Kiểm soát tải trọng xe: Lộ nhiều bất cập
VOV.VN -Sau thời gian đầu thực hiện chủ trương kiểm soát tải trọng đã lộ ra nhiều bất cập, khó khăn cho cả lực lượng làm nhiệm vụ.
Sau gần 1 tháng thực hiện chủ trương đồng loạt kiểm soát tải trọng xe của Bộ Giao thông Vận tải, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông tại các tỉnh miền Trung đã thực hiện tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên thời gian đầu thực hiện cũng lộ ra nhiều bất cập, khiến doanh nghiệp vận tải bức xúc, nhiều khó khăn ngay cho cả lực lượng làm nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Nhạc Tân, Chánh Thanh tra, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Từ khi được Tổng cục Đường bộ giao xe cân tải trọng xe đầy đủ thủ tục để đăng ký, nên từ 8h ngày 23/4, Khánh Hòa mới ra quân kiểm tra tải trọng xe”.
Lực lượng chức năng kiểm soát tải trọng xe (Ảnh minh họa) |
Trong khi tỉnh Khánh Hòa đến 23/4 mới đưa bộ cân lưu động được cấp vào sử dụng thì tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, hai trạm cân của tỉnh chỉ hoạt động vào ban ngày, mỗi ngày chia làm hai ca: ca sáng từ 6h-11h30, buổi chiều từ 11h30-18h. Theo Thượng tá Phạm Văn Thái, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, hai trạm cân không hoạt động vào ban đêm do chưa có đèn chiếu sáng, khó quan sát.
Hầu hết các tài xế xe tải đều đồng tình với chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải về tăng cường kiểm soát tải trọng xe. Tuy nhiên, họ cũng đề nghị tất cả các trạm cân tải trọng xe trên toàn quốc thực hiện nghiêm suốt ngày đêm, đảm bảo công bằng giữa các tài xế và các doanh nghiệp. Theo nhiều tài xế: Nếu thực hiện nghiêm sẽ không có tình trạng tài xế nghe ngóng, né trạm hoặc canh lúc lực lượng chức năng nghỉ thì vượt trạm như thời gian qua. Vì thực hiện chưa đồng bộ quyết liệt của các địa phương nên tại các tỉnh miền Trung, hiện vẫn còn tình trạng xe xếp hàng chờ giao ca vượt trạm cân, hoặc chạy đường vòng để né trạm.
Tại huyện Tuy An, tỉnh Phú yên nhiều địa phương phải xây gác chắn barie để chặn xe quá tải đi vòng gây hư hỏng đường sá. Theo ông Phạm Tuấn Phương, Phó Chủ tịch HĐND xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, địa phương đã xin ý kiến làm 2 trụ chắn, trục chắn cao 2,5m ngay đầu cầu Tân An nên lượng xe không còn chạy qua đây nữa.
Sau thời gian thực hiện kiểm soát tải trọng xe cũng lộ ra nhiều điểm bất cập. Nhiều tài xe vận tải container bức xúc bởi cách tính mỗi trạm cân khác nhau. Đối với xe sơmi rơmooc, có trạm căn cứ vào tổng trọng lượng toàn xe, có trạm lại dựa vào tải trọng trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật của đăng kiểm.
Hiện tại, trạm cân của thành phố Đà Nẵng thực hiện xử lý trên tổng trọng lượng của xe và chưa xử phạt theo tải trọng trục.
Trong khi tại Đà Nẵng chưa xử phạt theo tải trọng trục, thì trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 23, tỉnh Quảng Nam lại thực hiện cân tải trọng trục, gây phản ứng mạnh mẽ đối với lái xe. Điều đáng nói là tải trọng cho phép tham gia giao thông của cơ quan Đăng kiểm Việt Nam cũng bất cập. Cùng một loại xe, số lượng trục và thông số kỹ thuật giống nhau nhưng tải trọng cho phép tại mỗi thời điểm đăng ký phương tiện khác nhau với mức lệch nhiều khi quá lớn. Ví du cùng loại xe đầu kéo sơmi rơmooc 6 trục nhưng xe đăng ký năm 1997 có tổng tải trọng cho phép lưu hành lên đến 49,5 tấn trong khi đó xe tương tự như vậy đăng ký năm 2011 lại chỉ còn 35,5 tấn và đăng ký 2014 là 39,5 tấn.
Bên cạnh bất cập tải trọng cho phép còn có tình trạng xe chở cùng một chuyến hàng nhưng khi qua các trạm kiểm tra tải trọng khác nhau lại có số cân khác nhau và tình trạng số cân tại nơi nhập hàng khác với tại trạm. Tuy nhiên cũng theo nhiều tài xế, việc chênh lệch số cân tại các trạm cân là có, nhưng không nhiều đến mức tài xế phản ứng dữ dội như một số nơi thời gian qua.
Một tài xế xe container ở Đà Nẵng tiết lộ: “Lệch cân không bao nhiêu, bởi vì đã cho dung sai lệch cân hàng hóa. Nhưng ngược lại phải nói thẳng, lái xe chở vượt trội một tí. Ví dụ xe tôi cho dung sai vượt trội được 1,2 tấn nhưng ngược lại tôi có chở lên được mấy tạ. Dĩ nhiên mấy tạ đó tôi nói là lệch cân. Nhưng thực tế tôi sẽ dư được mấy tạ”.
Ngoài những điểm thiếu nhất quán trong thực hiện chủ trương kiểm soát tải trọng xe thì cơ sở vật chất cũng còn thiếu. Tại tỉnh Quảng Bình, suốt chiều dài toàn tuyến Quốc lộ 1A bị đào bới để thi công, chỉ còn một nơi có thể đặt trạm cân lưu động để tiến hành cân tải trọng.
Trung tá Bùi Quang Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Vị trí đặt trạm cân rất khó vì nâng cấp mở rộng quốc lộ toàn tuyến. Biên chế làm đêm thì phải có trạm cố định, anh em làm đêm thì nghỉ ngơi ở đâu, sinh hoạt ở đâu, và còn nhiều vấn đề nữa. Hiện tại chúng tôi chưa làm được trạm hạ tải nên chỉ lập biên bản”.
Kiểm soát tải trọng xe là một chủ trương lớn, đúng đắn nhưng thời gian đầu thực hiện còn nhiều chệch choạc, hạn chế, để tạo sự đồng thuận trong dân, rất cần những chấn chỉnh kịp thời./.