Không có mặt bằng thi công nhiều chủ đầu tư dự án xin trả vốn
VOV.VN - Tỉnh Kon Tum có 6 dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo ngành, lĩnh vực tính đến hết tháng 10 vừa qua mới giải ngân được dưới 10% kế hoạch vốn được giao, thậm chí có dự án chưa giải ngân được đồng nào. Trước thực tế trên, nhiều chủ đầu tư đã phải tính tới phương án trả lại vốn.
Với tỷ lệ giải ngân 0% vốn được giao năm 2023 là 45 tỷ đồng, dự án Nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 671 đoạn từ Km49+500 - Km52 do Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư đứng đầu danh sách xin trả lại vốn. Ngoài ra, một dự án giao thông khác cũng do Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư là dự án Xây dựng cầu và đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim, thành phố Kon Tum đến đường giao thông kết nối với Tỉnh lộ 675A xã Ya Ly huyện Sa Thầy với tỷ lệ giải ngân khoảng 2% nguồn vốn được giao năm 2023 là 45 tỷ đồng cũng sẽ phải trả lại vốn. Tương tự, những dự án còn lại dù tỷ lệ giải ngân có khá hơn song các chủ đầu tư cũng đã phải tính tới phương án xin trả lại vốn.
Ông Trần Công Thức, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Kon Rẫy cho biết, đến trung tuần tháng 11, dù đã giải ngân được 2,5 tỷ đồng đạt 10,15% so với kế hoạch vốn giao, song do chưa có mặt bằng để thi công nên UBND huyện Kon Rẫy, chủ đầu tư Dự án Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã phải có tờ trình gửi UBND tỉnh Kon Tum xin điều chuyển vốn sang các dự án khác.
“Lý do hiện nay đang vướng vào 13,85ha rừng do đó một số vị trí chưa thể triển khai được đang chờ văn bản của Chính phủ. Hiện nay, gói thầu 01 không vướng vào diện tích đất rừng Ban quản lý dự án đang đẩy nhanh tiến độ 31/12 dự kiến giải ngân khoảng 7 tỷ trong tổng mức vốn được giao trong năm 2023 là 25 tỷ. Hiện, UBND huyện đang trình cấp có thẩm quyền để xin điều chuyển nguồn vốn 18 tỷ sang các công trình hoặc dự án khác trong tỉnh có nhu cầu vốn”.
Được biết, nguyên nhân dẫn đến việc nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo ngành, lĩnh vực ở tỉnh Kon Tum có tỷ lệ giải ngân đạt thấp khiến chủ đầu tư phải tính tới việc trả lại vốn là do không có mặt bằng thi công. Một số dự án dính vào diện tích đất rừng nên phải chờ chuyển đổi. Tính đến hết tháng 10 vừa qua, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Kon Tum mới chỉ đạt khoảng 40%.