Ký ức về những ngày độc lập đầu tiên

“Mỗi bức ảnh lưu giữ mãi mãi những ký ức dù sự kiện đã trôi qua và người trong cuộc cũng không còn nữa. Nó thể hiện không khí, tinh thần, diễn biến lịch sử quan trọng của dân tộc…”

Nhà sử học Dương Trung Quốc đã phát biểu như vậy trong buổi khai mạc triển lãm “Ký ức về những ngày độc lập đầu tiên” do UBND TP. Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức từ ngày 21 - 25/9 tại Hà Nội.

Triển lãm gồm 203 bức ảnh là những hình ảnh về các sự kiện chính trị diễn ra tại Hà Nội và một số địa phương miền Bắc trong thời gian từ 17/8/1945 đến 18/6/1946.

Tác giả những bức ảnh lịch sử này là những nhiếp ảnh gia cách mạng đầu tiên của Bộ Tuyên truyền, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuốn album được đánh giá là sản phẩm đầu tiên của ngành truyền thông Việt Nam.

Cuốn album vốn là tặng phẩm dành cho một người Pháp làm việc tại Hà Nội lúc bấy giờ tên là Sellon. Nhiều năm sau, cuốn album được Sellon trao tặng cho nhà báo, nhà sử học Pháp Philippe Devilers - người đã từng có mặt tại Hà Nội vào thời gian chụp những bức ảnh này.

Sau 65 năm ngủ yên trong kho tư liệu, mới đây cuốn album được Philippe Devilers trao tặng lại cho GS. Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam).

7h ngày 11/11/1946, trước Uỷ ban Hành chính TP. Nam Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đồng bào về những nhiệm vụ kháng chiến, cứu đói. Sau đó, Người đến thăm và chia quà cho trẻ em mồ côi. Sau ngày Tết Trung thu độc lập đầu tiên, Bác viết thư cho các thiếu nhi Việt Nam: Hôm nay các em vui chơi, vui chơi một cách có đoàn kết, có tổ chức như thế là tốt lắm. Hôm nay Tết Trung Thu là của các em, mà cũng là cuộc biểu tình của các em để tỏ lòng yêu nước và ủng hộ nền độc lập.

Có tới 70% trong số các bức ảnh ở triển lãm hoàn toàn chưa được công bố, với những ghi chú sơ lược nhưng chính xác từng sự kiện. Đặc biệt, gần 40 tấm ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ sưu tập này hiện nay đều không còn ở trong nước.

Công chúng xem triển lãm có thể thấy những hình ảnh chưa từng được thấy về thời kỳ đầu độc lập của Thủ đô và miền Bắc, như: Tết Trung thu độc lập đầu tiên ngày 20/9/1945; Bác Hồ dự lễ khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ngày 26/5/1946; duyệt quân du kích ở các chiến khu về Hà Nội ngày 30/8/1945; ảnh các tầng lớp nhân dân tập trung trước Bắc Bộ phủ để chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/5/1946…

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng ban liên lạc Đội Quyết tử của thành Hà Nội, tuổi đã 90, rưng rưng bày tỏ: “Chúng tôi vô cùng xúc động khi lần đầu tiên được xem bức ảnh về các buổi mít tinh, biểu tình tại Nhà hát Lớn hay Nhà đấu xảo Hà Nội... Trong đó, có hình ảnh của mình, những đồng đội người còn, người đã đi xa. Triển lãm giúp cho bạn bè thế giới thấy rõ hơn chân dung con người Việt Nam chân chính, tinh thần bất khuất, anh hùng. Những bức ảnh là những tư liệu lịch sử vô cùng quý giá để các thế hệ sau này có thể cảm nhận, hiểu rõ hơn nữa về lịch sử dân tộc”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên