Kiểm soát chặt tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình
VOV.VN - Thực hiện đợt cao điểm 180 ngày chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ngành chức năng tỉnh Bình Định đồng loạt ra quân tuyên truyền, nhắc nhở, có giải pháp mạnh đối với các chủ tàu cá cố tình vi phạm
Đều đặn sau mỗi chuyến biển, các địa phương ven biển như Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định tổ chức các buổi tuyên truyền, nhắc nhở chủ tàu cá, thuyền trưởng không xâm phạm vùng biển nước ngoài, duy trì tín hiện kết nối trên biển… Tại đây, cán bộ thủy sản nêu rõ những tác hại, hệ lụy khi đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, giúp bà con ngư dân nâng cao ý thức chấp hành khi hoạt động trên biển.
Ông Nguyễn Tâm, chủ tàu cá ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết: tàu cá của ông đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trước đây, có lúc ông còn lơ là, quên bật thiết bị giám sát khi hoạt động trên biển. Bây giờ, ông đã ý thức hơn về việc này: “Xưa kia mình đi có phần lung tung, nhưng từ hôm trong tết đến giờ, dưới sự tuyên truyền của lãnh đạo xã cũng như huyện, tôi cũng có nhận thức. Nhờ tuyên truyền của xã, mình ý thức được việc đi xâm phạm lãnh hải sẽ bị bắt bớ, khó khăn cho gia đình cũng như mang tiếng xấu ngoài xã hội. Do đó tôi chấp hành.”
Tỉnh Bình Định hiện có hơn 3.200 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 100% theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thông qua hệ thống Trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, các cán bộ kịp thời theo dõi và cảnh cáo tàu vượt ranh giới khi khai thác trên biển, phát hiện tàu cá mất kết nối từ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá với trạm bờ.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Định ghi nhận 597 lượt tàu cá thường xuyên mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển. Phần lớn tàu mất tín hiệu là do lỗi chủ quan, tàu đi vào khu vực mất tín hiệu và thời gian ngắn. Một số tàu cá thường xuyên để mất tín hiệu kết nối và kéo dài hơn 10 ngày đều bị xử lý. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã xử phạt 20 triệu đồng đối với 1 tàu cá có thiết bị giám sát hành trình ngừng hoạt động trên 10 ngày, nhắc nhở 37 tàu cá thường xuyên bị mất tín hiệu kết nối dưới 10 ngày.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị yêu cầu cán bộ giám sát tàu cá 24/24 giờ trên phần mềm hệ thống giám sát. Chủ tàu cá nào phạm lỗi liên tục, mất kết nối thiết bị giám sát hành trình hoặc vượt ranh giới sẽ bị nhắc nhở ngay.
“Đối với tàu mất tín hiệu kết nối trên biển quá 10 ngày đầu tiên, Chi cục Thủy sản sẽ thông báo danh sách tàu đó cho Ban quản lý cảng cá, các đồn, trạm biên phòng và UBND các địa phương của tàu đó. Để khi tàu vi phạm đó về bờ, cảng cá sẽ phối hợp Chi cục lập biên bản vi phạm hành chính, sau đó chuyển cho Chi cục Thủy sản hoàn chỉnh hồ sơ và quyết định xử phạt vi phạm hành chính”- Ông Nghĩa nói.
Khó khăn nhất đối với ngành chức năng tỉnh Bình Định hiện nay là giám sát hơn 450 tàu cá hoạt động ở các tỉnh phía Nam đã nhiều năm nay không về địa phương. Thời gian qua, phần lớn những tàu cá này hoạt động đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài nhưng khó quản lý, xử lý do các tàu này không về địa phương hoặc đã bán cho người khác. Vừa qua, tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định rút giấy phép hoạt động đối với 80 tàu cá, trong đó 8 tàu cá có chủ tàu chuyển hộ khẩu ra ngoài tỉnh và 72 tàu cá đã bán nhưng không sang tên chủ sở hữu. Hiện vẫn còn 375 tàu cá đang khai thác ở các tỉnh phía Nam, nhiều năm nay không trở về lại địa phương.
Tỉnh Bình Định cũng đã cử nhiều Đoàn công tác đi vào các tỉnh phía Nam như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang…, phối hợp các địa phương giám sát chặt chẽ số tàu cá này. Nếu tàu nào đã bán nhưng chưa sang tên, đổi chủ sẽ không cấp thủ tục xuất bến đi khai thác thủy sản. Nếu chủ tàu cá nào đã chuyển nơi cư trú đến các tỉnh này nhưng chưa chuyển đăng ký tàu cá về nơi cư trú cũng không cấp thủ tục xuất bến đi đánh bắt.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: “Hiện nay, toàn bộ các tàu cá đã bán ra ngoài tỉnh hoặc đã chuyển hộ khẩu ra ngoài tỉnh, chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tạm thời rút giấy phép. Từ đây đến cuối tháng 5, các tàu này phải về địa phương làm thủ tục xóa đăng ký để chuyển cho các địa phương khác. Chúng tôi đã thành lập 2 đoàn đi vào các tỉnh phía Nam, rà soát tất cả tàu của địa phương ra ngoài khai thác nhiều năm không về. Các tàu không đảm bảo đủ điều kiện, chúng tôi sẽ thu hồi giấy phép không cho đi khai thác.”
Thực hiện đợt cao điểm 180 ngày chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tàu cá vi phạm khi hoạt động trên biển./.