Kiểm soát lái xe sử dụng rượu bia, ma túy: Chỉ làm phần ngọn?

VOV.VN - Thực trạng lái xe sử dụng rượu bia, thậm chí là chất kích thích hay nghiện hút đã đến mức báo động, theo nhiều chuyên gia, cần có giải pháp tổng thể và chế tài đủ mạnh để từng bước loại trừ, tiến tới loại bỏ hoàn toàn vấn nạn “con nghiện” sau tay lái.

Cần có hệ thống giải pháp tổng thể

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - Nguyễn Văn Quyền chia sẻ, việc kiểm soát lái xe sử dụng rượu bia, ma túy hiện mới chỉ làm từ phần ngọn.

Để kiểm soát lái xe nghiện ma túy phải kiểm soát ngay từ đầu vào, từ khâu dạy lái xe, như điều kiện được học lái xe, siết chặt hơn nữa quá trình khám sức khỏe người học lái và tài xế khi đi làm.

“Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ theo quy định như hiện nay hầu như không hiệu quả, thậm chí phát sinh tiêu cực, bởi giấy chứng nhận sức khỏe không đáng tin cậy, không ít doanh nghiệp, tài xế vẫn thực hiện theo kiểu đối phó, mua bán trôi nổi giấy chứng nhận sức khỏe trên thị trường...Hiện nay sự phối hợp của cơ quan quản lý về khám sức khỏe đối với người lái xe với ngành giao thông vận tải chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Để tránh tiêu cực, cần công bố công khai những đơn vị cơ sở y tế được phép khám và công nhận sức khỏe tài xế, có cơ sở dữ liệu quản lý tài xế qua những lần khám sức khỏe này để cho ngành giao thông và các đơn vị kinh doanh vận tải khi tiếp nhận lao động hay gia hạn định kỳ,… thì có thể kiểm tra, giám sát trên hệ thống dữ liệu”, ông cho hay.

Chia sẻ về kế hoạch ra quân tăng cường kiểm tra, xử lý “ma men”, “con nghiện” của Cục CSGT diễn ra từ 1/3-31/12, ông Quyền đưa ra quan điểm đồng tình với mục đích hướng tới hoạt động này.

Tuy nhiên, theo ông Quyền, việc ra quân tăng cường xử lý chỉ là một trong những biện pháp xử lý. Hoạt động này mới chỉ giải quyết được phần ngọn, “đến hẹn lại lên, kết thúc thì đâu lại vào đó, gây tốn phí cho Nhà nước”. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch và duy trì thường xuyên, liên tục công tác này để xử lý vi phạm của một số lái xe hiện nay.

“Ngoài tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý thì cần kết hợp với công tác tuyên truyền trong xã hội, nhà trường, gia đình, cơ quan sử dụng lao động, doanh nghiệp vận tải và đặc biệt là quản lý của cơ quan chức năng…Mỗi thành viên trong gia đình cần nhắc nhở người thân, con cái nhiều mạnh hơn nữa. Công tác quản lý của các doanh nghiệp vận tải cần được tiếp tục nâng cao hơn, có quy chế nội bộ, hình thức giám sát phương tiện thông qua camera…cần đẩy mạnh và nâng cao vai trò quản lý của các đơn vị tiếp tục cần được chặt chẽ hơn”, ông Quyền nhấn mạnh.

Tuy vậy, ông Quyền cho rằng, hiện nay lực lượng tài xế của doanh nghiệp vận tải chỉ chiếm khoảng 30-40% tổng số tài xế tham gia giao thông trên đường. Các cơ quan chức năng cần có thống kê chi tiết số tài xế vi phạm về nồng độ cồn và ma túy thuộc vào nhóm nào, qua đó có thể đặt trọng tâm, trọng điểm trong việc tăng cường giáo dục, tuyên truyền, quản lý, nhắc nhở, xử lý trong nội bộ của các cơ quan đơn vị ngay từ gốc. Cần có giải pháp cụ thể hơn nữa.

Cần tăng cường giám sát quá trình thực thi công vụ của CSGT

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức để giải quyết dứt điểm vấn nạn “ma men”, “con nghiện” sau tay lái thì cần thực hiện tổng thể, kết hợp kế hoạch ngắn hạn và dài hạn.

Chuyên gia Đức cho rằng, từ lâu nay ý thức vi phạm sử dụng rượu bia đã ăn sâu vào tiềm thức, vào “văn hóa” của mỗi con người Việt Nam vì vậy để hạn chế tài xế sử dụng rượu bia thời gian qua ít được cải thiện.

“Công tác quản lý, giám sát và đặc biệt là xử lý “ma men”, “con nghiện” phải được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên nếu thực hiện thường xuyên thì lực lượng CSGT hay Thanh tra giao thông thì không đủ sức và gặp nhiều khó khăn, tốn phí trong việc tuần tra xử lý về nồng độ cồn, ma túy…nếu chỉ trông mong vào một biện pháp như ra quân theo kế hoạch, chuyên đề của lực lượng chức năng thì không đủ”, chuyên gia Đức nhấn mạnh.

Theo ông Đức, các đơn vị chủ quản của tài xế cần tăng cường công tác giáo dục về văn hóa an toàn giao thông. Hiện nay văn hóa sử dụng rượu bia của đại đa số người dân Việt Nam nằm ngoài việc quản lý của lực lượng CSGT, đây là vấn đề của cả xã hội. Vì vật cần nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu được uống rượu bia như thế nào là văn minh”, ông Đức chia sẻ.

Ông Đức cho rằng, các biện pháp ngắn hạn như tăng cường kiểm tra xử lý hay ra quân xử phạt của lực lượng CSGT thời gian qua mỗi khi làm thì giảm nhưng sau đó “đâu lại vào đó, thậm chí vi phạm còn nhiều hơn, như vậy là không có tác dụng”.

Thực tế cho thấy các biện pháp dài hạn, giải quyết từ gốc mới là mấu chốt của vấn đề, cần có sự chung tay của toàn xã hội mới có hy vọng đạt được hiệu quả. Cần có hệ thống các giải pháp từ tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, điều chỉnh thói quen, phong tục tập quán đến công tác quản lý từ gia đình, tập thể cho đến xã hội. Công tác quản lý để làm dài hơn để có thể thay đổi được...

“Tuy nhiên, ngoài việc thực hiện tốt từ người dân thì các lực lượng thực thi công vụ như CSGT cần thực thi công việc phải nghiêm minh, nêu gương. Nếu lực lượng CSGT thực thi mà có tiêu cực thì người dân hoàn toàn “nhờn luật”, xem thường và tiếp tục tái phạm”, ông Đức nêu quan điểm.

Vì vậy, lực lượng chức năng thực thi công vụ trong lĩnh vực quản lý giao thông đường bộ cũng cần thường xuyên sàng lọc đội ngũ cán bộ, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng. Đề ra quy trình trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt cần phải đổi mới công tác kiểm soát xử lý vi phạm, trong đó áp dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong giám sát người dân và cả lực lượng thực thi công vụ để đảm bảo công khai minh bạch, nghiêm minh trong các khâu…

Pháp luật là biện pháp cuối cùng để xử lý “ma men”, “con nghiện”

Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng chức năng nhiều địa phương đã tăng cường biện pháp đấu tranh với vấn nạn “ma men, con nghiện sau tay lái”. Tuy nhiên, khách quan mà nói, những giải pháp đưa ra đều mới chỉ xử lý được “phần ngọn”.

Theo luật sư Bình, những quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ/CP của Chính phủ, tài xế sử dụng chất kích thích chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất là 40 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe 24 tháng, so với trước đây, chế tài xử phạt dành cho tài xế sử dụng ma túy, chất kích thích đã được tăng lên nhiều. Tuy nhiên, nếu chỉ phạt hành chính thì sẽ không đủ sức răn đe.

Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, so với nhiều nước trên thế giới thì mức xử phạt hiện tại chưa hẳn đã là nghiêm khắc. Cụ thể, một nước áp dụng mức xử phạt tù nếu tài xế sử dụng ma túy, rượu bia lái xe tốc độ cao,…

“Cần nghiên cứu kỹ lưỡng các bộ luật của những nước tiên tiến đang áp dụng, cân nhắc bổ sung thêm những chế tài xử phạt nặng hơn đối với tài xế nghiện ma túy. Thậm chí có thể tính tới phương án “treo” bằng lái vĩnh viễn hoặc phạt tù…”, Luật sư Bình nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Pháp luật chỉ là biện pháp cuối cùng để xử lý những trường hợp vi phạm nồng độ cồn và ma túy. Văn hóa của người tham gia giao thông mới đóng vai trò quan trọng nhất. Luật hình sự tại Việt Nam cũng rất hà khắc nhưng người phạm tội vẫn tăng cao, rõ ràng bản chất là do ý thức văn minh, ý thức pháp luật và thói quen của người dân mới là vấn đề. Song song với chế tài xử lý nghiêm minh cần phải quan tâm đến vấn đề giáo dục nâng cao nhận thức mới có thể giảm thiểu được. Cùng với đó là lực lượng chức năng cần thường xuyên làm các chương trình để kiểm soát liên tục hơn nữa”.

Theo Luật sư Nam, hiện nay lực lượng CSGT ra quân xử phạt đánh vào túi tiền người dân mới chỉ là một trong các biện pháp hiệu quả.

“Nếu cứ ra quân theo phong trào tốn nhân lực, vật lực xong rồi đâu lại vào đó thì rõ ràng không hiệu quả. Việc làm ở đây cần thực hiện nghiêm túc mỗi khi ra quân làm theo chuyên đề nào đó, sau khi kết thúc vẫn cần tuyên truyền, tổ chức lực lượng giám sát, xử lý nghiêm minh. Cần có chính sách hạn chế cả bia rượu. Thực tế tại Việt Nam hiện nay đối tượng là trẻ em, tuổi vị thành niên,...rất dễ dàng tiếp cận và mua bán rượu bia chất kích thích cũng là vấn đề cần đặc biệt chú ý. Các lực lượng cần siết chặt hơn nữa liên quan đến sản xuất, mua bán, sử dụng chất ma túy. Rõ ràng số liệu vi phạm liên quan đến ma túy tăng lên có một phần không nhỏ trách nhiệm từ công tác quản lý, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực này”, Luật sư Nam nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trong 3 ngày đầu ra quân, CSGT xử phạt hơn 1.000 "ma men" và "con nghiện"
Trong 3 ngày đầu ra quân, CSGT xử phạt hơn 1.000 "ma men" và "con nghiện"

VOV.VN - Lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 1.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và dương tính với ma túy trong 3 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm.

Trong 3 ngày đầu ra quân, CSGT xử phạt hơn 1.000 "ma men" và "con nghiện"

Trong 3 ngày đầu ra quân, CSGT xử phạt hơn 1.000 "ma men" và "con nghiện"

VOV.VN - Lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 1.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và dương tính với ma túy trong 3 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm.

Sẽ tăng nặng mức xử lý nếu “ma men” hay "con nghiện" tái phạm khi tham gia giao thông
Sẽ tăng nặng mức xử lý nếu “ma men” hay "con nghiện" tái phạm khi tham gia giao thông

VOV.VN - Bộ Công an vừa ban hành kế hoạch kiểm tra xử lý nghiêm người vi phạm nồng độ cồn, dương tính với ma túy xuyên suốt cả năm 2022, trong đó sẽ tăng nặng mức xử lý nếu “ma men” và "con nghiện" tái phạm.

Sẽ tăng nặng mức xử lý nếu “ma men” hay "con nghiện" tái phạm khi tham gia giao thông

Sẽ tăng nặng mức xử lý nếu “ma men” hay "con nghiện" tái phạm khi tham gia giao thông

VOV.VN - Bộ Công an vừa ban hành kế hoạch kiểm tra xử lý nghiêm người vi phạm nồng độ cồn, dương tính với ma túy xuyên suốt cả năm 2022, trong đó sẽ tăng nặng mức xử lý nếu “ma men” và "con nghiện" tái phạm.

Sau 1 tuần ra quân, CSGT xử lý gần 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và ma túy
Sau 1 tuần ra quân, CSGT xử lý gần 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và ma túy

VOV.VN - Theo số liệu thống kê, sau 1 tuần thực hiện cao điểm “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”, CSGT đã xử lý gần 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và ma túy.

Sau 1 tuần ra quân, CSGT xử lý gần 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và ma túy

Sau 1 tuần ra quân, CSGT xử lý gần 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và ma túy

VOV.VN - Theo số liệu thống kê, sau 1 tuần thực hiện cao điểm “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”, CSGT đã xử lý gần 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và ma túy.