Khó xử phạt hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định
VOV.VN - Mặc dù từ 1/1/2025 xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập gây ra rào cản trong thực hiện việc này.
Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường nêu rõ "xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định". Nghị định này bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay 1/1/2025. Với hành vi không phân loại và lưu giữ riêng chất thải rắn công nghiệp sau phân loại, tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng. UBND các địa phương và thanh tra ngành tài nguyên và môi trường có thẩm quyền xử phạt hành vi trên.
Theo số liệu thống kê, tính đến nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên toàn quốc khoảng 67.110 tấn/ngày. Nếu chỉ lấy một số khiêm tốn chi phí để thu gom, vận chuyển và xử lý cho 1 (một) tấn CTRSH là 50 USD thì 1 ngày trung bình cả nước chi khoảng 3,35 triệu USD để thu gom, vận chuyển và xử lý cho toàn bộ CTRSH phát sinh (tương đương khoảng 1.222,75 triệu USD/1 năm). Đây là con số không hề nhỏ cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Từ ngày 5/1, các cơ sở sản xuất gang, thép, xi măng, lọc hóa dầu... phải chịu phí bảo vệ môi trường với khí thải, theo Nghị định 153/2024.
Mức phí này gồm hai khoản cố định 3 triệu đồng mỗi năm và khoản biến đổi (áp với các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn, thuộc đối tượng quan trắc). Khoản biến đổi quy theo các chất gây ô nhiễm thải ra gồm 800 đồng mỗi tấn bụi, khí NO2 và NO, 500 đồng cho một tấn CO... Mức phí này áp cho cả các cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Bên cạnh đó, từ tháng 1/2025, cơ sở sản xuất phải công khai mức tiêu thụ năng lượng của xe cơ giới (ôtô, xe máy...), theo Thông tư 55 của Bộ Giao thông Vận tải. Thông tin phải được duy trì trong suốt thời gian họ cung cấp kiểu, loại xe này ra thị trường.
Với nhựa, lộ trình giảm sản xuất, nhập khẩu túi nilon khó phân hủy bắt đầu từ 1/1/2026. Chính phủ giao UBND các địa phương quy định, quản lý chất thải nhựa, bảo đảm sau năm 2025 không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Theo bà Dương Thị Thanh Xuyến, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (Bộ Tài nguyên và Môi trường), phân loại rác tại nguồn sẽ giúp tăng nguyên liệu tái chế. Đây là cơ sở hình thành nền kinh tế tuần hoàn, biến chất thải thành tài nguyên, phục vụ cho sản xuất. Quy định này cũng góp phần bảo vệ môi trường, giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý, hướng tới nền kinh tế không phát thải năm 2050.
Vẫn còn lơ mơ trong phân loại rác tại nguồn
Theo ghi nhận của phóng viên, đến nay, đã qua 3 ngày đầu tiên áp dụng PLRTN, tuy nhiên gần như hầu khắp các nơi ở Hà Nội vẫn chưa có sự thay đổi gì mà vẫn bỏ chung các loại rác để thu gom, đưa đi xử lý.
Tại tòa chung cư N4A, N4B (đường Lê Văn Lương, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) các hộ gia đình chưa có nhiều lựa chọn, vẫn bỏ chung rác thải vào một ống dẫn rác duy nhất của từng tầng, sau đó rác sẽ rơi xuống thùng rác chung tại nhà chứa nằm ngay dưới chân tòa chung cư.
Ông Nguyễn Bá Huấn (sinh sống tại một chung cư trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mỗi ngày cứ đến 17h30 anh xách một túi rác ra khu vực thang máy của tầng 6 nhà mình để cho vào ống rác xuống hầm thu gom. Rác hằng ngày của gia đình anh chứa đủ các loại từ nhựa, thức ăn thừa, giấy, thậm chí cả thủy tinh.
"Chung cư chỉ có một ống đổ rác tại mỗi tầng của căn hộ nên các hộ gia đình có phân loại hay không thì rác cũng chỉ đi qua đường ống này để xuống kho chứa rác. Chính vì vậy, nhiều người không quan tâm đến việc PLRTN mà chỉ mở cửa ống rồi cho bịch rác vào là xong. Tất cả các loại rác xả xuống chung với nhau nên khả năng tái chế sẽ thấp, ông Huấn chia sẻ.
Theo ông Huấn, vào khoảng 18h hằng ngày, tại chung cư của anh sinh sống sẽ có nhân viên môi trường kéo xe chở rác đến thu gom rồi đẩy về nơi tập kết. Rác từ thùng rác chung cư được chất lên xe, quá trình này các loại rác cũng không được phân loại mà trộn lẫn vào nhau, chất cao quá đầu người.
"Tất cả cư dân tại chung cư nêu trên chưa từng được thông báo về việc phải phân loại rác. Mặc dù chưa có hướng dẫn, thông báo cụ thể về phân loại rác tại nguồn, nhưng từ nhiều năm nay gia đình tôi luôn phân loại các chai nhựa, chai sành, rác hữu cơ,… theo từng túi riêng. Nhiều lần mang xuống thùng rác dưới tầng 1 hay cho vào đường ống rác chung và có dặn công nhân môi trường khi thu gom nhớ phân loại riêng nhưng sau đó đơn vị thu gom vẫn thu lẫn hết vào nhau… sau đó gia đình tôi thấy cũng nản. Tôi cảm thấy việc phân loại rác tại nguồn là rất cần thiết, góp phần bảo vệ môi trường, giúp các công ty vệ sinh môi trường giảm tải áp lực trong khâu xử lý rác thải. Gia đình tôi mong các chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể cho người dân biết để khi không như hiện nay. Đặc biệt, hiện nay người dân gần như chưa có mấy ai phân loại rác ngay từ nhà, trong khi đơn vị môi trường cứ thu rác trộn lẫn hết với nhau. Nếu người dân phân loại đi chăng nữa nhưng công nhân môi trường lương thấp, chế độ hạn hẹp… cơ chế chưa rõ thì rất khó để quy định này đi vào cuộc sống”, ông Huấn nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Phúc Đức (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Mặc dù luật đến nay có hiệu lực nhưng ở khu dân cư chúng tôi gần như chưa triển khai thực hiện gì. Người dân thích phân loại thì phân không thì cứ mang rác ra thùng chung. Chưa được trang bị đủ 3 loại thùng rác. Nếu khu dân cư nào tự bỏ tiền ra mua 3 thùng rác để mỗi gia đình tự phân loại thì sau đó đơn vị thu gom lại đổ chung vào nhau khi chuyển đi nơi khác. Rất mất công mà vô lý".
Theo ông Đức, hiện nay cơ sở hạ tầng, cách thức triển khai,...đang còn hạn chế gây ra những rào cản không nhỏ đến hiệu quả của phân loại rác tại nguồn. "Trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ phương pháp triển khai, đầu tư hạ tầng, người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa để sớm triển khai được việc làm này", ông Nguyễn Phúc Đức nhấn mạnh.