Ký túc xá Khoa Y ĐH Tây Nguyên xuống cấp- sự lãng phí nghiêm trọng!
VOV.VN - Ký túc xá nhưng lại chủ yếu dành cho gia đình cán bộ ở và đã nhanh chóng bị xuống cấp
Được đầu tư hơn 35 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhưng do chọn địa điểm xây dựng không phù hợp nên hiện nay Ký túc xá Khoa Y - Trường Đại học Tây Nguyên chủ yếu cho gia đình cán bộ thuê để ở. Đáng chú ý hơn, công trình hàng chục tỷ đồng này xây dựng một cách chắp vá, mới đưa vào sử dụng 3 năm đã nhanh chóng xuống cấp, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Ký túc xá Khoa Y - Trường Đại học Tây Nguyên được xây dựng trong khu dân cư, thuộc tổ 12, phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc. Công trình khá đồ sộ, với 2 dãy nhà 5 tầng, 120 phòng, nhằm đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1000 sinh viên. Tuy nhiên, do xây dựng ở xa trường, không có các công trình phụ trợ, không thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt và học tập, giải trí; giá thuê phòng lại cao, trong khi chất lượng dịch vụ thấp nên rất ít sinh viên đến ở; hoặc ở một thời gian ngắn rồi bỏ đi.
Sinh viên Hà Minh Tài học năm thứ 3, khoa Y, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: “Em từng ở ký túc xá 2 tháng năm nhất, nhưng vì xa trường, không có phương tiện đi lại, giá thuê phòng cũng cao hơn bên ngoài, nên phải chuyển lên thuê trọ gần trường”.
Ông Nguyễn Văn Cương – Giám đốc Trung tâm Phục vụ Học sinh – sinh viên, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, mặc dù đã gửi thông báo đến toàn thể học sinh – sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, nhưng số người đến thuê phòng ở ký túc xá Khoa Y rất ít ỏi. Nguyên nhân là do công trình này không đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu của sinh viên; không có phòng sinh hoạt chung để hội họp, học tập; không có các dịch vụ thiết yếu như căng-tin, nhà để xe, khu vui chơi giải trí…
“Ký túc xá Khoa y xây ở vị trí rất xa trường, phương tiện đi lại không có, không có dịch vụ gì ở đó cả; chủ yếu là cho các gia đình cán bộ thuê, điều đó rất là bất hợp lý. Ban đầu họ xây xong phần thô, giao cho chúng tôi thì không cho người vào ở được, chỉ có làm công tác bảo vệ trong thời gian rất dài. Sau này có thêm công trình điện, nước mới cho vào ở được” - ông cho biết thêm.
Theo Ban quản lý Dự án xây dựng - Trường Đại học Tây Nguyên, sự bất hợp lý của công trình Ký túc xá Khoa Y đã bộc lộ ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng. Năm 2009, với tư cách là chủ đầu tư, lãnh đạo trường Đại học Tây Nguyên tham gia họp cùng với Sở Xây dựng và đại diện UBND tỉnh Đắc Lắc để triển khai dự án ký túc xá. Có nhiều ý kiến đề xuất vị trí xây dựng Ký túc xá Khoa y trong khuôn viên Trường Đại học Tây Nguyên, vừa đáp ứng các nhu cầu học tập, sinh hoạt và đi lại cho sinh viên, vừa thuận lợi trong công tác quản lý, nhưng không được chấp thuận.
Ký túc xá chủ yếu dành cho gia đình cán bộ ở và nhanh chóng xuống cấp
Theo thiết kế, công trình này nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 1.000 sinh viên, nhưng hiện nay chủ yếu phục vụ cán bộ đang công tác ở thành phố Buôn Ma Thuột. Trong số 265 người đang ở tại đây, chỉ có 112 trường hợp là sinh viên, còn lại là cán bộ của Trường Đại học Tây Nguyên và một số đơn vị khác.
Phần lớn cán bộ thuê phòng ở đây mang theo cả gia đình vào chung sống, và đã tự ý chuyển đổi công năng của phòng ở, biến ban công thành nhà bếp, dùng bạt nhựa và tôn để che chắn, kéo thêm các hệ thống cáp, khiến khu ký túc xá càng thêm nhếch nhác. Trong khi đó, rất nhiều giường tầng, tủ sắt được mua sắm nhằm phục vụ cho sinh viên không được sử dụng, chất ngổn ngang ngoài hành lang và dưới gầm cầu thang, đã bắt đầu rỉ sét.
Giường tầng được mua sắm không sử dụng, chất ngổn ngang dướigầm cầu thang.
Ông Nguyễn Văn Lan – Cán bộ quản lý ở đây cho biết: “Tình trạng hiện nay là nhiều gian bếp bị bong gạch men, hành lang cũng vỡ gạch men, nước thấm từ tầng trên xuống tầng dưới. Nhà 1 có 60 phòng thì đã có trên 20 phòng xuống cấp, còn Nhà 2 thì trần nhà tắm nhiều nơi bị sập. Số phòng bị thấm nhiều quá, nhất là phòng vệ sinh, khi đi phải cầm ô, vì nước giọt xuống như mưa. Người thuê phòng cũng kêu ca nhiều lắm vì cơ sở hạ tầng xuống cấp”.
“Phòng em khi nào nước cũng bị giọt nước, phải dùng xô để hứng, mỗi ngày hứng được vài xô đầy. Tường nhà thì mốc meo khắp nơi, cũng do nước thấm. Trần nhà tắm đã bị sập, nhà vệ sinh và khu bếp đều bị giọt nước từ trên xuống nên rất bất tiện” - Em Đặng Hồng Tín nói.
Ông Nguyễn Tấn Vui - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, khi triển khai dự án, mặc dù có tham gia ý kiến, đề xuất xây dựng ký túc xá trong khuôn viên nhà trường, nhưng không được chấp thuận. Đến khi tiếp nhận công trình, thì nhà trường phải giải quyết hậu quả.
Năm 2012, mặc dù đã được nghiệm thu, bàn giao, nhưng chưa thể đưa ký túc xá vào hoạt động, vì không có điện, không nước sinh hoạt, không có hệ thống xử lý chất thải và không có nhà xe. Cử tri địa phương cũng đã nhiều lần phản ánh lên Hội đồng Nhân dân các cấp ở tỉnh Đắc Lắc về tình trạng ô nhiễm môi trường và sự lãng phí của công trình Ký túc xá Khoa Y.
Do vậy, Trường Đại học Tây Nguyên phải ứng ngân sách để tiếp tục đầu tư, xử lý tình thế. Đến nay, trường vẫn nợ các đơn vị thi công hơn 3 tỷ đồng vì những khoản phát sinh, chưa biết bao giờ trả được.
“Việc đầu tư xây dựng ban đầu thì chúng tôi cũng có họp và đề xuất là nên làm ở trong khuôn viên nhà trường, vì trong này còn đất, tập hợp ký túc xá, còn ở ngoài đó thì xa, nhưng tỉnh không đồng ý, tỉnh yêu cầu làm ngoài đấy. Khi xây dựng xong, nghiệm thu nhưng không đưa vào sử dụng được. Bởi vì một số hạng mục công trình không hoàn thiện; không có điện, không có nước, không có chỗ xử lý chất thải. Vì vậy, khi tôi lên làm hiệu trưởng, buộc phải sử dụng ngân sách của trường để đầu tư vào. Vì vậy bây giờ trường còn nợ bên đơn vị thi công hơn 3 tỷ không trả được” – ông Vui cho biết thêm.
Một công trình phục vụ gần 1.000 người ở, ngay trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (đô thị loại I thuộc tỉnh Đắc Lắc), nhưng không điện, nước, không có hệ thống xử lý chất thải, không có nhà để xe… mà vẫn được nghiệm thu, bàn giao cho đơn vị sử dụng. Hơn 35 tỷ đồng từ nguồn Trái phiếu Chính phủ đầu tư cho học sinh – sinh viên, đối tượng khó khăn về nhà ở, nhưng hiện nay chủ yếu phục vụ các gia đình cán bộ ở thành phố Buôn Ma Thuột. Tuy mới sử dụng chưa đến 1/3 công suất so với thiết kế, và chỉ mới hoạt động vài năm, công trình đã nhanh chóng xuống cấp nghiêm trọng. Sự lãng phí này trách nhiệm thuộc về ai?