Ký ức về Nam Bộ kháng chiến

Tinh thần quật khởi của Nam Bộ kháng chiến vẫn luôn là điểm tựa của các thế hệ hôm nay và mai sau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc

Nghe ca khúc Nam Bộ kháng chiến
Tác giả: Tạ Thanh Sơn

Cách đây 66 năm, ngày 23/9/1945, chỉ 21 ngày sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực dân Pháp lại xâm chiếm nước ta. Chúng nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Nhân dân Nam Bộ chưa kịp hưởng niềm vui thanh bình lại tiếp tục đứng lên cứu nước theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch.

Mãi đến hôm nay, ký ức về những tháng ngày lịch sử hào hùng ấy vẫn luôn khắc ghi trong tâm khảm của những người từng được sống trong không khí sục sôi ngày đầu Nam Bộ kháng chiến.

Những ngày nổ ra cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, ông Trương Thành Hỷ (tự Hai Hỷ) ở ấp Nam Tiến, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn chỉ mới 21 tuổi. Người thanh niên của quê hương 18 thôn vườn trầu cũng là một trong những người hăng hái tham gia khởi nghĩa trong những ngày tháng 9 hào hùng cách đây 66 năm.

“Ngày 23/9/1945, theo kế hoạch của Xứ uỷ Nam Kỳ bắt đầu cuộc kháng chiến tại miền Nam. Trong những ngày đó, thanh niên với gậy gộc (lúc đó không có súng), đã bao vây giặc Pháp trong thành phố hơn 3 tháng liền”, ông Hai Hỷ nhớ lại.

66 năm trôi qua, thế hệ của những người trực tiếp tham gia những ngày Nam Bộ kháng chiến bây giờ đã ngày càng ít đi. Ông Nguyễn Trọng Xuất (còn gọi là Sáu Nhân), Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến TP HCM vẫn nhớ như in lời dặn của thầy giáo mình: “Nếu các con có lòng yêu nước thì cơ hội giúp nước không thiếu”. Đó là câu mà ông luôn nhớ mãi trong suốt cuộc đời tham gia kháng chiến và theo ông, đó cũng là lờ nhắn nhủ cho thế hệ trẻ hôm nay.

Gợi chuyện về những ngày Nam Bộ kháng chiến, ông Huỳnh Văn Cang (tức Tư Cang), năm nay 83 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh Xã hội TP HCM hồ hởi hẳn lên. Ông nhớ lại: Khi Pháp gây hấn, nổ súng cướp chính quyền đã về tay nhân dân thì sự căm phẫn của quần chúng nhân dân càng lên cao. Nhờ đó, chúng ta tập hợp lực lượng ngày càng mạnh để chuẩn bị chiến đấu, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Nhân dân với khẩu hiệu “Không hợp tác với giặc”, thành lập các mặt trận các phía Đông - Tây - Nam - Bắc.

Quê hương ông Tư Cang ở xã Phú Hòa Đông (Củ Chi). Năm ấy, khi giặc tràn tới, đông đảo các tầng lớp nhân dân theo lời kêu gọi kháng chiến đã tập hợp trong những tổ chức cứu quốc, vùng lên theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đi theo Đảng chống lại thực dân Pháp xâm lược. Bản thân ông Tư Cang cũng tham gia Thanh niên cứu quốc và Đội tuyên truyền xung phong đi tuyên truyền tập hợp quần chúng theo Cách mạng.

“Nam bộ kháng chiến có thể nói là một chiến công hết sức đặc biệt trong việc giành chính quyền của Cách mạng tháng Tám và mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc ở Nam Bộ. Chúng tôi luôn tự nhủ, mình là những ngươi kháng chiến phải giữ gìn truyền thống oai hùng của dân tộc. Mong các thế hệ tiếp bước và xây dựng đất nước ta trong giai đoạn mới tiến lên, đáp lại lòng mong mỏi của Bác Hồ”, ông Tư Cang nói.

Với ý chí sắt đá vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, Nam Bộ thành đồng đã đi đầu trong sự nghiệp kháng chiến, ngăn chặn một bước sự xâm lược của thực dân Pháp; đánh đòn đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của giặc Pháp ở miền Nam, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, giành độc lập dân tộc.

66 năm đã trôi qua, tinh thần quật khởi của Nam Bộ kháng chiến vẫn luôn là điểm tựa của các thế hệ hôm nay và mai sau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên