Khởi công xây dựng thủy điện Lai Châu

Thủy điện Lai Châu là một trong các dự án đa mục tiêu với nhiều lợi ích tổng hợp

Sáng 5/1, tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu - một dự án thuỷ điện lớn rất có ý nghĩa về kinh tế-xã hội không chỉ đối với tỉnh Lai Châu, Điện Biên, vùng Tây Bắc mà đối với cả nước. Đây là công trình thủy điện lớn thứ 3 trên dòng sông Đà với công suất 1.200 MW.

Dự án thủy điện Lai Châu xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính Sông Đà, dòng sông có tiềm năng thủy điện lớn nhất của Việt Nam. Đây là một trong các dự án trọng điểm quốc gia do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư với sản lượng điện bình quân hàng năm đạt khoảng 4,7 tỷ kWh.

 

Cùng với thủy điện Hòa Bình (1.920 MW) và Sơn La (2.400 MW), khi xây dựng xong và đưa nhà máy thủy điện Lai Châu (1.200 MW) vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất các nhà máy thủy điện trên sông Đà đạt 6.500 MW, cung cấp khoảng 25 tỷ kWh điện và đem lại giá trị sản lượng điện khoảng 1,2  - 1,3 tỷ USD mỗi năm....

Ấn nút khởi công thuỷ điện Lai Châu

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Thủy điện Lai Châu là một trong các dự án đa mục tiêu với nhiều lợi ích tổng hợp như: cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần cùng các nhà máy thủy điện trên sông Đà phục vụ chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng hai tỉnh Lai Châu - Điện Biên và cả vùng Tây Bắc.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè đã không quản ngại khó khăn, tích cực thực hiện công tác di dân, tái định cư, giao đất xây dựng công trình vì dòng điện tương lai của Tổ quốc. Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị tư vấn trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án; biểu dương Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (Sông Đà) và các nhà thầu đã hoàn thành các hạng mục hạ tầng thiết yếu, chuẩn bị mặt bằng cũng như các bộ, ngành liên quan đã tích cực hoàn tất các thủ tục cần thiết để hôm nay tiến hành khởi công dự án quan trọng này. Nếu Thủy điện Lai Châu không khởi công kịp tiến độ tích nước của thủy điện Sơn La sẽ dẫn đến ngập toàn bộ mặt bằng, gây thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng...

Để Dự án xây dựng thủy điện Lai Châu triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, thực hiện công tác xây dựng nhà máy bảo đảm theo đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng, bảo đảm chất lượng công trình, an toàn lao động và thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký giữa nhà thầu và chủ đầu tư, bảo đảm đúng tiến độ đề ra, nhất là thi công các hạng mục dẫn dòng giai đoạn 1 đảm bảo chống lũ năm 2011 an toàn; thực hiện lấp sông, ngăn sông vào tháng 3 năm 2012; phát điện tổ máy số 1 trong quý I/2016 và đầu năm 2017 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình.

Thủ tướng khẳng định: Chính phủ dứt khoát đảm bảo đủ vốn cho công trình quan trọng này, đồng thời yêu cầu 4 ngân hàng đã cam kết vốn cho dự án phải nghiêm túc thực hiện và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công thương cần xử lý ngay tình trạng thiếu dầu phục vụ hoạt động xây dựng dự án... Đối với gần 2000 hộ dân (khoảng 10.000 dân) bị ảnh hưởng bởi dự án cần được hỗ trợ, di dân, tái định cư, Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Lai Châu, chính quyền và nhân dân vùng dự án cần làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ; bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là trong quá trình thi công xây dựng công trình.

Thủ tướng lưu ý trong công tác di dân tái định cư tỉnh Lai Châu cần phải bảo đảm cho người dân tái định cư có cuộc sống ngày càng thực sự tốt hơn nơi ở cũ cả về sản xuất, sinh hoạt như nhà ở, đi lại, học hành của con em, khám chữa bệnh của đồng bào...; kết hợp tái định cư với quy hoạch sắp xếp lại dân cư gắn với xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân, bắt tay ngay vào công quy hoạch nhằm đón bắt cơ hội phát triển rất lớn cả về kinh tế, xã hội khi Thủy điện Lai Châu đi vào vận hành.

Một vấn đề nữa mà Thủ tướng đặc biệt quan tâm đó là phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công cũng như khi đưa công trình vận hành.

Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, các cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Lai Châu và điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa hệ thống sông Đà – sông Lô Gâm khi có thủy điện Lai Châu vào vận hành..../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên