Kiến nghị không tinh giản biên chế trong ngành giáo dục
VOV.VN - Tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đại diện một số tỉnh, thành phố kiến nghị không thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục.
Ngày 18/4, tại tỉnh Bình Dương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kiến nghị xem xét tinh giản biên chế giáo viên
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh tới 5 giải pháp của địa phương để phát triển giáo dục và đào tạo trong đó có thực hiện quy hoạch, định hướng, dự báo phát triển giáo dục và đào tạo đảm bảo bao quát, phù hợp với thực tiễn và khả thi; Đảm bảo quy hoạch quỹ đất cho phát triển giáo dục và đào tạo; Thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên;Tăng cường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập; Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực giáo dục...
Để hỗ trợ giáo dục và đào tạo của vùng và địa phương, ông Hùng kiến nghị các Bộ ngành xem xét, tham mưu không thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục, đặc biệt đối với các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp nhằm đảm bảo đội ngũ đáp ứng nhu cầu học sinh tăng hàng năm rất cao.
Cũng liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế giáo viên, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Vấn đề của giáo dục Bình Phước hiện nay là thiếu cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị; thiếu giáo viên, còn nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn, chưa cân đối về cơ cấu; chưa nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư để phát triển giáo dục ngoài công lập; chưa có trường đại học đóng trên địa bàn; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng gặp khó khăn.
"Các Bộ, ngành cần xem xét lại việc tinh giản biên chế giáo dục; chế độ chính sách đãi ngộ cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm mon đang công tác ở vùng sâu vùng xa; chế độ ưu tiên cho học sinh khó khăn về tiếp cận sách giáo khoa mới...", bà Trần Thị Tuyết Minh kiến nghị.
Cần hợp lý hóa trong phân bổ mạng lưới các trường đại học
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh cần có sự “hợp lý hoá” trong sắp xếp, cơ cấu hệ thống giáo dục các bậc học, đặc biệt là bậc đại học. Bởi hiện nay, sự phân bổ các trường đại học ngay trong vùng không đồng đều, TP. Hồ Chí Minh tập trung quá nhiều, Tây Ninh, Bình Phước không có - đây là sự bất hợp lý cần sắp xếp lại. Bên cạnh đó là phát huy xã hội hoá, quốc tế hoá, hiện đại hoá, số hoá, phổ cập hoá.
Theo ông Sơn, câu chuyện giáo dục ở vùng nào cũng có 3 phương diện: nhân, nhân lực, nhân tài. Trong vấn đề “nhân”, giáo dục dạy người vùng nào cũng quan trọng, có yêu cầu giống nhau như Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã xác định những phẩm chất, năng lực và giá trị cốt lõi. Nhưng riêng với Đông Nam Bộ cần phải chú ý thêm một điểm giáo dục con người.
“Chúng ta cần tạo một lớp thị dân mới, những con người ở các đô thị với lối sống kỷ cương, tuân thủ pháp luật, những công dân số và biết sống văn minh trong môi trường đô thị. Cần phải giáo dục họ ngay từ trong quá trình chuyển từ nông thôn thành đô thị - đây là môt vấn đề trong sự dạy người của các tỉnh miền Đông”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Đối với vấn đề nhân lực, Bộ trưởng lưu ý, cần làm tốt Chương trình giao dục phổ thông 2018, gốc của chất lượng nhân lực không đâu khác phải bắt đầu từ phổ thông. “Việc này các tỉnh đang làm tốt, cần cố gắng làm thật tốt hơn nữa”, ông Nguyễn Kim Sơn nói,
Đối với nhân tài, Bộ trưởng nhắc tới việc phải tập trung phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ, kỹ thuật, khoa học, đổi mới, sáng tạo, quản trị, điều hành…/.