Khuyến cáo bảo vệ cây trồng hiệu quả trong thời tiết giá rét
VOV.VN -Để bảo vệ cây trồng trong điều kiện giá rét, bà con không nên để tuyết bám trên lá của rau và tiếp tục chăm sóc để cây vượt qua thời tiết khắc nghiệt.
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh với cường độ mạnh, tại nhiều địa phương đã xuất hiện rét đậm rét hại với nền nhiệt độ thấp kèm theo băng, tuyết ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích mạ và lúa mới cấy.
Hiện nay, có khoảng 6.000 ha lúa, 81 héc-ta mạ, 4.673 ha rau màu bị thiệt hại do rét. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp bảo vệ cây trồng và khắc phục thiệt hại do rét gây ra.
PV: Ông đánh giá như thế nào về thiệt hại đối với cây trồng trong đợt rét đậm, rét hại hiện nay?
Ông Ma Quang Trung: Nếu thống kê đầy đủ và rét kéo dài thêm thời gian nữa thì có thể có hàng nghìn ha các loại rau màu bị thiệt hại và hàng trăm ha cây dược liệu và rất nhiều diện tích cây ăn quả, thậm chí cây lâm nghiệp gãy đổ do băng tuyết bám vào cành cây. Thiệt hại đến thời điểm này, chúng tôi cho rằng khoảng 10 tỉ đồng, nhưng nếu rét kéo dài nữa và thống kê đầy đủ chắc chắn không thể thiệt hại dưới 20 đến 30 tỉ đồng.
Ông Ma Quang Trung |
Ông Ma Quang Trung: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện chỉ đạo các địa phương phòng chống rét đậm, rét hại và các địa phương đang rất quyết liệt vận động nông dân chống rét cho trâu bò, gia súc, các loại cây trồng.
Đối với cây trồng ở miền núi, bà con phải khẩn trương thu hoạch những loại cây rau màu chuẩn bị đến thời điểm thu hoạch hoặc sắp thu hoạch vì nếu để băng tuyết vùi kín thì cây sẽ héo từ đó sẽ hư hỏng phải thu hoạch rất nhanh, tận thu nhanh.
Đối với những nơi băng tuyết ít hơn thì có thể dùng sào gạt cho băng tuyết không bám trên lá của rau màu nhằm giảm bị hỏng lá và tiếp tục chăm sóc để cây sinh trưởng vượt qua thời tiết khắc nghiệt hiện nay. Đối với cây ăn quả thì phải gạt, rung cây để băng tuyết rơi xuống, bởi băng tuyết bám nhiều quá sẽ gãy cành và không thu hoạch được.
PV: Đó là ở khu vực miền núi, vậy khu vực đồng bằng cần lưu ý như thế nào đối với cây trồng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hiện nay thưa ông?
Ông Ma Quang Trung: Ở khu vực vùng đồng bằng hiện nay, lúa Xuân sớm khoảng 11.000 đến 13.000 ha, mạ xuân chính vụ khoảng 2 đến 4 lá, mạ xuân muộn đến Tết Lập Xuân mới gieo.
Như vậy, lúa mới cấy hiện nay có nơi đã bắt đầu hồi xanh, có nơi bắt đầu giai đoạn đẻ nhánh và mạ 2 đến 4 lá là cây rất dễ bị thiệt hại do rét. Sinh trưởng của lúa dưới 13 độ C, đặc biệt là xuống 7 độ C thì diện tích mới cấy hoặc mạ non quá, khả năng là chết rất nhiều.
Chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân, đối với diện tích đã cấy thì phải giữ nước trên ruộng cho ấm chân mạ và tuyệt đối không bón phân đạm. Đối với diện tích mạ hiện nay, mạ non từ 2 đến 4 lá thì cũng phải giữ nước, bón tro bếp và phủ ni lông để hạn chế nhiệt độ lạnh làm chết mạ. Bên cạnh đó, bà con tích cực chuẩn bị giống ngắn ngày để gieo vào Tiết Lập xuân, bởi khung thời vụ còn rất dài. Nếu đợt này mạ chết, bà con có thể thay thế bằng các giống lúa ngắn ngày để gieo để sau Tết cấy.
PV: Xin cảm ơn ông!/.