Khuyến nông hòa cùng dòng chảy của nông nghiệp đa giá trị
VOV.VN - Hiện nay, ngành Nông nghiệp nước ta đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế. Do đó, hệ thống khuyến nông từ cơ sở đến Trung ương cũng chuyển mình để tiếp cận đa gia trị trong sản xuất.
6 năm trước, khu vực vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bị ảnh hưởng bão số 17. Hàng chục ngàn lồng bè bằng gỗ bị đánh sập, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, nhiều ngư dân lâm cảnh khốn khó. Còn bây giờ, tại đây xuất hiện hàng chục lồng nhựa HDPE hình tròn, hình vuông của ngư dân xen lẫn với các lồng gỗ truyền thống.
5 năm trước, ông Nguyễn Xuân Hòa, ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản bằng lồng nhựa HDPE. Mô hình triển khai hiệu quả, môi trường được đảm bảo, cá nuôi phát triển tốt, ít dịch bệnh, hiệu quả cao đã thuyết phục nhiều ngư dân mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư lồng nhựa để thay thế lồng gỗ.
Ông Nguyễn Xuân Hòa cho biết, hiện nay, đã có hơn 20 lồng nhựa trong khu vực: “Chuyển đổi sang lồng HDPE, cũng hơi mới, bà con cũng bỡ ngỡ, chưa hiểu được cái lồng này sẽ chịu đựng ra sao? Chất lượng an toàn như thế nào? Chống chịu môi trường, khí hậu được bao nhiêu năm. Thực tế những cái này là từ khuyến nông đi ra, tôi đã làm được 5 năm nay rồi, rất hiệu quả. Mô hình của mình vừa làm, vừa tuyên truyền, có một số đoàn đã đến tham quan lồng tròn, lồng vuông để về triển khai bà con làm.”
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao quản lý hơn 160 dự án thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, khuyến ngư,… Các dự án triển khai đảm bảo tiến độ và mùa vụ sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Trung tâm đã xây dựng hơn 460 mô hình, quy mô trên 4.000 héc ta cây trồng, 140 héc ta mặt nước, 24 tàu cá xa bờ, với trên 12.500 hộ dân tham gia, gần 30 ngàn lượt người được tập huấn.
Hiệu quả kinh tế của các dự án hầu hết đều cao hơn 10% so với sản xuất đại trà, quy mô dự án được nhân rộng từ 20% trở lên. Các dự án đã dần khắc phục sự dàn trải, manh mún mà gắn với cây, con chủ lực.
Tiến sĩ Chu Chí Thiết, Phân viện trưởng Phân Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung Bộ, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 cho biết, khuyến nông có vai trò bệ đỡ cho bà con phát triển sản xuất từng đối tượng mới tham gia sản xuất từ công nghệ, kiến thức để bà con tự tin trong sản xuất. Từ các đề tài nghiên cứu, thông qua các mô hình, Viện đã cung cấp con giống, hỗ trợ công nghệ nuôi, phòng chống dịch bệnh cho người dân tại Quảng Ninh và tỉnh Khánh Hòa.
“Đối với cá Chim, Viện Nuôi trồng Thủy sản 1 đã chủ động sản xuất giống có chất lượng, bệnh, tăng trưởng, Viện cũng là chủ được công nghệ nuôi thương phẩm ở quy mô công nghiệp. Giống cũng chủ động cho bà con. Thông qua hướng dẫn kỹ thuật của dự án, bà con cũng đã nắm bắt được kỹ thuật, hơn cách làm truyền thống, tỷ lệ sống của cá đạt cao hơn. Tăng trưởng, sinh trưởng của cá nhanh hơn.”-Tiến sĩ Chu Chí Thiết thông tin thêm.
Nông nghiệp nước ta đang chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, đa giá trị. Vì thế, hệ thống khuyến nông cũng chuyển mình để tiếp cận đến đa gia trị trong sản xuất nông nghiệp, hiệu quả và tăng trưởng xanh. Hoạt động khuyến nông không thể duy trì như truyền thống mà phải chuyển đổi, đổi mới theo hướng tiếp cận hiện đại hơn, tiếp cận nông nghiệp gia tăng giá trị, hiệu quả sản xuất.
Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, dịch vụ khuyến nông được đẩy mạnh, huy động sự vào cuộc, tham gia triển khai và góp vốn đối ứng từ các doanh nghiệp, đối tác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững, lan tỏa của các dự án, mô hình khuyến nông. Hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng tại 13 tỉnh tiếp tục được phát huy, kết nối giữa cơ quan có công nghệ, chuyển giao công nghệ đến với người sản xuất cũng như kết nối người sản xuất với thị trường thông qua các doanh nghiệp và tiếp cận vùng nguyên liệu, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Từ đó giúp nông dân sản xuất theo định hướng thị trường, theo đặt hàng thị trường và doanh nghiệp.
“Kết nối người sản xuất với thị trường. Thông qua các doanh nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, giúp nông dân sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp, gần với những hoạt động sản xuất đang diễn ra. Đa giá trị là chúng ta phải khai thác những giá trị kinh tế tuần hoàn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tích hợp cả với làng nghề, OCOP, xây dựng Nông thôn mới. Tích hợp cả nông nghiệp với du lịch, giúp người nông dân cả trong sơ chế và bảo quản.”- Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lê Quốc Thanh cho biết.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, khuyến nông phải hướng đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút khuyến nông Hợp tác xã, khuyến nông doanh nghiệp cùng tham gia. Trong đó, khuyến nông nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật nghiệp vụ cho nông dân, cũng như các cơ chế, chính sách cho nhà nước. Bên cạnh đó, khuyến nông cũng định hướng loại hình sản xuất từng lĩnh vực, gắn với lợi thế từng địa phương cũng như chú trọng phát triển khuyến nông theo hướng đô thị, xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp kết hợp du lịch.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý cán bộ khuyến nông cần góp phần xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp và chuyển hóa nông dân. Do đó, cần tiếp tục chú trọng nâng cao trình độ của những người làm công tác khuyến nông. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phải quan tâm, mở các lớp đào tạo, tiến tới sẽ có trường chuyên đào tạo khuyến nông để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông.
“Trung tâm Khuyến nông sắp tới tập trung phối phối hợp với doanh nghiệp, triển khai vùng nguyên liệu lớn, định hướng công tác chỉ đạo của Bộ, chúng ta làm quy mô, mang tính chất liên kết giữa các tỉnh. Tỉnh thì xây dựng các mô hình nhỏ, khai thác lợi thế, đặc sản của các địa phương. Sẽ chuyển dần từ xây dựng, hỗ trợ mô hình sang chuyển tải tri thức, nâng cao năng lực của nông dân.” - Ông Trần Thanh Nam nói./.