Kon Tum:

Khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Việc xử phạt không nghiêm đã dẫn đến tình trạng người dân tiếp tục phá rừng làm nương rẫy trái phép

Tháng 3 là tháng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên vào rừng phát nương, làm rẫy. Đây cũng là thời điểm mà các ngành chức năng liên tục cảnh báo nguy cơ cháy rừng luôn ở mức báo động cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Song, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đốt nương làm rẫy

Ngay từ đầu mùa khô năm 2010 - 2011, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Chỉ thị về việc triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2011 với nhiều biện pháp khá quyết liệt với mục đích bảo vệ và giữ gìn màu xanh của các cánh rừng còn sót lại ở phía Bắc Tây Nguyên.

Theo Chỉ thị này, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng, ban liên quan thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, đặc biệt là người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, chống người thi hành công vụ. Các chủ rừng chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu xảy ra cháy rừng trên lâm phần đơn vị quản lý mà không phát hiện, xử lý, báo cáo kịp thời… Song, để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này vẫn còn nhiều việc cần phải giải quyết.

Cái khó bó cái khôn

Theo số liệu thống kê, hàng năm, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra hàng trăm vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép, diện tích rừng thiệt hại từ hàng chục đến hàng trăm ha (Năm 2009 xảy ra 564 vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép với diện tích thiệt hại trên 119 ha; năm 2010 xảy ra 307 vụ phát rừng làm rẫy với diện tích thiệt hại trên 60 ha; 3 tháng đầu năm 2011 xảy ra 112 vụ, thiệt hại trên 26 ha).

Phần lớn các vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép đều được phát hiện, tiến hành xử phạt hành chính nhưng người dân không chấp hành. Huyện Đăk Glei là một trong những địa bàn nóng về tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy trái phép. Từ đầu năm đến nay, Hạt kiểm lâm huyện Đăk Glei phát hiện và tiến hành xử phạt 90 vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép, đã tiến hành xử phạt hành chính hơn 82 triệu đồng, song người dân chỉ nộp phạt hơn 4 triệu đồng (khoảng 5% số tiền cần phải nộp); thậm chí năm 2009, số tiền xử phạt hành chính về phát rừng làm rẫy trái phép là 1.183.017.600 đồng nhưng người dân không nộp đồng nào. Ở một vài địa phương khác, tình trạng xử phạt hành chính trong việc phát nương làm rẫy cũng diễn ra trong tình trạng tương tự.

Việc xử phạt không nghiêm đã dẫn đến tình trạng người dân nhờn pháp luật, tiếp tục phá rừng làm nương rẫy trái phép. Ông Nguyễn Văn Hải, Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Đăk Glei thừa nhận: “Những trường hợp vi phạm luật quản lý, bảo vệ rừng, Hạt kiểm lâm đã lập biên bản giao cho chính quyền địa phương xử phạt theo quy định của pháp luật, đôn đốc thu tiền phạt nhưng người dân không có khả năng nộp phạt vì cuộc sống khó khăn“. Còn ông Huỳnh Dũng, Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt kiểm lâm huyện Ngọc Hồi cho biết: “Quyết định xử phạt hành chính không có hiệu lực do đời sống người dân còn khó khăn, cưỡng chế tài sản trong gia đình thì không có gì để cưỡng chế. Sắp tới, Hạt kiểm lâm huyện Ngọc Hồi đang hoàn chỉnh hồ sơ để tiến hành khởi tố 3 vụ án chặt phá rừng trái pháp luật nhằm răn đe, giáo dục”.

Một khoảnh rừng bị thiêu rụi để làm nương rẫy

Mặc dù biết phá rừng làm nương rẫy trái phép, là vi phạm pháp luật, nhưng một số người vẫn vào rừng phát nương, làm rẫy vì hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum các ngành chức năng chưa tiến hành quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy (chỉ có huyện Tu Mơ Rông đã quy hoạch vùng canh tác nương rẫy, huyện Ngọc Hồi đang xây dựng đề án quy hoạch vùng canh tác nương rẫy).

Một nguyên nhân khác cũng dẫn tới tình trạng phá rừng làm nương rẫy là một số diện tích đất sản xuất bị cơn bão số 9 bồi lấp. Tại làng Kon Riêng, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, hơn 50% diện tích lúa nước của người dân bị cơn lũ số 9 cuốn trôi, vùi lấp. Chính quyền huyện Đăk Glei cũng đã quy hoạch 100 ha đất rừng, lập khu tái định cư cho người dân, nhưng diện tích đất này lại chưa phù hợp với canh tác lúa nước nên người dân lại vào rừng phát nương làm rẫy.

Ông A Chéo, trú tại làng Kon Riêng, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei cho rằng: “Đất quy hoạch không phù hợp với làm ruộng nước, phù hợp với trồng cao su, cà phê. Bà con khó khăn phải vào rừng sâu vì ruộng hết rồi, phải phát quang lau lách để kiếm từ 4 - 5 bao gạo ăn”.

Thiếu kinh phí

Một “căn bệnh trầm kha” chưa có thuốc đặc hiệu để chữa trị cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đó là nguồn kinh phí. Theo dự án phê duyệt của ngành chức năng, kinh phí phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2006 - 2010 là 20.240.572.000 đồng. Tuy nhiên, trên thực tế được cấp mới chỉ là 3,6 tỷ đồng (bằng 17,79%). Dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2008 - 2010 là 15 tỷ đồng, nhưng thực cấp chỉ là 6 tỷ (khoảng 40%). Vì vậy rất khó khăn cho việc triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Do không có kinh phí hỗ trợ nên trách nhiệm của tổ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại các thôn, làng không cao, họ thờ ơ trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Bà Mai Thoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi kiêm Trưởng ban Chỉ huy các vấn để cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng huyện Ngọc Hồi cho biết: “Với nguồn kinh phí được cấp cho cơ sở quá thấp, nếu tiến hành kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên tại cơ sở trong vòng một tháng là hết. Hơn nữa, trong thời gian gần đây giá sắn, cà phê, cao su tăng cao nên người dân vào rừng phát nương làm rẫy để tăng gia”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi kiến nghị: “Cần hỗ trợ cho những người tham gia tổ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại các thôn, làng một bộ áo quần, giày mũ để giúp họ có phương tiện tối thiểu nhất tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Như thế sẽ có trách nhiệm hơn khi tham gia công tác này vì hiện nay họ không có chế độ gì cả”. Hiện hầu hết các công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp ở các huyện, đơn vị chủ rừng không có kinh phí phát dọn thực bì đối với diện tích rừng trồng từ năm thứ 3 trở đi nên nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn.

Đốt thực bì ngăn chặn lửa cháy lan vào rừng

Nguồn lực con người quá mỏng và thiết bị chữa cháy thô sơ

Cùng với thiếu tiền, nguồn lực con người phụ vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cũng lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Cả tỉnh Kon Tum có trên 650.000 ha rừng nhưng lực lượng bảo vệ rừng chỉ có 257 biên chế (Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh với diện tích rừng trên 400.000 ha nhưng số biên chế lên đến 350 người). Ở các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp tại các huyện cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Ông Hoàng Văn Toàn - Giám đốc lâm trường rừng thông thuộc Cty TNHH một thành viên Lâm nghiệp huyện Đăk Glei trăn trở: “Lâm trường chúng tôi được giao quản lý gần 9.000 ha rừng trải dài trên địa bàn 5 xã của huyện Đăk Glei nhưng lực lượng quản lý quá mỏng, chỉ có 5 người, một lãnh đạo và 4 người quản lý địa bàn. Trong khi đó, thu nhập bình quân của mỗi người chỉ khoảng 2 triệu/tháng nên hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng còn rất nhiều hạn chế”. Hầu hết các xã chỉ có một kiểm lâm viên phụ trách địa bàn, họ có trách nhiệm tham mưu cho chính quyền địa phương về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, song địa bàn quá rộng, một số chính quyền địa phương còn ỷ lại vào kiểm lâm phụ trách địa bàn nên họ “ôm” không hết việc.

Hiện nay, công cụ phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, cơ sở còn rất thô sơ, chủ yếu là dụng cụ thủ công. Đơn cử như lúc 19h ngày 2/3/2011, tại tiểu khu 460, 466 xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy do Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy quản lý đã xảy ra vụ cháy 280 ha rừng, trong đó 220 ha rừng trồng cháy thảm thực vật dưới tán rừng, 60 ha rừng tự nhiên là cỏ tranh, lau lách, cây bụi bị cháy. Lực lượng chức năng đã huy động 200 người, mãi đến 16h ngày 5/3 mới dập tắt hoàn toàn đám cháy, song biện pháp ngăn chặn thần lửa hung hãn cũng chỉ bằng dao, cuốc, rựa, cào...

Huyện Ngọc Hồi có tổng diện tích rừng trên 53.000 ha, trong đó, rừng tự nhiên trên 51.000 ha, rừng bố trí tại những nơi đồi núi, dốc cao, thế nhưng phương tiện chữa cháy chủ yếu là công cụ thô sơ: 605 dụng cụ (dao, cuốc, xẻng, bàn dập), 22 bình bơm đeo vai, 18 máy cắt thực bì, 01 máy phát điện...

Ông Nông Văn Nhì, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum lo lắng: “Khó khăn của công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô là từ nay đến hết tháng 3/2011. Đây cũng là thời gian trọng điểm người dân phát rừng làm rẫy. Qua thời gian này trên địa bàn tỉnh Kon Tum có mưa rải rác, độ ẩm tăng lên, nguy cơ cháy rừng sẽ giảm”.

Giải pháp bền vững cho công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đối với các tỉnh Tây Nguyên là nên giao rừng về trực tiếp cho người dân quản lý. Chỉ khi nào người dân hưởng lợi thực sự từ các nguồn lâm sản dưới tán rừng thì lúc đó nguy cơ xâm lấn vào rừng sẽ giảm.

Cùng với đó, các bộ ngành chức năng cần sớm tiến hành quy hoạch vùng canh tác nương rẫy, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; xử lý nghiêm minh các trường hợp phá rừng trái pháp luật; hướng dẫn người dân trồng và phát triển loại cây con gì dưới tán rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên