Không để xảy ra tình trạng cố giữ nhà công vụ thành... nhà riêng
VOV.VN -Không thể để tình trạng có người cố giữ nhà công vụ thành nhà riêng; thậm chí cho con ở nhà công vụ còn mình ở nơi khác…
Nhà ở công vụ là nhà ở được dùng để cho các đối tượng được quy định cụ thể trong Luật Nhà ở thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác. Luật Nhà ở quy định rất rõ ràng, trong đó nhấn mạnh yếu tố “trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác”. Tuy nhiên, thực tế đã có khá nhiều trường hợp, vì lý do này khác, vẫn cố tình chưa làm đúng Luật, theo nghĩa vụ được quy định, điển hình là không chịu trả nhà, sử dụng không đúng mục đích, sai đối tượng.
Dù có “điều khó nói” gì đi chăng nữa thì thực trạng trên cho thấy công tác quản lý, thu hồi nhà công vụ chưa nghiêm, còn kẻ hở.
Không chỉ cấp cao mới được ở nhà công vụ
Trong các vấn đề lớn của Luật Nhà ở sửa đổi vừa được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì nội dung về nhà ở công vụ được nhiều đại biểu góp ý thẳng thắng, theo hướng nhà công vụ là cần thiết nhưng vi phạm thì cần phải xử lý.
Về đối tượng được ở nhà công vụ, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, thời gian vừa qua để thực hiện chính sách điều động, luân chuyển cán bộ của Đảng và Nhà nước rất nhiều cán bộ đã được điều động, luân chuyển từ trung ương về địa phương hoặc từ địa phương lên trung ương, từ địa phương này đến địa phương khác công tác, trong đó không chỉ có các đối tượng là cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh. Do đó, nếu quy định chỉ bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao có yêu cầu bảo vệ an ninh hoặc chỉ bố trí cho các cán bộ tại khu vực vùng sâu, vùng xa mà không bố trí nhà ở công vụ cho các cán bộ tại các thành phố lớn thì việc thực hiện chính sách điều động, luân chuyển cán bộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trên thực tế.
Việc quy định tạo lập quỹ nhà ở công vụ để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển công tác, các đối tượng là giáo viên, bác sỹ... làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuê là hết sức cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho những người này yên tâm công tác, đây cũng là một trong những chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước đang được triển khai trên thực tế theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành.
“Mặt khác, trong điều kiện hiện nay chưa thể áp dụng chế độ nhà công vụ cho tất cả đối tượng cán bộ, công chức đang thực hiện công vụ, đồng thời việc đưa tiền thuê nhà ở công vụ vào tiền lương là phá vỡ mặt bằng chung về chế độ tiền lương và khó khả thi. Do đó, Thường trực UBPL đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như Luật nhà ở hiện hành và được bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ trong dự thảo Luật”, ông Phan Trung Lý cho biết.
Không trả nhà thì phải xử lý
Trong những câu chuyện lình xình thời gian qua về nhà công vụ, ngoài việc luật quy định còn chung chung thì một trong những lý do được “thông cảm” nhiều nhất là: Người về hưu ở lại nơi công tác, gặp khó khăn về nhà ở nên không nỡ đẩy họ ra đường. Nhưng thực tế những ai được xác định gặp khó khăn thật sự và ai là người có trách nhiệm xác nhận tình trạng khó khăn? Ngoài ra, một lý do không thể chấp nhận là người khác chưa trả nên tôi chưa trả vẫn được đưa ra để giải thích cho việc không chịu trả nhà, dù hiện tại người ở căn nhà đó không phải là đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ. Điều đó là không công bằng, chưa muốn nói là vi phạm pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lưu ý, luật sửa đổi quy định về nội dung nhà ở công vụ phải rõ để có thể giải quyết những vấn đề như người sau khi sử dụng xong không trả lại nhà, hay có vi phạm trong quá trình sử dụng nhà công vụ.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thì cho rằng quy định về nhà công vụ như hiện hành đã lạc hậu và cần phải thay đổi theo hướng xây dựng nhà công vụ theo nhu cầu công tác cán bộ, không phải chỉ vùng sâu, vùng xa, đô thị lớn, mà các tỉnh cũng có nhu cầu khi có luân chuyển cán bộ trong tỉnh. Theo ông Phước, Luật nên quy định rõ về nhà ở công vụ, không nên để mỗi cơ quan làm một kiểu, không đúng nghĩa là nhà công vụ. Nhà công vụ là nhà phục vụ cho cán bộ, công chức nên phải có thứ bậc, có sự công bằng.
Yếu tố công bằng, phù hợp trong việc xác định giá cũng được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh khi nêu ý kiến cho rằng cần có công thức chung về tính giá thuê để tránh mỗi nơi, mỗi cơ quan quy định khác nhau.
Tuy nhiên, dù luật có quy định cụ thể và chặt chẽ đến đâu, nếu việc thực hiện vẫn còn nể nang, né tránh, thiếu kiên quyết thì vấn đề tồn tại liên quan nhà ở công vụ khó có thể giải quyết triệt để. Chẳng lẽ nhà nước cứ đầu tư nhà công vụ mãi!?./.
Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi quy định người thuê nhà ở công vụ có các nghĩa vụ sau đây:
a) Sử dụng nhà vào mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt khác cho bản thân và các thành viên trong gia đình trong thời gian thuê nhà ở;
b) Có trách nhiệm giữ gìn nhà ở và các tài sản kèm theo; không được tự ý cải tạo, sửa chữa, phá dỡ nhà ở công vụ;
c) Không được cho thuê lại, cho mượn, ủy quyền quản lý nhà ở công vụ;
d) Trả tiền thuê nhà ở theo hợp đồng thuê nhà ở ký với bên cho thuê và thanh toán các khoản chi phí phục vụ sinh hoạt khác theo quy định của bên cung cấp dịch vụ;
đ) Trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ hoặc khi có hành vi vi phạm thuộc diện bị thu hồi nhà ở theo quy định của Luật này;
e) Chấp hành quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị cưỡng chế thu hồi nhà ở;
g) Các nghĩa vụ khác về nhà ở theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà ở công vụ.