Không có trường hợp nào bị xử lý sai về kết quả nồng độ cồn
VOV.VN - Lần đầu tiên lực lượng cảnh sát giao thông tập trung một cách cao độ cả về lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ xử lý và làm việc xuyên Tết mà không ngại tâm lý dông đầu năm để kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.
Với chủ trương, xử lý nghiêm khắc, quyết liệt các hành vi vi phạm nồng độ cồn không có ngoại lệ, không có vùng cầm, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc liên tục ra quân, tạo nhiều ấn tượng và được người dân đánh giá cao.
So với Tết năm ngoái, số lượng trường hợp bị xử phạt lỗi vi phạm này đã tăng gần 6 lần. Một số tỉnh thành có số trường hợp xử lý vi phạm nồng độ cồn cao là: Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Thái Nguyên và Nam Định…
Đặc biệt, trong đợt cao điểm bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết và các lễ hội đầu Xuân năm 2023 đã góp phần rất tích cực trong kéo giảm tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông liên quan tới hành vi lái xe sau sử dụng rượu, bia nói riêng - vốn là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông dịp Tết.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, việc quyết liệt xử lý vi phạm về nồng độ cồn đã được Bộ Công an chỉ đạo ngay từ tháng 6 năm ngoái, đặc biệt tăng cường trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua.
“Lần đầu tiên lực lượng cảnh sát giao thông đã tập trung một cách cao độ cả về lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ xử lý và làm việc xuyên Tết mà không ngại tâm lý dông đầu năm để kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định.
Không chỉ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhiều tỉnh thành phố còn ban hành văn bản chỉ đạo nghiêm cấm việc can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát Giao thông; thông báo người can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát Giao thông đến cơ quan, đơn vị nơi công tác xử lý theo quy định.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ, thực tế trong quá trình xử lý vi phạm tại các địa phương, nhất là ở những địa bàn nhỏ, lưu lượng người ít lại phần lớn là thân quen nên nhiều khi đã tạo ra những áp lực, khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ. Bởi vậy, với những chỉ đạo nghiêm khắc trong thời gian vừa qua đã giảm bớt khó khăn, áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ. Ngoài ra có những địa phương, chẳng hạn như tỉnh Hòa Bình còn tiến hành triển khai theo hình thức kiểm tra chéo giữa các địa bàn với nhau, để tránh tình trạng xin xỏ, can thiệp trong xử lý.
Từ việc xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm nồng độ cồn đã tạo nên hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ, lên án những thói xấu trong văn hóa giao thông, chung sức đồng lòng thực hiện nghiêm khẩu hiệu “Đã lái xe không sử dụng rượu bia”. Tuy nhiên, xung quanh việc xử phạt cũng còn rất nhiều ý kiến dư luận băn khoăn, phản ánh trên mạng xã hội.
Chẳng hạn như trường hợp người dân uống siro, nước hoa quả cũng bị phạt vi phạm nồng độ cồn? Về băn khoăn này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, những lo ngại này đã xuất hiện ngay từ khi thực hiện Nghị định 100 vào đầu năm 2020. Tuy nhiên trên thực tế, việc kiểm soát nồng độ cồn hiện nay đang được áp dụng 2 biện pháp cơ bản, đó là kiểm tra qua thiết bị đo khí thở và hai là kiểm tra nồng độ cồn qua xét nghiệm máu. Trong đó biện pháp kiểm tra qua thiết bị đo khí thở được thực hiện theo 2 mức bằng cả phương pháp định tính và định lượng. Theo đó, đo định tính trước, sau đó mới đo định lượng. Do đó gần như không có trường hợp nào bị xử lý sai về kết quả nồng độ cồn.
“Ngay từ đầu năm 2020 khi thực hiện Nghị định 100, chúng tôi đã mời các cơ quan chuyên môn và cả các cơ quan thông tin truyền thông đại chúng đến để thử nghiệm thì có những trường hợp khi ăn hoa quả, uống siro, ngậm thuốc sâu răng nếu thổi ngay thì có thể lên. Nhưng chỉ cần súc miệng hoặc đợi trong khoảng 5 đến 7 phút thì sẽ không còn nữa. Do đó Lực lượng cảnh sát giao thông không thể xử lý sai trường hợp không dùng rượu bia mà lại có nồng độ cồn”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định.
Liên quan đến câu hỏi người tham gia giao thông có quyền được kiểm tra máy đo trước khi bị CSGT thổi nồng độ cồn hay không? Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng, người dân cần phân biệt hoạt động giám sát và kiểm tra, đây là 2 hành động khác nhau.
Người dân có quyền giám sát, nắm bắt những biểu hiện bên ngoài bắt mắt hoặc giám sát thông qua cơ đại diện của mình như đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc cũng có thể sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình để giám sát nhưng phải thực hiện các việc đó nằm ngoài khu vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông và không cản trở lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Các kế hoạch về tuần tra, kiểm soát nông độ cồn đều được thông báo đều được niêm yết, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trụ sở cơ quan hoặc trên các trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông cũng như của Công an các tỉnh, thành phố, Phòng cảnh sát giao thông, người dân hoàn toàn có thể vào để tìm hiểu và nghiên cứu các thông tin kiểm định của cơ quan chức năng về các thiết bị đo nồng độ cồn. Trong trường hợp vẫn còn thắc mắc và muốn khiếu nại thì có thể tới trực tiếp trụ sở cảnh sát giao thông tại địa phương, đơn vị đó để yêu cầu được kiểm chứng lại.
“Cũng phải nói rằng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ này đã được kiểm định của Tổng cục Đo lường Chất lượng và thỏa mãn qua hai kỳ kiểm định nên đảm bảo chất lượng cũng như yêu cầu về pháp lý của các cơ quan chuyên môn”. Khẳng định điều này, Đại tá Nhật thẳng thắn chia sẻ một thực tế khi người dân khi bị kiểm tra, xử lý thường có tâm lý né tránh nhằm giảm nhẹ hành vi vi phạm. Nhất là người có nồng độ cồn, họ dễ mất kiểm soát, rồi từ đó dẫn tới các hành vi gây rối, chống chế lại lực lượng chức năng.
Với những hiệu ứng đạt được trong thời gian qua, năm 2023 tiếp tục được xác định là năm xử lý vi phạm về nồng độ cồn với mục tiêu nhằm giảm các vụ tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến bia, rượu.
“Đó là năm mệnh lệnh chiến đấu của lực lượng cảnh sát thông mà lãnh đạo Bộ Công an đã giao nhiệm vụ và phải thực hiện xuyên suốt trong năm 2023. Xây dựng ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông và trong việc kiểm soát nồng độ cồn không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cảnh sát giao thông từ cấp Bộ đến cấp tỉnh, cấp huyện và kể cả phối hợp với công an xã cũng như các lực lượng chức năng để tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn tạo thói quen với người dân nói không với rượu bia khi tham gia giao thông”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ./.