Làm rõ vai trò của cơ quan tư pháp với hoạt động báo chí

Đây là ý kiến của bà Amysim, chuyên gia các chương trình Châu Á, thuộc tổ chức “điều 19-tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền” trong cuộc hội thảo về báo chí sáng 15/4

Sáng 15/4, tại Hà Nội, Bộ Tư Pháp phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu (ECD) tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện khung pháp luật về báo chí và truyền thông tại Việt Nam”. Tham gia Hội thảo có đại diện Bộ Tư Pháp; Bộ Thông tin Truyền thông; Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.

Với mục đích góp phần giúp “Hoàn thiện Khung pháp luật về báo chí và truyền thông tại Việt Nam”, Hội thảo đã nghe nhiều tham luận, trong đó Bộ tư pháp thông báo kết quả khảo sát của đoàn liên ngành tại 3 nước Châu Âu gồm Pháp, Bỉ và Hà Lan nhằm tham khảo kinh nghiệm hoạt động báo chí của các nước này.

Ông Nguyễn Huy Ngát - Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp nói: “Chúng tôi nhận thấy, tại Pháp, Bỉ và Hà Lan, nói riêng và EU nói chung, nguyên tắc tự do báo chí từ lâu đã được đề cao như một nét văn hoá truyền thống. Tuy nhiên tự do báo chí phải đi liền với các điều kiện đảm bảo, trong đó sự ổn định cao về chính trị, kinh tế, văn hoá, pháp lý”.

Ông Nguyễn Huy Ngát cho biết thêm, để đạt được trình độ phát triển cao như hiện nay, cả 3 nước trên cũng đã phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển trong lịch sử với từng bước đi thận trọng. Ngoài ra, tuy cùng dựa trên nền tảng tự do báo chí song mức độ tự do ở 3 nước cũng có những mức độ khác nhau.

Tham luận tại Hội thảo, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nêu những vấn đề cơ bản liên quan đến việc xây dựng Luật Báo chí mới thay thế cho luật báo chí đã ban hành nhiều năm trước, trong đó nhấn mạnh việc sửa đổi các quy định cho báo điện tử; các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp giấy phép hoạt động báo chí; tài chính của các cơ quan báo chí…

Tham gia Hội thảo sáng nay, chuyên gia các chương trình Châu Á, thuộc tổ chức “điều 19-tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền” chia sẻ những quan điểm trong quyền tự do báo chí. Về việc bảo vệ các nhà báo trước các hành động bạo lực, bà Amysim, chuyên gia các chương trình Châu Á, thuộc tổ chức “điều 19-tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền” cho rằng: Vấn đề bạo lực đối với phóng viên thì các quốc gia cần có những chế tài bảo vệ các nhà báo, phóng viên. Trong trường hợp phóng viên bị tấn công thì Nhà nước phải có nghĩa vụ điều tra ra nhẽ, phải xem xét các nhân tố một cách  cẩn thận và làm rõ vai trò của các cơ quan tư pháp đối với hoạt động của nhà báo.

Những vấn đề đặt ra tại Hội thảo sáng nay một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của hoạt động báo chí đối với mỗi nước nói chung và ở Việt Nam nói riêng, sự đảm bảo các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân và cả những yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn nữa luật báo chí nước ta./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên