Ký ức Thành Cổ qua bức thư kỳ lạ của một liệt sỹ
Nhiều trái tim đã rung động trước bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, bởi nội dung thư toát lên tinh thần bất khuất của dân tộc và ẩn chứa những dự cảm kỳ lạ…
- Hiền Lương - Khát vọng thống nhất non sông
- Khai mạc đợt phim kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị
- Về Thành Cổ Quảng Trị giữa tháng Tư lịch sử
Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị hiện trưng bày nhiều lá thư của các chiến sĩ giải phóng viết trước lúc hy sinh. Từ những dòng tâm sự đầy tâm huyết ấy, thế hệ hôm nay cảm nhận được khí phách anh hùng của các anh và hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc. Trong số đó, bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, ở thôn Phú Ân, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã khiến biết bao trái tim phải rung động.
Rung động vì nội dung bức thư toát lên một tinh thần bất khuất, cùng những tình cảm thiêng liêng mà anh gửi gắm tới gia đình; đồng thời ẩn chứa những dự cảm kỳ lạ của người lính về sự hy sinh của mình và niềm tin vào ngày hòa bình, thống nhất đất nước.
Hành trình một bức thư
Ngay từ lúc bước chân lên ôtô từ Hà Nội về Thái Bình, chúng tôi đã khao khát được nghe gia đình liệt sỹ Lê Văn Huỳnh kể về buổi tiễn anh lên đường bảo vệ Tổ quốc, giữa lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta bước vào giai đoạn cam go nhất. Ra đi không ngày về, anh đã hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Anh Lê Văn Huỳnh vào chiến trường Quảng Trị khi đang là sinh viên năm thứ 4, khoa Cầu hầm, khóa 13, trường Đại học Xây dựng. Anh được phân công làm lính công binh, tham gia đưa bộ đội và hàng hóa qua sông Thạch Hãn - nơi bom đạn như mưa suốt 81 ngày đêm của mùa Hè đỏ lửa 1972. Nơi đó, cứ mỗi ngày một đại đội qua sông và hầu như ít người trở lại.
Ông Lê Quang Chẩm, anh trai của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh kể lại: Bước sang năm 1972, đế quốc Mỹ ngày càng điên cuồng bắn phá, chiến tranh diễn ra ác liệt. Giống như hàng ngàn học sinh, sinh viên thời ấy, anh Huỳnh tạm gác ước mơ học hành, hăng hái tham gia huấn luyện để chuẩn bị lên đường vào Nam chiến đấu. Trên đường hành quân, dừng chân ở đâu, Huỳnh đều tranh thủ viết thư về cho gia đình. Những lá thư được gửi về từ Quảng Trị- nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến song vẫn thấy toát lên tinh thần lạc quan của người lính.
Bàn thờ anh Huỳnh cùng những lá thư - kỷ vật thiêng liêng của gia đình |
“Sau khi vào đến Quảng Trị, chú ấy gửi cho tôi khoảng 3 - 4 lá thư. Có những bức thư chú kể công việc của mình. Vào ban đêm, là đơn vị công binh nên làm nhiệm vụ vượt sông, đưa hậu cần, đạn dược vào Thành, hỗ trợ cho đơn vị bảo vệ Thành và đưa liệt sĩ, thương binh ra. Chú Huỳnh có nói, dưới hầm của tỉnh trưởng Quảng Trị có nhiều xe đạp của Pháp đẹp lắm, giá mà mang về cho anh một chiếc thì rất thích. Cuộc chiến khốc liệt là như thế nhưng rất hài hước” – ông Chẩm kể lại.
Đặc biệt, trong những bức thư ấy, có một bức thư được viết vào tháng 11/1972, không phải là bức thư cuối cùng anh Huỳnh gửi về cho gia đình, nhưng đọc những dòng thư ấy, người ta không khỏi ngạc nhiên về những dự cảm kỳ lạ. Anh biết trước về sự ra đi của mình nhưng lại viết với một tâm thế bình tĩnh đến lạ lùng.
Trích thư: “Toàn gia đình kính thương! Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng hòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột”.
Thư được anh viết trước lúc hy sinh 3 tháng, khi sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tột cùng. Qua 40 năm, những dòng chữ đã hoen màu thời gian, chỉ có tâm tư trong lá thư viết vội, chưa kịp gửi của người lính là vẫn còn tươi mới: Trích thư: “Thư này tới tay mẹ, chắc mẹ buồn lắm. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song do đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi, hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”…
Trong tâm tư dành cho mẹ già, cho người vợ mới cưới, cho anh chị, cho cha mẹ vợ, cho đứa cháu đích tôn, cho làng xóm, quê hương, anh luôn nhắc đến hai chữ “Hoà bình”. Vậy là trong mưa bom, bão đạn, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết ở nơi chiến trường được mệnh danh là “cối xay thịt” ấy, người lính Lê Văn Huỳnh vẫn sắt son niềm tin mãnh liệt vào ngày đất nước toàn thắng.
Những dòng thư viết cho người vợ mới cưới, anh căn dặn “Sống trong hòa bình hãy nghĩ tới anh”. Trích thư: “Em thương yêu! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em khi xa anh. Song lá thư này đến tay em là nỗi buồn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời của em. Em ạ! Chúng ta sống với nhau chẳng được là bao thì chiến tranh đã cướp đi của em bao nhiêu tình yêu thương trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, song đối với em không những chẳng được cái diễm phúc ấy mà đã sớm phải xa rồi. Thật là vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau”...
Chị Xơ bên bàn thờ chồng |
Bức thư được anh Huỳnh gửi một đồng đội quê ở Thanh Hóa, từng có lần về nhà anh chơi lúc còn là sinh viên. Tuy nhiên, sau đó người bạn này cũng hy sinh. Bức thư vẫn nằm trong chiếc ba lô, đến tháng 3/1973, những kỷ vật này mới về tới tay người chị gái là Lê Thị Khâu do một đồng đội khác của anh Huỳnh chuyển tới. Nhưng vì thương mẹ già, thương em dâu còn quá trẻ không chịu đựng nổi sự mất mát quá lớn, chị Khâu đã giữ kín. Và đúng như lời anh viết trong thư “Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì với bao nỗi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em”… Không biết bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu buồn đau dồn nén, và bao nhiêu can đảm, chị Đặng Thị Xơ, vợ của anh mới đọc hết được bức thư này.
Chị Xơ ngậm ngùi: “Phải 2 năm sau sau tôi mới cầm lá thư này, vì chị gái của anh Huỳnh giấu. Cũng nhiều lần hỏi, đến hôm chị ấy dặn một người bạn là hôm nay đưa thư cho Xơ đọc. Tôi cầm lá thư, đúng là chỉ đọc được một dòng đầu, không thể đọc nổi nữa. Bao nhiêu lần mới đọc nổi bức thư này. Cứ đọc được mấy dòng xong lại ngồi khóc, cất đi vì không đọc nổi. Phải lâu lắm mới đọc được hết lá thư này”.
Trong bức thư, người lính trẻ đã dự cảm đúng ngày mình hy sinh, 2/1/1973, tròn 1 năm kỷ niệm ngày anh cưới chị Xơ. Vốn là người cẩn thận, trong thư, anh Lê Văn Huỳnh còn ghi rõ địa chỉ nơi mình và đồng đội được chôn cất khi hy sinh, nhờ vậy mà gia đình đã tìm được hài cốt của anh, đưa về quê hương năm 2002 như tâm nguyện của anh.
Cùng thời gian này, bức thư được gia đình tặng cho Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị. Từ đó, bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh được hướng dẫn viên Bảo tàng thường xuyên giới thiệu với khách tham quan. Bao nhiêu người nghe là bấy nhiêu người đã khóc. Mọi người khóc vì cảm động trước những tình cảm mà người lính dành cho gia đình, khâm phục tinh thần quả cảm, bất khuất của anh và kinh ngạc trước sự linh thiêng của linh hồn liệt sỹ.
6 ngày làm vợ, cả đời thủy chung
Đằng sau bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh là cả một câu chuyện cảm động về tình yêu vợ chồng và tình cảm của những người thân trong gia đình. Ba tháng sau khi anh Huỳnh hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972, mọi người đã khuyên chị Xơ “đi bước nữa” vì thương chị phải chịu cảnh “vợ góa” khi tuổi còn rất trẻ. Tuy nhiên, chị Xơ vẫn sắt son, ở vậy thờ chồng, dù được làm vợ vỏn vẹn chỉ 6 ngày và chưa kịp có con.
Chị Đặng Thị Xơ đang sống tại nhà mẹ đẻ (thôn Văn Hanh, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) trong một ngôi nhà tình nghĩa được Hội Liên hiệp Phụ nữ quân cảng Sài Gòn góp tiền xây tặng đầu những năm 2000. Trong ngôi nhà đó, một hình ảnh đối lập khiến ai bước vào cũng thấy xót xa. Nếu như liệt sỹ Lê Văn Huỳnh vẫn sống mãi tuổi thanh xuân với bức di ảnh trên bàn thờ chụp lúc anh 17 tuổi thì chị Xơ (vợ anh) nay đã 62 tuổi và mái tóc đã bạc tới nửa phần.
40 năm qua, nỗi buồn của một người vợ liệt sỹ không có được niềm hạnh phúc làm mẹ đã nhuốm lên dáng người hanh hao, khô gầy và đôi mắt buồn thăm thẳm của chị. Chị kể lại: “Lúc anh Huỳnh lên đường chiến đấu, anh có nói với tôi, nếu anh có trở về không lành lặn thì em đừng hắt hủi anh nhé. Tôi bảo rằng anh cứ yên tâm đi chiến đấu, em không phải là con người như thế. Chúng ta chưa sống với nhau được bao lâu nhưng em vẫn đối xử tốt với anh, anh cứ yên tâm”.
Mỗi lần nhớ chồng, chị Xơ lại đem bức thư ra đọc và không biết bao lần chị đã thức trắng đêm, khóc vì nhớ thương. Lá thư sau này được gia đình tặng cho Bảo tàng Thành Cổ, nhưng chị vẫn cất giữ cẩn thận bản photo, ép plastic và coi đó là một kỷ vật vô cùng thiêng liêng.
Trong bức thư đó, anh Huỳnh khuyên chị đi bước nữa, nhưng chị đã quyết định ở vậy thờ chồng với một lý do rất giản dị như chính con người chị- một phụ nữ nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.
Chị Xơ tâm niệm: “Anh Huỳnh hy sinh - đó là nỗi đau lớn, nhưng tôi vẫn tự hào về một người chồng đã hy sinh góp phần cho độc lập tự do của Tổ quốc. Vì vậy tôi tâm niệm sẽ sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của anh, để linh hồn anh được thanh thản”.
Bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh đã trở thành sức mạnh giúp chị vượt qua mất mát, đau thương và những khó khăn của cuộc sống đời thường, để vững vàng kiên trinh. 40 năm kể từ khi anh Huỳnh hy sinh, chị như một con thoi, cần mẫn với công việc dệt thảm, làm đồ mỹ nghệ tại Hợp tác xã Chạm bạc Phú Lợi…
Về Thái Bình, chúng tôi còn được nghe những câu chuyện cảm động khác trong gia đình chị Xơ. Thương chị sớm góa bụa khi tuổi còn rất trẻ, 3 tháng sau lễ truy điệu anh Huỳnh, gia đình bên nhà chồng đã chủ động khuyên chị chuyển về nhà ngoại, để chăm sóc cha mẹ đẻ và có điều kiện đi bước nữa. Chị Xơ nghe theo về sống với bố mẹ đẻ, nhưng chị vẫn sắt son, ở vậy thờ chồng, dù chỉ được làm vợ vỏn vẹn 6 ngày và chưa kịp có con với anh Huỳnh.
Bà Lê Thị Khâu, chị gái của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh cho biết: “Lúc bức thư của cậu Huỳnh về thì ai cũng thương xót, mẹ mất con, anh chị mất em và Xơ thì mất chồng. Thế nên tôi chi đọc cho mẹ tôi nghe thôi, còn Xơ thì mẹ tôi bảo là cho em ấy ra ngoài nhà ngoại để đi lấy chồng, chứ cứ ở đây thì không ai dám vào hỏi. Nói thật là cùng tâm trạng phụ nữ với nhau, tôi không dám cho Xơ đọc thư, vì sợ nó quyến luyến không dứt ra được nỗi đau thương”.
Người em trai của chị Xơ là Đặng Văn Hùng đã an cư tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc từ khi công tác tại trường dạy nghề số 11 Bộ Quốc phòng nhưng khi vừa nghỉ hưu, thương chị gái một thân một mình nên đã chuyển về quê để có điều kiện chăm lo cho chị lúc tuổi già.
Ông Đặng Văn Hùng tâm sự: “Lúc tôi nhập ngũ cho đến khi phục vụ lâu dài trong quân đội, mọi việc ở nhà đều do chị gái tôi đảm đương, giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ. Tôi đã có nhà ở nơi khác nhưng khi về hưu, tôi về đây xây nhà để chị em được sum vầy lúc tuổi già”
Bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh và sự thủy chung của chị Đặng Thị Xơ làm rung động trái tim bao người. Đã có rất nhiều du khách đến Quảng Trị được thấy lá thư úa vàng thời gian, đã về tận Thái Bình sẻ chia với chị Xơ và cùng rơi lệ vì tình cảm thiêng liêng của anh chị. Đó cũng là cách mà thế hệ hôm nay tri ân những chiến sĩ đã quên mình vì đất nước và cảm ơn những người mẹ, người vợ đã hy sinh thầm lặng làm nên những giá trị đạo lý trường tồn.
Bức thư sống mãi
Những người đọc bức thư của Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh tại Bảo tàng Thành Cổ đều không cầm được nước mắt, là vì họ bắt gặp sự chân thành xuất phát từ sâu thẳm trái tim người lính. Hơn thế nữa, những lời căn dặn người thân ở hậu phương “sống trong hoà bình hãy nhớ tới anh” cũng chính là lời nhắn nhủ thế hệ hôm nay, hãy sống xứng đáng với những gì cha anh đã dày công vun đắp và anh dũng hy sinh.
Khi về thăm Quảng Trị, được nghe dịch những lá thư trưng bày tại Bảo tàng Thành Cổ, những cựu chiến binh Mỹ đã thốt lên: “Đến bây giờ thì chúng tôi hiểu vì sao các bạn chiến thắng. Vì các bạn đã biết trước tất cả và sẵn sàng hi sinh tất cả!”. Biết trước hiểm nguy, biết trước cái chết nhưng những người lính vẫn dấn thân vào cuộc kháng chiến với tâm niệm “hy sinh cho Tổ quốc là sự hy sinh cao cả nhất”. Cuộc chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Thành Cổ Quảng Trị đã diễn ra như một huyền thoại về ý chí quật cường của cả dân tộc.
Chị Xơ ngày ngày cần mẫn bên khung dệt |
Thành cổ Quảng Trị hôm nay đã trở thành di tích lịch sử Quốc gia, nơi ghi dấu một thời máu lửa của dân tộc. Vùng đất của đạn bom khốc liệt năm xưa giờ đã xanh màu sự sống. Trong giây phút thanh bình này, mỗi chúng ta sẽ không thể nào quên dòng thư cùng lời nhắn nhủ: “Khi sống trong hoà bình hãy nhớ tới anh” của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh để lại. Dẫu biết rằng đó là lời nhắn nhủ rất riêng tư anh dành cho người thân, song giữa những dòng chữ ấy là tiếng lòng của cả thế hệ thanh niên ngày đó.
Ông Lê Văn Cường, bạn chiến đấu với Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh xúc động: “Đọc thư, tôi cảm thấy không chỉ anh Huỳnh viết cho gia đình mà viết cho cả một thế hệ. Nó là bút tích của một thời mang tính lịch sử. Thế nên những bức thư thời ấy, hay nhưng bức ảnh nó có một giá trị lịch sử rất sâu sắc”.
Những ngày tháng Tư lịch sử này, ông Cường cùng đồng đội đang thực hiện cuộc hành trình trở lại chiến trường xưa, thắp hương tại nghĩa trang Thành Cổ, thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn để tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh trên mảnh đất này. Như ông tâm niệm, ký ức Thành Cổ là một phần không thể phai mờ. Soi vào ký ức để trân trọng hơn niềm hạnh phúc được sống trong hoà bình ngày hôm nay, mà ông cùng đồng đội đã không tiếc máu xương gìn giữ.
Còn với chị Đặng Thị Xơ, vợ của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, anh vẫn sống mãi bên chị, sống mãi cùng mùa xuân toàn thắng của dân tộc. “Anh Huỳnh có viết thư dặn là sau này hoà bình thì hãy nhớ tới anh. Mình được hưởng hạnh phúc, hoà bình như bây giờ là có một phần của chồng mình đã cống hiến cho Tổ quốc...”, chị Xơ tự hào nói.
Bức thư- kỷ vật cuối cùng của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh đang được lưu giữ tại Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị, như một minh chứng cho sức sống, ý chí kiên cường, bất khuất và lý tưởng “Sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau” của lớp lớp thanh niên thời bấy giờ.
Đây là tâm sự của ông Lê Quang Chẩm, anh trai của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh: “Tôi rất tự hào là đã tự tay giao bức thư này cho Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị. Tôi cũng nghĩ, nếu gia đình giữ bức thư thì chỉ đời tôi và đời con cháu tôi là cùng, biết tới. Còn để ở Bảo tàng thì bức thư trở thành bất tử - có ý nghĩa giáo dục lớp thanh niên sau này về truyền thống hào hùng của dân tộc”.
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/Vỗ ru bờ bãi mãi mãi ngàn năm”… Bây giờ, bên dòng sông Thạch Hãn, quá khứ và cả hiện tại vẫn mãi kể lại những câu chuyện của ngày hôm qua, câu chuyện về những trái tim tuổi trẻ, sẵn sàng dấn thân, hy sinh trọn đời cho Tổ quốc, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ quên về quá khứ hào hùng của một dân tộc anh hùng./.