Không để doanh nghiệp "lách luật" trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp
VOV.VN - Sáng 27/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó sửa đổi một số nội dung quan trọng liên quan đến đối tượng vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì mở rộng việc làm, tăng cơ hội việc làm cho người trong độ tuổi và sau độ tuổi lao động để tận dụng thời kỳ dân số vàng cũng như nhiều nội dung về đào tạo kỹ năng nghề.
Chính thức hoá khu vực lao động phi chính thức
Thống nhất với sự cần thiết ban hành luật, các ĐBQH cho biết, một số địa phương có đặc thù dân cư sinh sống bao gồm là đồng bào dân tộc thiểu số, đang gặp khó khăn vướng mắc liên quan đến vấn đề bảo tồn, duy trì nét văn hoá truyền thống, song họ lại không có chứng chỉ hành nghề, chỉ thuộc nhóm lao động phi chính thức, địa phương cũng khó áp dụng các chính sách chi trả chế độ.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) nêu ý kiến: “Trên thực tế, đối tượng làm nghề truyền thống không có chứng chỉ hành nghề, nên các địa phương gặp khó khăn trong chi trả chế độ, khuyến khích họ tham gia làm nghề, duy trì kế thừa nghề truyền thống. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhóm đối tượng này vào dự thảo luật để Luật hoá, từ đó ban hành các chế độ chính sách phù hợp”.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Phước Sang (Đoàn Trà Vinh) cũng đề nghị làm rõ một số quy định về trách nhiệm, quyền lợi của lao động bảo đảm đúng ý nghĩa của mục tiêu chính thức hoá khu vực lao động phi chính thức mà luật đã đưa ra.
"Tôi đề nghị làm rõ khái niệm thế nào là lao động chính thức, các tiêu chí để xác định lao động chính thức. Thứ hai là cần có ưu tiên chính sách thuế, đơn giản hoá thủ tục đăng ký kinh doanh để khuyến khích hộ kinh doanh nhỏ lẻ chuyển đổi, mở rộng bảo hiểm y tế, xã hội khuyến khích lao động chuyển sang khu vực chính thức, đào tạo miễn phí dạy nghề", đại biểu đoàn Trà Vinh đề nghị.
Góp ý vào quy định ưu đãi cho vay vốn thấp hơn đối với hộ nghèo, cận nghèo, dự thảo Luật đang quy định chỉ áp dụng với khu vực huyện đảo, xã đặc biệt khó khăn, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, quy định hiện chưa đầy đủ và công bằng.
Theo đó, đại biểu đề nghị nên quy định ưu đãi vay vốn cho tất cả hộ nghèo, cận nghèo trong cả nước: “Hộ nghèo cả nước nghèo muốn đi xuất khẩu lao động cần cả trăm triệu, nhưng họ không có tiền, cũng không dám vay vì không có gì để vay, vậy mà chỉ quy định hộ nghèo tại huyện đảo, xã đặc biệt khó khăn mới được vay tiền như vậy là không công bằng”.
Không để doanh nghiệp "lách luật" trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) cho biết, Điều 81 của dự thảo luật không quy định đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) mà chỉ quy định một số đối tượng tham gia BHTN.
Nếu quy định như dự thảo Luật (sửa đổi) có thể tạo nên kẽ hở để một số doanh nghiệp lách luật, sẽ không đóng BHTN cho người lao động, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Nếu có vấn đề gì xảy ra như đau ốm, bệnh tật hoặc khi gặp những chuyện không may thì họ sẽ không có được quyền hưởng các chính sách; sẽ là gánh nặng cho gia đình nếu gia đình khó khăn, không điều kiện.
Vì vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định tại Điều 43 của Luật hiện hành là quy định đối tượng bắt buộc tham gia BHTN.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cũng quan tâm với nội dung đóng BHTN cho người lao động. Theo đại biểu, dự thảo Luật đang quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng hoặc trốn đóng BHTN, người lao động được phép sử dụng tiền của mình để nộp vào quỹ bảo hiểm để được hưởng các chế độ.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân nhận định, quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và có thể gây bức xúc cho người lao động, vì doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm mà người lao động phải tự nộp.
Trong trường hợp này, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động. Đồng thời có quy định về chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm.
Theo đại biểu, trong trường hợp doanh nghiệp không đóng hoặc nợ BHTN, cơ quan bảo hiểm có thể tạm ứng để người lao động không bị gián đoạn quyền lợi và bổ sung quy định buộc doanh nghiệp hoàn trả toàn bộ số tiền BHTN đã bị trốn đóng kèm lãi suất tương ứng.
Giải trình vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, việc sửa đổi luật cần tiếp tục vừa rà soát, vừa bổ sung nhưng cũng dự lường những vấn đề mới và đưa ra một số vấn đề có tính chất vượt trội để hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý, với mục tiêu thúc đẩy xây dựng thị trường lao động Việt Nam đồng bộ, linh hoạt, đa dạng, bền vững và hội nhập, trọng tâm là tạo ra việc làm đầy đủ và chất lượng cao, cũng như năng suất lao động cao hơn.
Về năng suất lao động, Bộ trưởng nêu rõ, trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi đa dạng, phức tạp và nhanh chóng khó lường như hiện nay, chúng ta phải thích ứng nhanh với xu hướng phòng ngừa già hóa dân số, thay đổi môi trường, biến đổi khí hậu và tác động nhanh, sâu sắc, căn bản của khoa học công nghệ. Điều này vừa là tận dụng lợi thế nhưng cũng phòng ngừa và hạn chế tất cả những rủi ro thách thức.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam chúng ta phụ thuộc các yếu tố cơ bản là: mức độ thay đổi và loại hình công nghệ sẽ thay đổi; trình độ kỹ năng lao động; chính sách quốc gia áp dụng hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; tác động của trí tuệ nhân tạo.
"Sửa Luật Việc làm cũng cần tập trung lấy người lao động, lấy việc làm là trọng tâm của tăng năng suất lao động bền vững. Mỗi đối tượng trong lao động, trong nhóm tuổi cần có những chính sách phù hợp", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.