Không họp báo, chưa công bố nguyên nhân cá chết ở miền Trung
VOV.VN - Cuộc họp "kín" diễn ra tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phóng viên không được dự và cũng không có họp báo công bố nguyên nhân cá chết.
Chiều 27/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để nghe báo cáo và đi đến thống nhất về nguyên nhân cá chết ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế thời gian qua. Đây là lần đầu tiên kể từ sau sự việc cá chết hàng loạt, các bộ ngành mới có cuộc họp chung.
Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để chuẩn bị cho báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.
Hàng chục phóng viên ngồi chờ đợi bên ngoài trụ sở Bộ TN&MT nhưng đại diện truyền thông của Bộ tuyên bố không có họp báo. |
Thừa nhận đây là vấn đề thời sự nóng bỏng, đang thu hút sự quan tâm theo dõi rất lớn của báo chí, dư luận cả nước nhưng đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định sẽ không tổ chức họp báo sau cuộc họp nói trên bởi đây mới chỉ là cuộc họp bàn, trao đổi khoa học giữa các bộ ngành với nhau chứ chưa có kết luận cuối cùng và báo chí không được tham dự cuộc họp này.
Sau khi có thông tin về cá chết hàng loạt, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành khảo sát, phân tích tìm nguyên nhân cá chết. Tổng cục Thủy sản, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Viện nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã lấy mẫu cá chết trong lồng tại Hà Tĩnh; mẫu nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du tại Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế.
Sau hơn 30 phút chờ ngoài cổng trụ sở, các phóng viên được mời vào bên trong uống nước. |
Đồng thời, tiến hành phân tích mẫu môi trường, bệnh dịch thuỷ sản và tảo độc, khảo sát, nghiên cứu về hải dương và dòng chảy ven bờ. Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phân tích các mẫu cá, mẫu nước do Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 thu thập được để phân tích độc tố.
Các viện nghiên cứu khác thuộc Viện này đã lấy mẫu cá chết và quan trắc môi trường, dòng hải lưu, quan trắc ảnh vệ tinh. Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lấy mẫu nước biển, nước thải, mẫu cá chết; Viện Kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) đang phân tích mẫu cá chết.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tham gia với tư cách cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất công nghiệp. Đoàn công tác của Bộ Công thương vừa kiểm tra việc nhập khẩu cũng như sử dụng hàng trăm tấn hóa chất để súc rửa đường ống tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, doanh nghiệp có đường ống xả thải ra biển.
Hiện lãnh đạo hai bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều khẳng định có độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên là nguyên nhân gây cá chết hàng loạt. Tuy nhiên, độc tố đó là gì đến nay vẫn chưa được xác định./.