Không để người dân phải đổ sữa

Đây là khẳng định của lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại cuộc họp bàn giải pháp thu mua sữa tươi còn tồn đọng trong các hộ chăn nuôi

Chiều 13/1, tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp bàn giải pháp thu mua sữa tươi cho nông dân. Tham dự có đại diện Công ty Sữa Việt Nam, Công ty Sữa Hà Nội, Công ty sữa cổ phần quốc tế và một số cơ sở thu gom sữa ở tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội.

Hiện nay, tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội có gần 4.000 con bò cho sữa với sản lượng khai thác 60 tấn/ngày. Tuy nhiên, các Công ty chế biến sữa mới chỉ thu mua khoảng 45 tấn. Thống kê của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, thời gian qua, sản lượng sữa tiêu dùng trên cả nước giảm 20%, nhiều nhà máy chế biến sữa chỉ sản xuất cầm chừng. Trong khi, lượng sữa tiêu thụ ở các cửa hàng, đại lý sữa tươi đổ dồn về nhà máy, cộng thêm lượng sữa trong mùa đông (mùa sinh sản của bò) khiến lượng sữa tăng thêm 30% làm lượng sữa thời gian qua ứ đọng, không tiêu thụ được bị hỏng nên người dân phải đổ bỏ….

Ông Võ Văn Thực, chủ cơ sở thu gom sữa xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội cho biết, do việc cắt giảm lượng sữa thu mua của công ty Sữa Hà Nội (trước đó lượng sữa thu mua từ các cơ sở của công ty này thường từ 120 đến 130 tấn/ngày), nay Công ty chỉ mua 100 tấn sữa, dẫn đến lượng sữa tồn đọng nhiều phải đổ đi. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là thiết bị bảo quản của cơ sở hiện nay chỉ bảo quản sữa được trong chỉ trong 2 ngày là tối đa.

Ông Thực kiến nghị các ban ngành giải quyết khó khăn cho nông dân, nếu các ban ngành không tạo điều kiền cho doanh nghiệp chế biến sữa thu mua, hỗ trợ nông dân thì ngành chăn nuôi bò sữa có khả năng phá sản, nông dân chắc phải bán bò giảm lỗ.

Về phía Cục Chăn nuôi, Cục trưởng Hoàng Kim Giao khẳng định quan điểm của Cục là “không để người dân phải đổ sữa” nhằm tháo gỡ khó khăn trong thu mua sữa của các hộ chăn nuôi bò sữa. Giải pháp trước mắt là những điểm thu mua sữa phải ký kết hợp đồng với nhà máy chế biến sữa, thống kê chính xác cụ thể về sản lượng sữa. Về phía người chăn nuôi nếu số lượng bò sữa nhiều có thể ký kết hợp đồng trực tiếp với Nhà máy để tiêu thụ sản phẩm, loại thải bò cho sữa không đảm bảo chất lượng, hoặc năng suất sữa đạt thấp… Trong quá trình thu mua, các doanh nghiệp cần thông báo Cục Chăn nuôi cùng phối hợp tháo gỡ khó khăn.

Chăn nuôi bò sữa được xem là công việc khó khăn nhất trong chăn nuôi đại gia súc. Bên cạnh đó, sản phẩm sữa là sản phẩm khó bảo quản trong các sản phẩm nông sản, ở môi trường bên ngoài nếu không xử lý nhanh sẽ hỏng. Đặc biệt, dịp Tết là thời điểm thường xuyên xảy ra tình trạng sữa bị ứ đọng do đó đòi hỏi rất lớn nỗ lực của các doanh nghiệp chế biến sữa.

Để duy trì đàn bò sữa, tránh tình trạng người dân bán bò không tiếp tục nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa; tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp chế biến sữa thu mua sữa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo cụ thể phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa ở địa phương…

Thống nhất về giải pháp thu mua 2 tấn sữa còn tồn đọng trong hộ chăn nuôi, và cơ sở thu gom sữa ở thành phố Hà Nội và Vĩnh Phúc, Công ty Sữa Việt Nam, Công ty Sữa Hà Nội, Công ty sữa cổ phần quốc tế thống nhất cam kết từ nay đến Tết Nguyên đán tăng khả năng thu mua sữa của các nhà máy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên