Không phải kết quả xét nghiệm nào cũng có thể liên thông
VOV.VN -Một số kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị thời điểm, không có giá trị vĩnh viễn. Để thực hiện liên thông, bệnh viện phải có phòng xét nghiệm chất lượng.
Để thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316 phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025. Theo đó, đến năm 2020 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm trong phạm vi tuyến tỉnh và đến năm 2025 là liên thông kết quả xét nghiệm trên toàn quốc.
Được biết, đến nay đã có 28 bệnh viện tuyến trung ương được thí điểm thực hiện công việc này. Điều kiện để được liên thông kết quả xét nghiệm là bệnh viện phải có phòng xét nghiệm đạt ISO 15189.
Dự kiến, đến năm 2025 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm trên toàn quốc. |
Tại cuộc gặp mặt báo chí vừa qua của Bộ Y tế, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, việc tăng cường kiểm soát chất lượng xét nghiệm là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Bộ trong việc thực hiện Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Khoa, Bộ Y tế cũng ban hành mức tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm; Đồng thời ban hành danh mục các xét nghiệm được liên thông, được công nhận kết quả với 3 lĩnh vực huyết học, hóa sinh, vi sinh.
“Từ nay đến cuối năm, Bộ Y tế tiếp tục kiểm tra đánh giá các mức chất lượng phòng xét nghiệm của các bệnh viện hạng 1 còn lại. Sau đợt kiểm tra đánh giá bệnh viện cuối năm sẽ công bố mức chất lượng này. Theo đó, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh sẽ thực hiện việc sử dụng kết quả xét nghiệm liên thông đối với các bệnh viện có mức chất lượng xét nghiệm cùng mức với nhau. Điều này sẽ giúp giảm thiểu chi phí xét nghiệm cho người bệnh trong thời gian tới”- ông Khoa cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. |
“Phần nhiều xét nghiệm thuộc lĩnh vực huyết học, vi sinh, khả năng sử dụng kết quả xét nghiệm liên thông có tỷ lệ cao hơn. Hy vọng, thời gian tới, các đơn vị từng bước nâng cao chất lượng phòng xét nghiệm, giúp việc chẩn đoán và điều trị lâm sàng chất lượng, chính xác và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”- ông Nguyễn Trọng Khoa nói.
Liên thông kết quả xét nghiệm cần có lộ trình
Đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng cho rằng, để liên thông được kết quả xét nghiệm, cần phải đánh giá được mức chất lượng xét nghiệm; công bố được mức chất lượng này trên các phiếu xét nghiệm và mức chất lượng đó phải đạt yêu cầu và đủ điều kiện. Theo lộ trình, trong năm 2018, Bộ Y tế sẽ đánh giá chất lượng các phòng xét nghiệm ở bệnh viện hạng 1 để công bố kết quả; đồng thời kiểm tra việc thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm đối với một số danh mục xét nghiệm đã được công bố./.
Vì sao chỉ có 28 bệnh viện được liên thông kết quả xét nghiệm?
Vì sao nhiều bệnh viện chưa liên thông kết quả xét nghiệm?