi.
Dự báo đến năm 2020, lực lượng lao động cả nước đạt khoảng 60 triệu người. Nhằm mở rộng mạng lưới an sinh xã hội cho người lao động khi nghỉ hưu, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 50% (tương đương 30 triệu lao động) tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó tập trung mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có gần 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Nhiều người băn khoăn khó có khả năng đạt được mục tiêu này.
Nhiều người lao động đi làm chỉ để kiếm tiền, chưa nghĩ đến việc đóng BHXH (Ảnh minh họa) |
Làm nhân viên văn phòng cho một Công ty tư nhân tại Hà Nội, chị Nguyễn Lan Anh nhận mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng, nhưng không được doanh nghiệp đóng BHXH. Mặc dù biết quyền lợi bị ảnh hưởng nhưng chị không dám thắc mắc vì lo sợ doanh nghiệp cho nghỉ việc.
Khi được hỏi tại sao không mua BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu, thì chị cho rằng chưa hiểu rõ về lợi ích của loại hình bảo hiểm này: “Chúng tôi đi làm chỉ để lấy đồng lương, không quan tâm đến đóng bảo hiểm như thế nào. Nhiều người chỉ mua loại bảo hiểm y tế để khi ốm đau có thể giải quyết khâu đi viện chứ không quan tâm đến việc sau này về hưu có lương. Có nhiều người như chúng tôi cũng nghe nói đến BHXH tự nguyện, nhưng lại không rõ về chế độ bảo hiểm này như thế nào. Hơn nữa, theo tôi biết là loại bảo hiểm này phải đóng 100% nên người ta xót tiền, không muốn đóng”.
Còn chị Nguyễn Thị Dung, ở quận Cầu Giấy, mở cửa hàng bán đồ tiêu dùng tại gia đình chia sẻ, không biết loại hình BHXH tự nguyện và cũng chưa được ai tư vấn hay hướng dẫn về mức đóng cũng như chế độ, quyền lợi được hưởng khi hết tuổi lao động. Hiện tại chị chỉ quan tâm đến bảo hiểm y tế tự nguyện do thường xuyên phải đi khám chữa bệnh:
“Tôi chưa nghe nói đến loại bảo hiểm này và cũng chưa nghĩ đến việc mua BHXH. Tôi chỉ biết bảo hiểm y tế vì chỉ đóng 600.000 đồng một năm. Ở đây tôi chẳng thấy tuyên truyền gì, cứ lên phường mua bảo hiểm y tế, người dân ở đây cũng chỉ mua bảo hiểm y tế thôi, ít người mua BHXH lắm” – chị Dung nói.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, sau 8 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, đến nay, số người tham gia mới chỉ đạt chưa đến 200.000 người, chiếm 0,35% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.
Do đó, Luật BHXH (sửa đổi) hướng tới đối tượng có quan hệ lao động “dễ bị tổn thương” là những trường hợp thường ký hợp đồng dưới 3 tháng và nhóm lao động phi chính thức (lao động tự làm và lao động gia đình) thông qua BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng này đang là bài toán khó với ngành BHXH.
Phần lớn những lao động này có công việc không ổn định, thu nhập thấp, không quan tâm hoặc chưa hiểu rõ về các lợi ích khi tham gia BHXH. Nếu không được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng thì sẽ khó thu hút người lao động tham gia.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BHXH, trong đó đề xuất hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia tự nguyện với 2 phương án.
Phương án 1: Nhà nước hỗ trợ tiền cho người tham gia BHXH tự nguyện và hỗ trợ 10 năm đầu; mức hỗ trợ của Nhà nước theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng tối thiểu, 5 năm đầu là 50%; 5 năm tiếp theo là 30%.
Còn phương án 2, Nhà nước chỉ hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động ở khu vực nông thôn tham gia bảo hiểm tự nguyện, mức hỗ trợ hàng tháng là 30% mức đóng tối thiểu.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH cho biết: “Làm thế nào để có thể truyền tải tất cả các thông điệp có trong Luật đến người dân là một khâu trong tổ chức thực hiện. Luật pháp đã có rồi, một trong những khâu quan trọng đó là vấn đề truyền thông. Người dân chưa biết thì phải làm thế nào cho người ta biết. Các thông điệp đó phải được thông qua các kênh của các cơ quan truyền thông, ngoài ra còn phải có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, ban ngành mới thực hiện được. Khi người dân đã nhận thức được thì họ sẽ thay đổi trong hành vi”.
Luật BHXH (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016 quy định nhiều chính sách để thu hút người lao động tự nguyện tham gia. Song nếu không đổi mới cách làm, tuyên truyền sâu rộng, cụ thể đến từng người lao động thì mục tiêu mở rộng đối tượng BHXH sẽ khó khả thi./.