Khoai nướng giá 80.000 đồng/củ: Thói quen “chặt chém” khó bỏ?
VOV.VN - Trong rất nhiều giải pháp làm giảm tình trạng xấu xí này, thì sự vào cuộc ráo riết của cơ quan chức năng là cần thiết, tránh tình trạng làm theo kiểu "ra quân" hay "chiến dịch", vụ việc nào “lên mạng” thì mới vào cuộc xử lý…
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một video gây xôn xao về việc một chủ quán hàng ngô nướng giữa Thủ Đô “chặt chém” một nhóm bạn trẻ với giá một củ khoai nướng 80.000 đồng, một quả trứng nướng có giá 20.000 đồng, 1 bắp ngô nướng có giá 20.000 đồng…
Sự việc sau đó đã được Công an phường Hàng Bạc vào cuộc lập biên bản và xử lý, phạt chủ kinh doanh 2-3 triệu về hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh và đang tiếp tục xác minh lời khai và củng cố hồ sơ trước khi đưa ra phương án xử lý.
Đây không phải lần đầu tiên tình trạng chặt chém, hét giá “trên trời” xảy ra ở ngay giữa trung tâm Thủ Đô mà trước đó đã xảy ra rất nhiều vụ việc tương tự. Như vụ tài xế taxi thu tiền 2 du khách người Nhật với giá gấp 10 lần, đồng hồ hiển thị tiền cước 42.000 đồng nhưng du khách phải trả tới 400.000 đồng. Sự việc này sau khi được đưa lên mạng xã hội cũng đã được xử lý với việc tài xế phải xin lỗi du khách, trả lại tiền thừa cùng lời thanh minh là “không biết tiếng nước ngoài”. Hay có lần du khách nước ngoài phải trả túi bánh rán lên tới 700.000 đồng ở phố cổ Hà Nội, hay bát phở có giá 200.000 đồng…
Không riêng Hà Nội, nhiều địa phương khác cũng xảy ra tình trạng này. Không chỉ du khách nước ngoài mà ngay cả người trong nước khi đi du lịch cũng rất ngại đến những nơi “có tiếng” về chặt chém mà ai cũng có thể dễ dàng điểm tên.
Nạn chặt chém hiện hữu khắp nơi. Những vụ bị xử phạt phần nhiều được đưa lên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc thì cơ quan chức năng mới vào cuộc tìm hiểu, xử lý. Mà những vụ được xử lý đếm trên đầu ngón tay.
“Chặt chém” là thói quen xấu của một bộ phận người Việt. Những người này thường kinh doanh theo kiểu ăn xổi, chụp giật, gian lận, lợi dụng tâm lý ngại hỏi giá trước khi mua của khách hàng để hét giá cao hơn nhiều so với giá trị thực của sản phẩm. Và điều đáng buồn, du khách quốc tế luôn là người dễ bị chặt chém vì không thông thuộc thổ địa và giá cả ở Việt Nam.
Hành động của họ gây bức xúc cho người mua và xã hội nhưng trên phương diện hội nhập quốc tế, nó đang làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới, làm ảnh hưởng đáng kể đến việc phát triển du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước ra thế giới. Những kẻ buôn bán kiểu chặt chém thực chất đang lấy đá ghè chân mình, đang tự bôi bẩn vào hình ảnh bản thân. Chẳng có "thượng đế" nào thèm hoặc dám tới nơi chặt chém đó lần thứ 2.
Phương châm kinh doanh của họ là chỉ cần bán cho mỗi người một lần, không cần người đó quay lại lần thứ 2. Vậy họ đích thị là những kẻ vị kỷ, chỉ biết tới bản thân, không đoái hoài tới đồng nghiệp buôn bán xung quanh, thực chất là bán đứng đồng nghiệp. Các cụ dạy "buôn có bạn, bán có phường", với những kẻ không cần "bạn", không cần "phường" như thế thì chính cộng đồng buôn bán xung quanh, bằng cách nào đó, phải lên tiếng tẩy chay trước. Tẩy chay họ tức là bảo vệ mình, bảo vệ cung cách buôn bán văn minh, thân thiện và lâu dài của mình.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, chắc chắn những hành động như thế này phải được ngăn chặn và hạn chế bằng chế tài. Cần phạt nặng, thậm chí cấm kinh doanh... Muốn vậy, cần có đường dây nóng, cơ chế khuyến khích người dân tố giác khi bắt gặp những hiện tượng như vậy.
Cùng với đó, các hộ kinh doanh, kể cả người bán hàng ở những nơi công cộng cần phải yêu cầu niêm yết giá các mặt hàng. Và quan trọng hơn là phải liên tục kiểm tra, tránh tình trạng vụ việc nào “lên mạng” thì mới vào cuộc, xử lý.
Nạn “chặt chém” tưởng nhỏ, xảy ra với cá nhân hoặc nhóm nhỏ du khách, nhưng ảnh hưởng lớn đến du lịch, đến hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè thế giới./.