Khoảng 25% người Việt có nhu cầu dịch vụ công tác xã hội
VOV.VN -Hiện có khoảng 25% dân số Việt Nam cần được trợ giúp từ các dịch vụ công tác xã hội, bao gồm: người nghèo, người nhiễm HIV, người bán dâm…
Thông tin tại hội thảo “Đề xuất chủ trương xây dựng Luật Công tác xã hội”, do Cục Bảo trợ xã hội – Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 15/11 tại Hà Nội cho thấy: Đã đến lúc cần luật hóa nghề công tác xã hội (CTXH).
Theo ông Tô Đức, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, hiện nay số người cần được trợ giúp của các dịch vụ CTXH rất lớn, lên đến khoảng 25% dân số, bao gồm: người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người nhiễm HIV, người nghiện ma túy, người bán dâm, người bị bạo hành, mắc bệnh xã hội…
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại hội thảo |
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32/2010 phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 – 2020 (Đề án 32). Tuy nhiên, đến nay nhận thấy khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được hoàn chỉnh; đặc biệt là việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH chưa được xác định cụ thể trong một số Bộ luật, luật liên quan; các nội dung về CTXH chưa được luật hóa.
Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng và chưa chuyên nghiệp; đa số được đào tạo từ các ngành nghề khác hoặc thậm chí một số không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong khi đó, việc đào tạo CTXH tại các trường đại học, cao đẳng mới chú trọng đến số lượng, chưa gắn lý thuyết với thực hành. Các dịch vụ CTXH chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng và người dân có nhu cầu…
Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ LĐTB&XH cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành văn bản pháp lý phù hợp ở tầm luật, pháp lệnh để điều chỉnh lĩnh vực mới và rất quan trọng này. Từ đó phát triển CTXH thành một nghề nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội.
Hiện nay, nghề công tác xã hội "ẩn" dưới nhiều hình thức |
Cũng theo ông Hà Đình Bốn: “Lĩnh vực CTXH không chỉ bao trùm cho những đối tượng yếu thế, mà toàn bộ người dân đều có nhu cầu về CTXH. Những lúc chúng ta làm việc mệt mỏi, căng thẳng rất cần được sự tư vấn, chăm sóc. Tuy nhiên, do không có cán bộ CTXH nên mỗi người phải tự chăm lo cho mình trước”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, từ thực tiễn kết quả hoạt động của các mô hình, cũng như xu thế hội nhập quốc tế, rất cần một khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực CTXH.
Theo đó, cần luật hóa những vấn đề như mã nghề, thang bảng lương, hoạt động của nhân viên, đạo đức nghề nghiệp, chức danh, việc điều chỉnh các bên, trách nhiệm của người dân, phương thức hoạt động của cán bộ tại cộng đồng, trách nhiệm của các bộ ngành trong lĩnh vực này.
Được biết, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã có Quyết định thành lập Tổ nghiên cứu xây dựng Luật CTXH và sẽ đăng ký với Chính phủ trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật từ nay đến năm 2020./.