Kon Tum sau 38 năm giải phóng
(VOV) -Từ đổ nát, hoang tàn sau chiến tranh, Kon Tum ngày càng giàu đẹp, vững vàng ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của Tây Nguyên.
Hôm nay, ngày 16/3. Đúng ngày này cách đây 38 năm, tỉnh Kon Tum được giải phóng. Từ đổ nát, hoang tàn sau chiến tranh, lại không có những điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, song nhờ phát huy được truyền thống đoàn kết, tinh thần vượt khó vươn lên, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kon Tum đã xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, vững vàng ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của Tây Nguyên.
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giải phóng Kon Tum 16/3, các cựu chiến binh ở địa phương lại tổ chức những chuyến về nguồn thăm lại chiến trường xưa. Đến những địa danh, như Măng Đen, Măng Bút, Kon Praih, Tà Bót, rồi Đắc Tô- Tân Cảnh một thời phủ kín khói lửa bom đạn chiến tranh, ít cựu chiến binh nào ngăn được nước mắt. Trong rất nhiều cảm xúc ngày Kon Tum giải phóng, có niềm vui trong mỗi cựu chiến binh về một Kon Tum đang thay đổi từng ngày.
Sự vươn lên mạnh mẽ của Kon Tum ấn tượng nhất là từ thời điểm năm 1991, khi tỉnh được tái lập từ việc chia tách tỉnh Gia Lai- Kon Tum. 22 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của địa phương luôn duy trì ở mức cao, bình quân trên 12%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt hơn 21 triệu đồng, gấp 12 lần so với năm 1991.
Một góc thị xã Kon Tum (Ảnh: KT) |
Một trong những điều kỳ diệu mà người dân Kon Tum làm được là hồi sinh những vùng đất chết vì chất độc hóa học và bom đạn chiến tranh. Màu xanh của rừng nguyên liệu giấy, của hàng chục nghìn héc-ta cao su, cà phê, lúa nước đã phủ kín những địa danh khói lửa, như dãy Sạc ly, Đắc Tô- Tân Cảnh, điểm cao 601…
Người dân đã làm giàu được từ chính đất đai ruộng đồng quê hương. Anh A No, dân tộc Gia Rai, làng Lei, xã Ya Chim, thành phố Kon Tum, cho biết, từ đói khổ vươn lên, gia đình đã có 4 ha cao su tiểu điền, 3 ha cao su nhận khoán, rồi trồng thêm săn và chăn nuôi bò, thu nhập đạt gần 400 triệu đồng mỗi năm.
Năm 2012 vừa qua, trong điều kiện khó khăn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Kon Tum vẫn đạt trên 13%, cao hơn bình quân chung của khu vực Tây Nguyên. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương đạt nhiều kết quả quan trọng, và là tỉnh đầu tiên ở Tây Nguyên có xã đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới.
Phát huy truyền thống cách mạng, Kon Tum đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 14% trong năm nay; thu nhập bình quân đầu người trên 26 triệu đồng; thu ngân sách tại địa bàn đạt trên 1.800 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, để đạt mục tiêu này, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ tạo động lực cho phát triển.
Theo ông Hùng, tỉnh tập trung đầu tư cho những công trình chuyển tiếp, những công trình đưa vào sử dụng ngay có hiệu quả, hạn chế khởi công các công trình mới. Đề xuất các gói giải pháp nhằm giãn nợ, hoãn nợ, khoanh nợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có vốn sản xuất và đặc biệt là tài trợ vốn cho các dự án có hiệu quả.
Tỉnh căn cứ vào lợi thế so sánh của mình để phát triển các mô hình sản xuất mới, đặc biệt các nhóm cây trồng vật nuôi ở vùng ôn đới như cá tầm, cá hồi, rau hoa xứ lạnh, cà phê chè... bên cạnh những loài cây, con truyền thống như cây cao su, cây cà phê, cây nguyên liệu giấy.
Tỉnh cũng tập trung các giải pháp để chăm lo các vấn đề an sinh xã hội, phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân./.