Kiểm soát tốc độ, không chỉ mỗi việc cắm biển báo
VOV.VN - Quản lý và kiểm soát tốc độ là một giải pháp được chứng minh có hiệu quả trong việc kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, để có thể áp dụng tại các đô thị tại Việt Nam, cần sự quyết tâm của chính quyền đô thị, sự hợp tác của người dân và cần có sự chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt.
Từ năm 2016, tốc độ giới hạn trong đô thị, khu đông dân cư được tăng thêm 10km/h, lên mức 50km/h đối với đường hai chiều, có dải phân cách giữa. Việc nâng tốc độ tối đa phương tiện tại các tuyến đường cao tốc, đường trục chính về cơ bản phù hợp với xu hướng hiện đại hóa hệ thống đường cao tốc, giúp người dân, các phương tiện vận tải đi lại được dễ dàng thuận tiện.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, hành vi chạy quá tốc độ là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong năm 2023, có tới một phần năm trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông là vi phạm về tốc độ. Đáng chú ý, qua phân tích 34 vụ tai nạn nghiêm trọng, việc không chấp hành quy định về tốc độ chiếm thứ 2 trong các nguyên nhân về tai nạn giao thông.
Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam (theo cách tính của WHO) vẫn còn rất lớn 17,7/ 100 nghìn dân, mặt khác số lượng các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy vẫn ở mức cao so với nhiều quốc gia. Do vậy, kiểm soát tốc độ trong đô thị là một trong những giải pháp mà ngành giao thông cần phải tính đến nhằm giảm thiểu số người thương vong vì TNGT.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã có chương trình quản lý tốc độ 30km/h tại các khu vực đông dân cư. Điển hình, Singapore đã áp dụng mức giới hạn tốc độ 40km/h tại một số khu vực đặc biệt ó nhiều người cao tuổi và trẻ em. Ngoài ra, quốc gia này còn sử dụng hệ thống camera kiểm soát tốc độ, lập dải phân cách, xây dựng làn đường cho người đi bộ… Tại Việt Nam, TP. Pleiku đã áp dụng thành công mô hình hạn chế tốc độ 30km/h tại toàn bộ khu vực các cổng trường học trên đuiạ bàn.
Những kinh nghiệm thành công là những bài học hay để Việt Nam tham khảo, học hỏi nhưng không nên máy móc áp dụng, mà cần dựa trên điều kiện thực tế của từng đô thị, từng địa phương cho phù hợp. Việc kiểm soát tốc độ trước hết chỉ nên áp dụng thí điểm tại một số khu vực trong những khoảng thời gian nhất định và chỉ nhân rộng nếu mô hình phát huy hiệu quả.
Để đảm bảo căn cứ khoa học trong quá trình triển khai, các cơ quan quản lý giao thông cần tiến hành thu thập dữ liệu trước và sau khi triển khai, sau đó xem xét, đánh giá và theo dõi. Việc đưa ra những con số, dữ liệu cụ thể là căn cứ để người dân nắm bắt được tính hiệu quả cụ thể của dự án và cũng là cơ sở để đơn vị thực hiện có những điều chỉnh kịp thời.
Giải pháp hạn chế tốc độ qua các khu vực dân cư, trường học, bệnh viện… không chỉ đơn giản là việc cắm biển báo hạn chế tốc độ, mà cần có những giải pháp đồng bộ, từ cải thiện cơ sở hạ tầng, thiết lập làn đường cho người đi bộ, làm gờ giảm tốc, đèn tín hiệu, phân luồng giao thông… Cùng với đó, cũng cần tăng cường hoạt động giám sát, xử lý vi phạm.
Song song với đó cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các lái xe, người dân và các nhà quản lý, thiết kế về giao thông hiểu được tầm quan trọng của hạn chế tốc độ trong đô thị.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần sự quyết tâm của người đứng đầu các địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành liên quan trong việc thực hiện mục tiêu giảm số người thương vong vì tai nạn giao thông và nâng cao tính an toàn cho những đối tượng dễ bị tổn thương.