Kiến nghị kiểm tra an toàn xe trước khi xuất bến
VOV.VN-Nếu bến xe tổ chức một bộ phận làm dịch vụ kiểm tra kỹ thuật, chắc chắn sẽ khách quan và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội.
Hiệp hội Vận tải Hà Nội vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép các bến xe tổ chức dịch vụ kiểm tra điều kiện an toàn của xe trước khi xuất bến. Theo đó, bến xe tổ chức một bộ phận làm dịch vụ kiểm tra kỹ thuật, điều kiện an toàn của xe trước khi xuất bến. Theo bản kiến nghị, nếu làm được điều này, việc kiểm tra xe chắc chắn sẽ khách quan và tiết kiệm chi phí.
Nói về đề xuất các bến xe làm dịch vụ kiểm tra xe trước khi xuất bến thay cho các doanh nghiệp đang làm hiện nay, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc kiểm tra thường xuyên và định kỳ đối với phương tiện vận tải là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông. Công việc này hiện tại do các đơn vị vận tải đảm nhận, mỗi khi xe xuất bến phải có chữ ký của lái xe và nhân viên kiểm tra của doanh nghiệp.
Các xe khách cần được kiểm tra an toàn kỹ thuật trước khi xuất bến để đảm bảo an toàn giao thông (Ảnh: TTXVN) |
Ông Bùi Danh Liên phân tích, công việc trên đang làm tăng thêm chi phí, nhân lực của doanh nghiệp vận tải, vì một bến có hàng trăm doanh nghiệp tham gia khai thác các tuyến vận tải. Như vậy là phải có hàng trăm cán bộ kiểm tra kỹ thuật phải trực hàng ngày ở bến xe. Với những xe có lộ trình dài, rất ít doanh nghiệp bố trí được cán bộ kỹ thuật ở hai đầu bến để kiểm tra xe...
Vì vậy, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, nếu bến xe tổ chức một bộ phận làm dịch vụ kiểm tra kỹ thuật, chắc chắn sẽ khách quan và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội. Tiền dịch vụ kiểm tra xe tại các bến xe được bến xe và doanh nghiệp vận tải đưa vào Hợp đồng dịch vụ bến theo thỏa thuận.
Ông Bùi Danh Liên cho biết: “Trong quy định, trước khi xe xuất bến thì bến xe phải kiểm tra phương tiện và người lái, vừa để thực hiện nhiệm vụ của bến, vừa đảm bảo tình trạng kỹ thuật của xe thì các doanh nghiệp có thể ký hợp đồng với bến để thực hiện việc kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe, các doanh nghiệp phải trả tiền cho bến, coi như dịch vụ rất tiện lợi…”.
Đồng tình quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước ngầm cho rằng, bến Nước ngầm luôn quản lý phương tiện, người lái thông qua hợp đồng vận tải khách. Tài xế và nhân viên phục vụ phải mang thẻ ra vào do bến phát hành; khu vực bến không bán hàng rong, không có “cò mồi”... cho nên việc giao quyền cho bến xe quản lý phương tiện, người lái là việc làm hoàn toàn chính xác bởi chính bến xe là đơn vị trực tiếp nắm rõ tình hình xe ra vào bến, phương tiện hoạt động thường ngày, dịch vụ của các hãng vận tải để từ đó có những quy định chấn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn giao thông mỗi khi xe xuất bến.
Trước đề xuất này, nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, đây cũng là một đề xuất tốt nếu triển khai được. Anh Nguyễn Tuấn Hùng, Công ty xe khách Bảo Yến, tỉnh Tuyên Quang nói: “Tôi thấy đề xuất này là hợp lý, an toàn của người và phương tiện mỗi khi lưu thông là quan trọng nhất. Hiện nay, xe mỗi khi xuất bến đã được kiểm tra. Nhưng nếu kiểm tra độc lập thì vẫn đảm bảo nhiều yếu tố hơn. Vì cũng có nhiều trường hợp xe công ty hôm nay, lái phụ xe này hôm sau lại là lái phụ xe khác, không nắm rõ được tình trạng xe, cho nên việc này là cần thiết…”
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, các quy định của pháp luật, của Bộ Giao thông Vận tải đều quy định dứt khoát không cho những xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật rời bến và người lái xe không đủ điều kiện sức khỏe, uống rượu bia cũng không được phép xuất bến…
Trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính cũng quy việc bảo dưỡng phương tiện thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, do đó, doanh nghiệp không thể nói không đủ điều kiện kiểm tra xe. Không thể vì lý do nào đó để biện minh cho việc đưa phương tiện không đảm bảo an toàn vào khai thác được.
Ông Nguyễn Văn Thuấn cho rằng:“Việc sửa chữa, tu bổ lại phương tiện là việc của lái xe và hãng vận tải hay hợp tác xã. Thường xuyên quan tâm chất lượng của xe giữa 2 kỳ đăng kiểm là việc phải làm. Bến kiểm tra không có nghĩa là được phép lấy tiền, mà chỉ nhằm phát hiện ra tình trạng kỹ thuật của xe để không cho xuất bến…”.
An toàn trên mỗi chuyến xe là điều mà hành khách và tất cả mọi người đều mong muốn. Cho nên, việc đảm bảo an toàn cho những chuyến xe khách ngay từ khi xuất bến sẽ nâng cao nhận thức của lái xe, chủ xe về ý thức chấp hành các quy định kinh doanh vận tải khách. Qua đó, góp phần đáng kể làm giảm tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho hành khách và chính người điều khiển phương tiện./.