Kỷ luật Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh
VOV.VN - UBND huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định vừa có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Trần Phước Phi, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh vì đã sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về phát triển rừng và sử dụng rừng theo kết luận của thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định.
Tháng 6/2023, Thanh tra Sở NN-PTNT thôn tỉnh Bình Định đã có kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về phát triển rừng, sử dụng rừng tại lô 2, khoảnh 11, tiểu khu 98, xã Vĩnh Sơn, do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh quản lý.
Theo kết luận thanh tra, việc Ban quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định cho phép 5 nhân viên bảo vệ rừng Trạm Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Sơn trồng xen và khai thác cây keo lai, kết hợp trồng bổ sung cây sao đen trên diện tích rừng trồng phòng hộ 4,5ha nhằm nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của nhân viên, trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện do chủ quan, chưa nghiên cứu kỹ các quy định đã để xảy ra một số khuyết điểm, sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về phát triển rừng và sử dụng rừng.
Cụ thể, Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh thực hiện nghiệm thu hằng năm không đầy đủ, không thực hiện nghiệm thu kết thúc công trình lâm sinh để đánh giá chất lượng rừng trồng đối với 3 công trình trồng, chăm sóc rừng. Tự ý cho trồng xen cây keo lai trên diện tích 4,5ha là thực hiện chưa đúng với hồ sơ thiết kế kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trồng phòng hộ sau khai thác (trồng thuần loài cây sao đen) của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và thực hiện chưa đúng thẩm quyền theo quy định.
Ban Quản lý tự ý cho phép khai thác cây keo lai trồng xen năm 2017 trên diện tích 4,5ha nhưng không lập phương án khai thác gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa thực hiện đúng quy định. Quá trình thực hiện không đúng quy định dẫn đến tình trạng khi khai thác cây keo lai để một số cây sao đen bị chặt, bị gãy, ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng sao đen.
Kết quả giám định tổng thiệt hại rừng trồng trên diện tích 4,5ha là hơn 96 triệu đồng, đối chiếu với quy định chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Với hành vi Ban Quản lý tự ý cho phép 5 nhân viên bảo vệ rừng Trạm Vĩnh Sơn trồng xen cây keo lai trên diện tích rừng trồng phòng hộ từ năm 2017 (kết thúc hành vi vi phạm), hiện nay đã hết thời hiệu nên không đủ căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.