Làm gì để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?
VOV.VN - Dịch Covid-19 kéo dài, trong thời gian này, phần lớn trẻ em phải học online, vấn đề an toàn mạng ngày càng được xã hội quan tâm hơn khi việc tham gia vào các hoạt động trên môi trường này đối với trẻ em là nhu cầu thiết yếu, vượt trên sự tương tác trực tiếp truyền thống.
Không thể phủ nhận những thuận lợi của việc học trực tuyến, bởi hình thức học này đem lại cho cả giáo viên và học sinh những kiến thức hữu ích, thiết kế bài giảng sinh động, hình ảnh minh họa thú vị, nguồn kiến thức bổ trợ phong phú, nâng cao hiệu quả tương tác giữa giáo viên và học sinh. Sau giờ học, các em có thể thư giãn, giải trí bằng việc chơi game, xem phim hay đọc báo… để bổ sung vốn kiến thức xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, thiết thực thì môi trường mạng ngày nay tiềm ẩn không ít cạm bẫy, rủi ro. Có thể nói, đây chính là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng xấu lợi dụng truyền bá những thông tin độc hại, có nội dung tiêu cực, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ em và có thể dẫn đến tình trạng trẻ em bị dụ dỗ và xâm hại.
Những nội dung truyền bá hấp dẫn có thể khiến các em thu mình vào thế giới ảo, sống xa rời thực tế. Bởi hiện nay, hầu hết các phụ huynh bận đi làm, không có nhiều thời gian quản lý, theo dõi con em mình học online ở nhà thế nào và tiếp cận kiến thức trên mạng xã hội ra sao. Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội với vô số những ứng dụng đầy “cám dỗ” là những nguy cơ được lường trước nhưng lại không dễ vượt qua.
Đáng nói, nhiều em chưa đủ nhận thức về những mối nguy hiểm gặp phải nên đôi khi gặp rồi mà không biết mình gặp và coi đó là chuyện bình thường, hoặc các em quá sợ hãi và ngại ngùng để chia sẻ với người khác, đặc biệt là vấn đề liên quan đến lừa đảo mạng, xâm hại tình dục mạng, bạo lực mạng. Đây là thực trạng khiến nhiều phụ huynh lo lắng và cảm thấy bất an khi mà thời lượng các con phải học online quá nhiều, thời gian tiếp cận internet theo đó cũng tăng lên.
Chị Bùi Phương Mai (Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội) có con đang học lớp 7 chia sẻ, gần 2 năm phải học online, con trai chị từ một cậu bé còn bỡ ngỡ với các thao tác máy tính, đến giờ đã biết rất nhiều nền tảng mạng xã hội. Đáng nói, một lần học xong, cậu quên không thoát trang cá nhân facebook, chị ngồi máy tính và đã vô tình đọc được rất nhiều đoạn chat trong nhóm bạn bè của cậu. Nhóm này chủ yếu là chat rủ nhau đi chơi, truyền cho nhau những thước phim có nội dung thô tục, rủ nhau thử hút thuốc lá điện tử, bình phẩm về hình thức của các bạn gái… Đọc xong, chị Mai tá hỏa giật mình, không nghĩ là con mình đã “lớn” và bị rủ rê, lôi kéo nhiều như vậy.
Lướt vào lịch sử truy cập mạng, chị thấy con rất hay vào các trang youtube có nội dung bạo lực, những trang mạng có hình ảnh và lời bình tục tĩu… Ngay sau đó, chị đã ngồi nói chuyện nghiêm túc với con, phân tích cho con thấy những tác hại tiềm ẩn của mạng xã hội, nếu không tỉnh táo thì sẽ dẫn đến bị “nghiện”, sa ngã và trở nên hư hỏng… Cũng từ khoảng thời gian này, chị đã giám sát chặt chẽ việc sử dụng các thiết bị điện tử của con hơn, chịu khó chuyện trò để con không sa đà vào việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều.
Cũng gặp phải tình cảnh tương tự, anh Trần Văn Mạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, thời gian học online của các con quá nhiều, trong khi bố mẹ thì vẫn phải đi làm, rất khó có thể kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng mạng xã hội của con. Một lần tình cờ anh cầm điện thoại mà con trai (học lớp 9) hay sử dụng để học trực tuyến, thấy rất nhiều tin nhắn chat gửi đến. Anh kick vào đọc và kéo lên các phần tin nhắn cũ thì thấy nhiều tin có nội dung rủ rê, lôi kéo con anh đi chơi, tham gia các hội nhóm hút thuốc lá điện tử, hút cỏ… Kèm theo đó là các youtube ngắn có nội dung không lành mạnh (trẻ dưới 18 tuổi không được phép xem).
“Tôi thật sự sốc khi đọc các tin nhắn rủ rê, lôi kéo con mình như vậy. Sau khi biết mọi việc, tôi đã bình tĩnh nói chuyện, phân tích những mặt trái của mạng xã hội cho con và định hướng cho con tìm kiếm những chủ đề lành mạnh, có ích và phù hợp với lứa tuổi của con. Đồng thời, dạy con những kiến thức để con biết cách tự bảo vệ mình trên môi trường mạng, không tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân, cẩn trọng với những thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, không gặp gỡ những người bạn chỉ quen biết qua mạng”, anh Mạnh bày tỏ.
Ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho hay, trong bối cảnh thông tin phát triển như hiện nay, nhất là trong thời điểm dịch bệnh, các con phải học online nhiều, các bậc cha mẹ hay người lớn phải sát sao với con trẻ và hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội, sử dụng internet hay thưởng thức các sản phẩm từ trò chơi, youtube cho phù hợp, đúng hướng.
Bởi trên mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều vấn đề mà chúng ta không thể lường hết được, trong đó tiềm ẩn nhiều nội dung không lành mạnh có thể gây tổn hại đến tâm lý cũng như sự phát triển trí tuệ của trẻ. Các em đều trong độ tuổi tò mò, muốn tìm tòi, khám phá những điều mới lạ, cộng với đó là sự thiếu hiểu biết về các vấn đề xã hội nên rất dễ sa đà vào các cạm bẫy, những lời rủ rê, mời gọi của những đối tượng xấu.
“Các bậc cha mẹ cần hướng dẫn con một cách tỉ mỉ về việc sử dụng mạng xã hội sao cho đúng cách, hợp lý và mang lại lợi ích cho việc học của trẻ. Khi trẻ lớn lên chút nữa thì phải giám sát chứ không chỉ hướng dẫn đơn thuần, thậm chí phải khóa các kênh có nội dung truyền bá độc hại như bạo lực, dâm ô…; Các bậc cha mẹ phải luôn luôn làm bạn của trẻ, lắng nghe trẻ nói, chuyện trò với trẻ và định hướng trẻ đi đúng hướng, tránh sa ngã vào cạm bẫy của các đối tượng xấu”, ông Nguyễn Trọng An bày tỏ.
Cũng theo ông An, xâm hại trẻ em trên không gian mạng là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, sự riêng tư của trẻ em. Cho nên, ở nhà, nếu các bậc cha mẹ thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, đến trường thầy cô giáo lại không chú trọng giáo dục cho các em về cách ứng xử, sử dụng mạng xã hội thì các em dễ có nguy cơ sa ngã vào những “hố đen” trên mạng xã hội. Từ nguy cơ xâm hại tình dục, bạo lực rồi các vấn đề chế biến thuốc nổ, dạy cách giết người. Cuối cùng các em có thể trở thành kẻ vi phạm pháp luật, gây rối loạn xã hội.
Trong các môi trường tác động hình thành đến nhân cách của đứa trẻ thì môi trường gia đình là quan trọng nhất, đặc biệt là cách sống, lối sống, suy nghĩ của cha mẹ. Cha mẹ phải quan tâm, giáo dục con từ khi con còn bé. Những đứa trẻ chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ chúng. Bởi vậy, để giáo dục được trẻ tốt thì trước hết cha mẹ phải biết sửa mình, phải biết làm gương và tạo ra một môi trường sống văn minh, lành mạnh./.