Ký ức những nhà giáo vượt Trường Sơn đem con chữ đến với miền Nam
VOV.VN - Buổi Họp mặt truyền thống Nhà giáo đi B, nhà giáo nội đô nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam được TP.HCM tổ chức sáng 11/11. Đây là những thầy cô giáo rời bục giảng từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào chiến trường từ miền Trung đến miền Nam, trở thành những “nhà giáo cầm súng" hơn 60 năm trước.
Đi vì miền Nam ruột thịt
Từ năm 1960, đối tượng đi B ban đầu là lực lượng vũ trang, sau này mở rộng ra từ kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí…. đều được huy động vào Nam chiến đấu và công tác. Việc đi B hoàn toàn bí mật và các lực lượng phải gửi lại tư trang, hồ sơ, kỷ vật cùng toàn bộ sơ yếu lý lịch.
Trong giai đoạn từ năm 1961-1973, đã có 10 chuyến đi B với hơn 2.700 thầy cô giáo rời bục giảng ở các tỉnh, thành phố miền Bắc, rồi vượt Trường Sơn vào miền Nam, được phân công về các chiến trường trọng yếu, từ miền Trung - Tây Nguyên đến Đông - Tây Nam Bộ và đã trở thành những “nhà giáo cầm súng”.
Còn “Nhà giáo nội đô” không phải là người cầm súng chiến đấu mà là những thầy giáo, cô giáo hoạt động âm thầm trong các đô thị miền Nam.
Phần lớn phong trào đấu tranh của nhân dân, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đều có sự tham gia tích cực của các nhà giáo nội đô.
Nhà giáo Trịnh Hồng Sơn (90 tuổi) nhớ lại, ông đi B năm 1964 và đây cũng là năm có đoàn đi B đông nhất. Đoàn của ông cũng vinh dự được cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và vợ đến thăm, động viên. Khi đó, đoàn của ông đi hơn 2 tháng mới đến Sài Gòn.
Ban đầu, mọi người dự kiến vào tiếp quản trường Đại học, nhưng do tính chất của cuộc chiến mà nhiều người được điều chuyển công tác ở nhiều ngành. Một số người ở lại ngành giáo dục để viết sách giáo khoa cho vùng giải phóng.
Ông Sơn còn nhớ, khi đó phải di chuyển hoàn toàn bằng đường bộ, thời gian đi - đến cũng khác nhau. Đoàn thì mất chưa đầy 3 tháng, đoàn thì đi hơn 3 tháng là tới nơi. Có đoàn do trên đường đi phải tránh các trận càn của địch thì kéo dài cả năm mới đến nơi. Không ít đoàn đã có người hy sinh trên đường đi.
"Chúng tôi đi vượt qua mọi khó khăn gian khổ, mọi nguy hiểm rình rập, để vượt Trường Sơn, vào sớm với chiến trường để cùng với đồng bào miền Nam chống Mỹ cứu nước và giải phóng miền Nam", ông Sơn nói.
Còn bà Lê Thị Yến Thu, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM cho biết, bà là lứa học sinh miền Nam trên đất Bắc, nên khi tốt nghiệp đại học, bà lập tức viết đơn trở về chiến trường miền Nam. Lúc về chiến trường, bà Thu tham gia dạy bổ túc văn hoá ở ở chiến khu D cho cơ quan, mặt trận, thanh niên, phụ nữ, cộng đồng. Bà làm 2 nhiệm vụ cùng lúc là dạy học và giặc vô thì “đánh" để bảo vệ cơ quan, bảo vệ mọi người.
Khi ấy, bà thấy mình may mắn hơn những anh chị miền Bắc khác cùng vào Nam, vì ít nhất bà có mẹ, có em ở miền Nam chờ bà trở về.
Bà Thu không bao giờ quên, trên đường đi bộ từ Bắc vào Nam năm đó, là những cô cậu “dại khờ” mới chỉ tốt nghiệp nên được bộ đội chỉ cho từ việc nấu ăn làm sao để dập khói nhanh đến giấu đàn pin khi có máy bay bay qua. Có lúc trên đầu là máy bay địch, bên dưới tiếng gà kêu, chỉ sợ địch phát hiện.
Bà Thu kể, có những nơi dừng chân, cả khu chỉ có một hố nước đen ngòm, thậm chí còn vớt con nòng nọc ra để dùng nước đó nấu ăn.
"Lúc đó quyết tâm vì miền Nam, vì nhớ lời Bác dạy, chúng tôi không sợ gian khổ, hy sinh, cứ thế đi và tham gia vào chiến dịch Mậu Thân 1968, rồi vô ở nội đô xây dựng cơ sở ở trong này đến giải phóng sau này làm giáo dục", bà Thu cho biết.
Ghi nhớ và biết ơn
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM cho biết, những câu chuyện và hồi ức, kỷ vật của các thầy cô còn đến hôm nay là những bài học sống động về lòng yêu nước, ý chí kiên cường và sự hy sinh cao cả, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ nối tiếp.
Cuộc Họp mặt truyền thống các nhà giáo đi B và nhà giáo nội đô hôm nay càng có ý nghĩa hơn khi chỉ còn hơn 5 tháng nữa là kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong gần nữa thế kỷ qua, đất nước nói chung, TP.HCM nói riêng đã trải qua nhiều biến đổi to lớn, nhân dân đã được hưởng nhiều thành quả tốt đẹp mà độc lập tự do mang lại. Để có những điều đó, những đóng góp công sức, máu xương của thế hệ đi trước không bao giờ bị quên lãng.
"Chúng tôi, thế hệ sau, luôn biết ơn và trân trọng những gì các thầy cô đã làm cho đất nước. Những bài học quý giá về ý chí, nghị lực, sự tận tụy và lòng nhiệt huyết của các thầy cô đã và đang là động lực giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống và công tác. Chúng tôi luôn ghi nhớ và xin hứa sẽ làm hết mình để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung tay xây dựng TP.HCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình", ông Hải nói.