Trăn trở nước sạch nông thôn tại Hải Phòng:

Kiên quyết, hợp lý hợp tình trong xử lý các nhà máy nước mini tại Hải Phòng

VOV.VN - Nước từ các nhà máy cấp cho người dân thường xuyên vẩn đục, đen sì; nước nhiễm phèn, nhiễm mặn, chứa cả vi khuẩn E.coli và Coliform… Trước tình trạng này, các ban ngành và địa phương TP. Hải Phòng đang “chạy đua với thời gian” để khắc phục tình trạng nước bẩn, nước không đạt chất lượng từ các nhà máy nước mini.

>> Nước sạch mà không sạch ở Hải Phòng

LTS: Thực tế về chất lượng một số nhà máy nước nông thôn tại Hải Phòng là nội dung bài viết số 1 của loạt bài viết với nhan đề “Nước sạch… mà không sạch tại Hải Phòng” mà chúng tôi đã chuyển tới quý vị và các bạn. Đó là tình trạng, nước từ các nhà máy cấp cho người dân thường xuyên vẩn đục, đen sì; nước nhiễm phèn, nhiễm mặn, chứa cả vi khuẩn E.coli và Coliform… Thời điểm này, các ban ngành và địa phương thành phố Hải Phòng đang “chạy đua với thời gian” để khắc phục tình trạng nước bẩn, nước không đạt chất lượng từ các nhà máy nước mini với mục tiêu tất cả người dân được sử dụng nước đạt quy chuẩn vào năm 2025.

Trong bài viết thứ 2 này, chúng tôi sẽ đề cập đến những nỗ lực của các cấp ngành Thành phố để đạt được mục tiêu nước nước sạch nông thôn tại Hải Phòng.

 

Hầu hết các nhà máy nước mini tại Hải Phòng được xây dựng trong giai đoạn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ năm 1998 đến năm 2015, tức là trung bình cách đây ít nhất cũng 10 năm. Có thể nói, các nhà máy nước mini đã hoàn thành nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn ở giai đoạn đó. Tuy nhiên, với đặc điểm sử dụng nguồn nước đầu vào từ các tuyến kênh thuỷ lợi, quy mô công suất nhỏ và công nghệ lạc hậu, rất nhiều nhà máy nước mini không còn đáp ứng được yêu cầu của người dân.

Tại Hội nghị Thành uỷ Hải Phòng lần thứ 13 vào tháng 9/2023, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng nhấn mạnh điều này và yêu cầu UBND và các ban ngành thành phố rà soát và giải quyết dứt điểm tình trạng nước không đảm bảo chất lượng vệ sinh.

“Chúng ta phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết và phải vì cái chung, với quan điểm đó Nhà máy nước mini đã cơ bản hoàn thành “sứ mệnh lịch sử”, không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Vì đây là vấn đề cấp bách liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân”, ông Lê Tiến Châu nói.

Thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ Hải Phòng, UBND thành phố rà soát và thống kê trên địa bàn hiện còn 84 nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn; trong đó, 28 nhà máy thường xuyên không đảm bảo chất lượng. Cùng với việc giám sát chất lượng của các nhà máy nước đang hoạt động ổn định, đảm bảo, các địa phương và ban ngành thành phố Hải Phòng kiên quyết xử lý đối với các nhà máy nước không đạt chất lượng. Tuy nhiên, do quy định “mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước” theo Nghị định 117 của Chính phủ nên thời gian qua, địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc thay thế các nhà máy nước mini.

Theo ông Phạm Xuân Hoà, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, địa phương kiên quyết thực hiện chủ trương của thành phố, nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch đến với các hộ dân. Trên cơ sở đánh giá chất lượng các nhà máy nước thời gian qua và cam kết đảm bảo chất lượng phục vụ người dân, huyện Tiên Lãng đang vận động các nhà máy nước mini chuyển nhượng lại vùng cấp nước, đồng thời làm việc với Công ty Cổ phần cấp nước Hải Phòng, đơn vị được đánh giá là cung cấp nước sạch tốt nhất trên địa bàn thành phố, về việc mở rộng cung cấp nước cho bà con tại địa phương.

“Thành phố đã có chỉ đạo trong tháng 6/2024 phải có 8 xã đạt được thỏa thuận giữa chủ các nhà máy nước mini với địa phương trên cơ sở đồng thuận của người dân trong việc nhường lại vùng cấp nước cho các nhà máy nước đảm bảo theo yêu cầu hơn vào hoạt động. Hết tháng 8/2024 phải hoàn thành với các xã còn lại”, ông Phạm Xuân Hoà cho biết.

Với sự vận động của chính quyền địa phương, đa phần chủ nhà máy nước mini tại huyện Tiên Lãng nói riêng và trên địa bàn TP Hải Phòng nói chung hiện đã đồng thuận liên kết, trở thành đại lý hoặc nhượng lại quyền cấp nước cho một đơn vị mới đảm bảo hơn, nhưng có mong muốn người dân hỗ trợ chi phí bỏ ra trong việc xây dựng hệ thống đường cấp nước tới các hộ gia đình.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, đại diện Nhà máy nước Quốc Tuấn 2 (xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, Hải Phòng) cho hay: “Năm 2010, chính quyền địa phương đến vận động gia đình tôi xây dựng nhà máy nước này để phục vụ các hộ dân dùng nước sạch tại thời điểm đó. Từ năm 2017-2018-2019, nhà máy nước của tôi đã đầu tư, nâng cấp với số tiền gần 10 tỷ đồng. Giờ thực hiện chủ trương của thành phố, tôi mong muốn được hỗ trợ thoả đáng”.

Theo quy trình, khi các nhà máy nước mini đồng tình chuyển nhượng vùng cấp nước, chính quyền địa phương thực hiện các thủ tục để các đơn vị cấp nước uy tín, đảm bảo vào lắp đặt hệ thống cấp nước cho dân cư. Quá trình chuyển giao này cũng cần một khoảng thời gian, không phải một sớm, một chiều.

Theo ông Đoàn Văn Ban, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, trong thời gian này, đơn vị sẽ tăng cường bảo vệ nguồn nước, đẩy mạnh công tác ngoại kiểm, giám sát chất lượng các nhà máy, đảm bảo cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho bà con.

“Thành phố đang chỉ đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi tăng cường lấy nước vào hệ thống, thau chua rửa mặn, đảo nguồn nước, giữ cho chất lượng nước thô đạt. Các xã căn cứ vào thoả thuận phải giám sát thường xuyên để đảm bảo chất lượng nước đạt. Việc thay thế các nhà máy nước phải có thời gian thì trong quá trình thay thế, việc giám sát các nhà máy nước phải chặt chẽ”, ông Đoàn Văn Ban cho biết.

Các địa phương tại Hải Phòng phối hợp với Sở Y tế thành phố tăng cường công tác ngoại kiểm, giám sát chất lượng các nhà máy nước mini. Thay vì quy định 6 tháng giám sát 1 lần, nay đang được thực hiện thường xuyên mỗi tháng/lần. Những nhà máy nước không đảm bảo chất lượng sẽ buộc phải chấm dứt việc cấp nước cho người dân, nhường vùng cấp nước cho một đơn vị mới đảm bảo hơn. Với sự quyết liệt của chính quyền địa phương, sự giám sát chặt chẽ của các ban ngành và người dân, câu chuyện nước sạch ở khu vực nông thôn của thành phố Hải Phòng sẽ được cải thiện. Tất cả vì mục tiêu sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người dân.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đắk Lắk: Nhiều công trình nước sạch nông thôn ngưng hoạt động, người dân gặp khó
Đắk Lắk: Nhiều công trình nước sạch nông thôn ngưng hoạt động, người dân gặp khó

VOV.VN - Trong số 128 công trình nước sạch nông thôn tập trung ở tỉnh Đắk Lắk, có đến 52 công trình đã hư hỏng ngưng hoạt động và hàng chục công trình khác hoạt động cầm chừng. Thiếu kinh phí sửa chữa, nâng cấp đã ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân, nhất là trong bối cảnh khô hạn hiện nay.

Đắk Lắk: Nhiều công trình nước sạch nông thôn ngưng hoạt động, người dân gặp khó

Đắk Lắk: Nhiều công trình nước sạch nông thôn ngưng hoạt động, người dân gặp khó

VOV.VN - Trong số 128 công trình nước sạch nông thôn tập trung ở tỉnh Đắk Lắk, có đến 52 công trình đã hư hỏng ngưng hoạt động và hàng chục công trình khác hoạt động cầm chừng. Thiếu kinh phí sửa chữa, nâng cấp đã ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân, nhất là trong bối cảnh khô hạn hiện nay.

Còn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn
Còn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn

VOV.VN - Hiện nay còn 22% hộ gia đình nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Còn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn

Còn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn

VOV.VN - Hiện nay còn 22% hộ gia đình nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Người dân xã nông thôn mới ở Bình Thuận mòn mỏi chờ nước sạch
Người dân xã nông thôn mới ở Bình Thuận mòn mỏi chờ nước sạch

VOV.VN - Là xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng người dân xã Phan Hoà, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đang phải sống trong cảnh thiếu nước vào mùa khô, nước đục, phèn vào mùa mưa. Việc này đã làm ảnh hưởng đến đời sống và sức khoẻ của người dân nơi đây.

Người dân xã nông thôn mới ở Bình Thuận mòn mỏi chờ nước sạch

Người dân xã nông thôn mới ở Bình Thuận mòn mỏi chờ nước sạch

VOV.VN - Là xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng người dân xã Phan Hoà, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đang phải sống trong cảnh thiếu nước vào mùa khô, nước đục, phèn vào mùa mưa. Việc này đã làm ảnh hưởng đến đời sống và sức khoẻ của người dân nơi đây.