Kiên quyết xử phạt các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị giao ban trực tuyến ngày 26/4.
- Ngộ độc khi ăn cỗ cưới, 9 người nhập viện cấp cứu
- Hơn 200 công nhân của Dream MeKong bị ngộ độc
- Để thực phẩm nhập lậu không còn đất sống
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: “Cần nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho mọi người dân, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử phạt các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Hội nghị nhận định, năm 2011 vừa qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đạt nhiều kết quả khả quan. Công tác tuyên truyền được triển khai hiệu quả với gần 83% người sản xuất, 82% người tiêu dùng và hơn 93% người quản lý lãnh đạo có hiểu biết đúng về an toàn thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm diễn ra quyết liệt, thường xuyên hơn với số cơ sở bị phạt tiền tăng từ 17% năm 2010 lên 30% năm 2011.
Tình hình ngộ độc thực phẩm giảm cả về số vụ, số người mắc và người tử vong. Tuy nhiên, công tác này còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đó là: việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết, nhất là ở tuyến xã hầu hết không xử phạt mà chủ yếu là nhắc nhở; việc tổ các đoàn thanh tra đôi lúc còn chồng chéo; hoạt động của Ban chỉ đạo các địa phương chưa hiệu quả…
Đặc biệt, việc quản lý phụ gia thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn từ khâu kinh doanh, phân phối tới chế biến, bảo quản và sử dụng. Ở hầu hết các đại phương, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định, trong đó chủ yếu là sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép và hàm lượng vượt quá giới hạn.
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị cần tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ hành nghề cho những người kinh doanh các loại hàng hóa thực phẩm.
Liên quan đến tình hình kinh doanh, sử dụng hóa chất trong chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá, từ kết quả kiểm tra lấy mẫu tại một số địa phương cho thấy hiện trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng: cần có cơ chế cung cấp thông tin về an toàn vệ sinh thực phẩm, để tránh việc đưa tin không chính xác như vụ bưởi gây ung thư, gạo giả…vừa qua.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thời gian qua có chuyển biến nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, một số lĩnh vực thậm chí còn phát sinh phức tạp hơn. Bởi vậy, cần phải đẩy mạnh biện pháp và triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Trước hết nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho mọi người dân. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm; hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch về công tác an toàn thực phẩm giai đoạn 2012-2015, gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2015 sau khi được Chính phủ phê duyệt; Tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành cấp xã ở một số địa phương.
Phó Thủ tướng lưu ý cần giám sát chặt chẽ chất lượng thực phẩm qua biên giới, đảm bảo an toàn bếp ăn tập thể; hoàn thành việc phê duyệt đề quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm ở các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan thường trực phối hợp với Hội nông dân, Hội phụ nữ để phát động các cuộc vận động và làm từng bước như: không sản xuất rau không an toàn, không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục... Các địa phương cụ thể hóa và chọn lựa từng cái “không” cho phù hợp; hướng dẫn các tỉnh lập kế hoạch sâu hơn về công tác thanh, kiểm tra. Thông qua kiểm tra thì truy ngược nguồn gốc, nguyên liệu ở đâu và xử lý kiên quyết. Như vậy vừa kiểm tra theo diện vừa kiểm tra theo trục và phải phát huy sức mạnh kiểm tra liên ngành./.