Làm đường sắt đô thị trên làn BRT: Đồng phục che áo lỗi?
VOV.VN - Những tín hiệu về khả năng thất bại nếu làm đường sắt đô thị trên làn BRT hiện nay đã được chỉ rõ. Vậy có cần thiết và lãng phí không khi chúng ta tiếp tục nghiên cứu để triển khai vấn đề này.
Hoặc các lý do, cơ sở để lựa chọn đường sắt đô thị thay thế xe buýt nhanh cần được rõ ràng hơn; chứ không thể dùng đường sắt đô thị như một công cụ làm “Đồng phục che áo lỗi”.
BRT của Hà Nội được đánh giá là hiệu quả - duy nhất từ góc nhìn của một số ít người đang trực tiếp sử dụng nó. Những người mà điểm đầu cuối hành trình gần như hoàn toàn nằm trên hành lang của buýt nhanh, hoặc nếu có phát sinh thêm chặng thì không đáng kể, không phải trung chuyển nhiều, không tốn kém. Sự tiếc nuối của họ trước khả năng “khai tử” buýt nhanh là điều dễ hiểu, như khép lại một sự tiện lợi tình cờ.
Nhưng với những ai trăn trở cho bài toán giao thông Thủ đô và có trách nhiệm với tính hiệu quả của từng đồng vốn, thì sự tiếc nuối không dừng lại ở đó, mà cũng không đơn thuần chỉ là sự tiếc nuối.
Quy hoạch một dự án khác thay thế khi dự án hiện hữu mới vận hành được 7 năm, trong đó bao gồm 2 năm đại dịch, là một điều lạ. Bởi không ai làm thế khi đã bỏ ra cả nghìn tỷ đồng đầu tư, đã tốn bao nhiêu công sức và tiền bạc để vận hành. Đặc biệt, không ai làm thế nếu nó đang thực sự hiệu quả so với mục tiêu đề ra.
Vẫn giữ nguyên quy hoạch khi mà trước đó, thông tin sơ bộ về quy hoạch đã vấp phải phản biện gay gắt của giới chuyên môn, nhưng lại không có một thuyết minh, luận giải, lại càng lạ hơn. Tất cả những gì người dân biết là Hà Nội đã quy hoạch và tuyến đường sắt đô thị mới sẽ hoạt động trên hành lang của buýt nhanh hiện tại, trong mạng lưới đường sắt của nó.
Theo quy hoạch đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị, trong đó 4 tuyến trọng điểm hoàn thành vào 2030 theo kế hoạch của Hà Nội, được coi là cần thiết. Nhưng với điều kiện, câu chuyện đã được xúc tiến và làm khẩn trương từ vài chục năm trước, khi đô thị chưa kịp quá tải trầm trọng phương tiện cá nhân như bây giờ. Với điều kiện, mỗi tuyến đường sắt không mất 10 năm như Cát Linh Hà Đông, hay 20 năm như dự kiến với Nhổn – Ga Hà Nội.
Người dân cũng chưa hình dung được, 10 năm, hay 20 năm sau, các tuyến đường sắt sẽ kết nối với nhau như thế nào, khi mỗi dự án một công nghệ, một khung tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau. Bằng chứng là chỉ sắp vận hành một đoạn đi nổi của tuyến đường sắt thứ hai, mà hai nhà ga của hai dự án có thể chẳng liên quan gì nhau, dù khoảng cách chỉ tính bằng bước chân.
Hiệu quả giải quyết ùn tắc giao thông không phải lý do thuyết phục để quy hoạch một tuyến đường sắt đô thị thay thế BRT 01. Tính kinh tế lại càng không. Bởi “đập đi” dự án nghìn tỷ để “xây mới” một dự án nhiều nghìn tỷ khác khi đã biết chắc nó vẫn chỉ là giải pháp “chữa cháy”, cách làm đó không khác gì ném tiền qua cửa sổ.
Năm 2021, Thanh tra Chính phủ từng kết luận: tuyến buýt nhanh BRT Hà Nội gây thất thoát, chưa đạt hiệu quả như mong đợi và kiến nghị Hà Nội thu hồi hơn 42 tỉ tiền sai phạm tại một gói thầu trong dự án này, nếu các đơn vị liên quan không thực hiện thì chuyển sang cơ quan điều tra xử lý. 3 năm trôi qua, chưa có thông tin nào về kết quả thu hồi tiền sai phạm, hay xử lý đến đâu. Con số 42 tỉ đồng mới chỉ là một phần rất nhỏ trong các dấu hỏi về kinh tế của dự án.
Cũng không ai biết, vận hành dự án này lời lãi ra sao, bởi các con số báo cáo đã nhiều năm không hề xuất hiện.
Những tác động “đổ dầu vào ùn tắc” của nó trên trục đường Vạn Phúc – Tố Hữu – Lê Văn Lương do cách vận hành nửa vời, vẫn chưa ai lên tiếng. Cũng không thấy tuyên bố nào về một hướng đi dứt khoát cho BRT được đưa ra từ những người có trách nhiệm.
Bởi vậy, khi Hà Nội công bố quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị trong đó có tuyến tàu điện đi trên hành lang buýt nhanh, ai cũng hiểu rằng, buýt nhanh sẽ bị “khai tử”. Nhưng không ai tìm ra được lý do cho phương án thay thế này.
Trừ khi, quy hoạch đường sắt trên hành lang của BRT 01 như một hình thức “mặc đồng phục” giao thông, để che đi tấm áo quá đắt đỏ bị may lỗi mà không thể nào “bắt đền” ông thợ.