Cửa thiền ấm áp tình thương:

Kỳ 2: Gặp nhau ở chữ nhân duyên

Nhờ có sự đồng cảm, sẻ chia mà một người cách Việt Nam nửa vòng trái đất gặp được một sư thầy có tấm lòng từ thiện ở một làng quê nghèo khó.

Kỳ 1: Những mảnh đời bất hạnh

Về nước lần này, ông Lê Đạt có mong muốn được đi làm từ thiện ở một vài địa chỉ. Tuy nhiên, do thời gian hạn hẹp nên ông Đạt quyết định đến thăm các cháu nhỏ ở chùa Thịnh Đại.

Duyên kỳ ngộ

Hơn 5 năm trước, một độc giả tên là Lê Đạt (ở 3503 Wellington Drive Pearland Tx 77484, bang Texas, Hoa Kỳ) có viết thư về VOVNews nhờ Cảo Thơm tìm một số địa chỉ từ thiện ở Việt Nam. Các BTV của tờ báo đã tìm kiếm các địa chỉ này khá nhanh và trả lời cho bác Lê Đạt. Hầu như năm nào cũng vậy, bác Lê Đạt lại viết thư và nhờ tìm các địa chỉ cần giúp đỡ.

Đầu năm 2008, bác Lê Đạt viết thư cho Cảo Thơm nhờ tìm địa chỉ một ngôi chùa ở Hà Nam nuôi 30 cháu nhỏ mồ côi mà bác Đạt xem thoáng được thông tin qua VTV4.

Chúng tôi đã tìm liên lạc được với nhà chùa và thông báo các thông tin cần thiết tới bác Lê Đạt. Đến tháng 11/2008, bác Đạt gửi thư cho Cảo Thơm cho biết là sẽ về nước để đến thăm các cháu nhỏ ở nhà chùa và vào Thừa Thiên Huế để thăm gia đình cụ Đặng Huần, ở huyện Phú Vang (cụ Huần đã hơn 90 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đạp xe xích lô để kiếm sống, nuôi vợ). Chuyến đi đó đã không thực hiện được vì đúng vào dịp Hà Nội bị ngập nặng (tháng 11/2008).

Đến giữa tháng 3/2009, bác Đạt viết thư lại cho Cảo Thơm và nói là sẽ về Việt Nam vào đầu tháng 4/2009.

Chúng tôi cũng rất vui là về đến Hà Nội, địa chỉ đầu tiên bác Đạt ghé thăm là VOVNews.

Trong câu chuyện cởi mở của mình, bác Đạt tâm sự về chuyện công việc, gia đình, con cái. “Những năm trước, cuộc sống của gia đình tôi còn hạn hẹp nên tôi chưa dám nghĩ đến việc làm từ thiện. Giờ đã nghỉ hưu, con cái trưởng thành, cuộc sống có dư dả hơn đôi chút, trong tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ đến những mảnh đời bất hạnh. Những người tôi muốn giúp là các em bé. Vì cuộc sống hôm nay của các em sẽ ảnh hưởng đến quãng đời suốt 60-70 năm nữa. Nếu bây giờ vì lý do gì mà không được nuôi dưỡng tốt thì phần đời của các em bị cắt ngang, rất uổng. Và chính các em là tương lai của đất nước này. Làm được một việc thiện để giúp cho muôn đời. Kiếp này mình không được hưởng thì chắc chắn con cháu mình sẽ được hưởng cái đức của mình”.

Bác Đạt cũng tâm sự, đi nhiều mới thấy, vẫn còn nhiều mảnh đời bất hạnh cần giúp đỡ.

Cụ Lê Đạt luôn mong muốn giúp đỡ các em nhỏ

Gặp tôi và bác Lê Đạt, thầy Hoà cũng nhắc nhiều đến “cái duyên hội ngộ”. “Tôi làm việc này nhưng có khi nào dám mơ có ngày được gặp cụ Đạt đâu. Cũng nhờ có chung một tấm lòng mà Trời Phật lại ban cho cụ được biết tới chùa” - giọng thầy Hoà trầm ấm.

Phút trải lòng…

Tôi hỏi: “Sao thầy lại quyết định nhận nuôi các cháu nhỏ bất hạnh ạ?. Thầy Hoà giọng nghèn nghẹn kể lại: “Nhân tu vạn hạnh” - mỗi thầy mỗi hạnh khác nhau. Cuộc đời đi tu của tôi khổ lắm. Nói đi tu mà sướng thì ai cũng đi tu được. Năm 14 tuổi tôi xuất gia, năm 19 tuổi về đất này (chùa Thịnh Đại – PV). Cụ tôi không thích chuyện hầu đồng, hầu bóng, nhưng mấy người buôn thần bán thánh lợi dụng chuốc rượu cho cụ say để còn lên đồng.

Chỉ cầu mong mình có sức khoẻ để nuôi dạy các em nên người

Đã có lúc tôi cũng bị cụ xua đuổi. Lúc đầu, tôi nghĩ “ta cứ ngồi ăn chay niệm Phật hay tụng kinh gõ mõ. Đã vài lần tôi có ý iịnh quyên sinh. Nhưng lại nghĩ mình phải sống, sống để xem đời mình sẽ ra sao. Đời đã làm ta khổ thì ta sẽ không làm khổ đời. Tôi quyết định sẽ đón các cháu vào chùa nuôi để các cháu thành người. Nếu đủ duyên thì các cháu tu cũng tốt, nếu không các cháu trở thành công dân tốt cho xã hội. Như thế là phúc lắm rồi.

Cụ mất năm 1994, lúc đó tôi cũng đã nuôi được 3-4 cháu. Đến năm 1996 tôi làm đơn lên xã để hợp thức hoá việc làm của mình. Xã ở đây tốt lắm. Tuy không có tiền, có của cho mình nhưng tạo điều kiện về giấy tờ, thủ tục để tôi nuôi các cháu.

Nhiều người bảo là đã theo đạo thì phải xa việc đời, nhưng tôi nghĩ đạo và đời hoà quyện với nhau. Đời không đạo thì đời khô khan, mà đạo không có đời thì lấy ai mà hành đạo. Tôi chỉ xin đóng góp một phần nhỏ của mình vào việc làm từ thiện.

Lời ngỏ

Nhiều người lo rằng, chỉ có một mình sư thầy thì việc nuôi dưỡng các cháu quá eo hẹp, khó nuôi dưỡng các cháu được như mong muốn. Nếu chỉ trông chờ vào sức lao động của sư thầy thì không đủ, nhất là những lúc các cháu ốm đau, cần đến thuốc thang.

Bác Lê Đạt bày tỏ: “Tôi mong rằng, qua bài viết của Cảo Thơm, đồng bào Việt Nam ở trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài biết đến nhà chùa để giúp đỡ phần nào cho sư thầy đỡ cực. Một mình sư thầy cáng đáng công việc ở đây quả là khó khăn. Chỉ cần nuôi một vài đứa đã cực rồi, đằng này lại 30 đứa trẻ mà chỉ có một mình thầy”.

Không giấu giếm gì chúng tôi, thầy Hoà nói: “Từ khi có các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải về chùa đến giờ các phật tử mách nhau, người thì gói mì, cân gạo, cân sữa, hộp đường… cũng đỡ vất vả phần nào cho nhà chùa. Nhưng thầy trò vẫn phải cấy hái, lăn lê, bò toài”.

Chia tay sư thầy và các em nhỏ ở chùa Thịnh Đại, trong tôi vấn vương mãi câu nói của Đại đức Thích Thanh Hoà “Hai chữ từ thiện nghe thì hạnh phúc lắm nhưng đã vấp vào làm thì thật vô bờ bến”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên