Kỷ niệm 25 năm Việt-Mỹ cùng tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA)

VOV.VN - Quá trình hợp tác nhân đạo này giữa 2 nước đã đem lại nhiều thành công tốt đẹp, góp phần đưa 2 dân tộc gần nhau hơn.

Tối 25/9, tại Hà Nội đã diễn ra lễ kỷ niệm 1/4 thế kỷ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam (1988-2013). Lễ kỷ niệm do Cơ quan Việt Nam tìm kiếm Người mất tích và Bộ Tư lệnh Tìm kiếm Hỗn hợp Tù binh và Người mất tích (POW/MIA) (JPAC) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ phối hợp tổ chức.

Tới dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear, và Tướng Kelly McKeague, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Tìm kiếm Hỗn hợp POW/MIA (JPAC) của Mỹ, cùng các đại diện của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Đại sứ Mỹ David Shear phát biểu tại buổi lễ


Vào tháng 9/1988, trước cả khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu hợp tác triển khai tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Các hoạt động khi ấy diễn ra ở vùng núi và đồng bằng Bắc Bộ.

Hoạt động nhân đạo này đã góp phần xoa dịu nỗi đau thương mất mát của các gia đình Mỹ có người Mỹ mất tích hoặc chết tại Việt Nam, gác lại quá khứ và tăng cường tình hữu nghị giữa 2 dân tộc.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Mỹ Shear cho biết trong 25 năm qua, phía Mỹ và Việt Nam đã hoàn thành hơn 100 đợt hoạt động chung. Ngài Đại sứ Shear nói, ngay đầu tháng 9/2013 này, các đội quy tập của 2 bên đã hoàn thành đợt hoạt động hỗn hợp thứ 112, với sự tham gia của hàng chục chuyên viên Mỹ và Việt Nam cùng các chuyên gia về điều tra và quy tập.


Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc cho biết, hai bên đã điều tra 4.241 lượt vụ (gồm 42 lượt vụ ngoài biển), khai quật hỗn hợp 685 lượt vụ (gồm 8 vụ ngoài biển), 53 đợt điều tra đơn phương (với 818 lượt vụ), 6 đợt khai quật đơn phương với 8 vụ tại các khu vực hạn chế, 61 đợt hợp tác điều tra 3 bên với Lào, Campuchia, sưu tầm hoặc nghiên cứu 27.035 thông tin liên quan đến MIA…

Vẫn theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, đã có 945 bộ hài cốt được trao trả cho phía Hoa Kỳ và phía Hoa Kỳ đã được giúp đỡ nhận dạng 700 trường hợp.

Đại sứ Hoa Kỳ bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự hợp tác hiệu quả trong 25 năm qua liên quan hợp tác nhân đạo MIA và nhấn mạnh: “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục được hợp tác với Việt Nam để có thể kiểm kê ở mức đầy đủ nhất có thể đối với những người Mỹ vẫn chưa được trở về gia đình họ”.

Còn Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định: “Việt Nam đã thể hiện thiện chí, chủ động đề xuất và phối hợp với phía Hoa Kỳ trong nghiên cứu đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả hợp tác tìm kiếm” trong lĩnh vực hết sức nhạy cảm song cũng đầy nhân văn này.

Công việc tìm kiếm, cất bốc là một công việc vừa vất vả vừa nguy hiểm. Trong phần phát biểu của mình, cả Tướng McKeague và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc đều đề cập đến sự kiện buồn thảm vào ngày 7/4/2001, khi xảy ra 1 tai nạn máy bay trực thăng thảm khốc tại Quảng Bình làm 9 người Việt và 7 người Mỹ thiệt mạng trong lúc họ tiến hành công tác tiền trạm hỗn hợp tại đây.

Chỉ huy trưởng JPAC McKeague khẳng định JPAC đã không thể thành công nếu thiếu sự giúp đỡ của Chính phủ, các chuyên viên và người dân Việt Nam


Chỉ huy trưởng JPAC McKeague đã liên tục dành lời cảm ơn cho Chính phủ Việt Nam, Văn phòng Việt Nam tìm kiếm người mất tích, các chuyên viên Việt Nam, các cựu chiến binh Việt Nam và nhân dân Việt Nam trong 2 thập kỷ rưỡi qua đã giúp đỡ JPAC ở mức độ cao nhất có thể. Ông Keague khẳng định JPAC đã không thể thành công nếu thiếu sự giúp đỡ đó. Ông cũng đánh giá cao sự xuất sắc của các đội quy tập Việt Nam.

Tướng Keague cũng không quên ghi nhận phía Việt Nam có tới 300.000 quân nhân đã hy sinh và hài cốt của họ vẫn chưa được tìm thấy. Ông này cam kết sẽ nỗ lực cung cấp thông tin từ kho lưu trữ của Mỹ để giúp phía Việt Nam tìm các liệt sĩ.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc có nêu về thực tế là tại Việt Nam vẫn còn hàng trăm ngàn tấn bom mìn chưa được tháo gỡ, nhiều điểm nóng chất độc dioxin, và hàng vạn người dân là nạn nhân của chiến tranh – tất cả đòi hỏi sự nỗ lực chung của hai nước.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đề nghị phía Hoa Kỳ tăng cường trợ giúp Việt Nam  trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, đặc biệt liên quan đến tẩy độc da cam, rà phá bom mìn, tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh, đồng thời hoan nghênh, đánh giá cao sự hỗ trợ của phía Hoa Kỳ đối với Việt Nam thời gian qua về khía cạnh này.

Trong thư gửi tới Lễ kỷ niệm, bà Ann Mills Griffiths, Chủ tịch Liên đoàn Quốc gia các gia đình POW/MIA Hoa Kỳ tại Đông Nam Á, bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc về sự hợp tác của chính phủ và nhân dân Việt Nam suốt 25 năm qua trong lĩnh vực hợp tác nhân đạo này. Bà đánh giá cao những thành tựu đã đạt được và khẳng định sự hợp tác song phương trong lĩnh vực này đã chứng minh cụ thể cho những gì mà các quốc gia, thậm chí là cựu thù, có thể đạt được khi cùng nỗ lực trên tinh thần hợp tác xây dựng, nhân đạo, và thiện chí./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nỗ lực tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh
Nỗ lực tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh

Thứ trưởng Phạm Bình Minh cũng lưu ý phía Hoa Kỳ cần quan tâm đáp ứng thích đáng các yêu cầu của Việt Nam nhất là các vấn đề nhân đạo, khắc phục các hậu quả chiến tranh, nạn nhân chất độc màu da cam.

Nỗ lực tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh

Nỗ lực tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh

Thứ trưởng Phạm Bình Minh cũng lưu ý phía Hoa Kỳ cần quan tâm đáp ứng thích đáng các yêu cầu của Việt Nam nhất là các vấn đề nhân đạo, khắc phục các hậu quả chiến tranh, nạn nhân chất độc màu da cam.

Thúc đẩy tìm kiếm người Mỹ mất tích tại Việt Nam
Thúc đẩy tìm kiếm người Mỹ mất tích tại Việt Nam

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng và các địa phương của Việt Nam luôn thể hiện thiện chí nhân đạo và hợp tác trong việc thực hiện hoạt động này.  

Thúc đẩy tìm kiếm người Mỹ mất tích tại Việt Nam

Thúc đẩy tìm kiếm người Mỹ mất tích tại Việt Nam

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng và các địa phương của Việt Nam luôn thể hiện thiện chí nhân đạo và hợp tác trong việc thực hiện hoạt động này.