Làm sao để nạn nhân mua bán người tái hòa nhập cộng đồng?
VOV.VN - Sau thời gian bị mua bán và tra tấn, nạn nhân mua bán người rất cần sự hỗ trợ về cả tinh thần và tài chính để quay trở lại với cuộc sống bình thường.
Năm 2017, Triệu Thị Sùng* (Yên Bái) bị bán sang Trung Quốc để làm cô dâu. Trong vòng 2 năm, Sùng bị bán cho 5 người đàn ông. Họ tra tấn, lạm dụng tình dục, biến Sùng thành nô lệ, đến mức chị đã quên cả cách la hét. Năm bị bán đi, Sùng mới 22 tuổi.
Năm 2019, khi có may mắn trốn thoát và trở về Việt Nam, Sùng suy sụp và xấu hổ. Nhưng Sùng không bị bỏ mặc. Chị là một trong nhiều phụ nữ được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái và tổ chức Hagar trợ giúp về cả tài chính và tâm lý sau khi trở về Việt Nam.
“Tôi nghĩ đây là lần đâu tiên ai đó thực sự hỏi tôi muốn gì và đề nghị giúp đỡ tôi. Trước đó, chưa ai từng hỏi tôi thực sự muốn gì. Tôi chỉ có thể làm những điều người khác cho phép và bảo tôi phải làm” - Sùng nói.
Khi nạn buôn người diễn biến tới mức báo động, nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc để giải thoát, ngăn chặn các hành vi mua bán người. Nhưng sau mỗi cuộc giải thoát, câu hỏi làm sao để những nạn nhân từng bị buôn bán có thể vượt qua sang chấn tâm lý, quay trở về với cuộc sống bình thường sau vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Ngày 23/10 tại Hà Nội, Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiện Phụ nữ tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo tổng kết dự án "Hỗ trợ nạn nhân mua bán người vượt qua đại dịch Covid-19".
Dự án được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với mục tiêu giúp cộng đồng và chính quyền địa phương tại 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái ngăn chặn và ứng phó với sự gia tăng nạn mua bán người do Covid-19 trong thời gian từ tháng 01/11/ 2021 tới 31/10/2022.
Phát biểu khai mạc, ông Matthew Stannard - Bí thư thứ hai, Văn phòng Chính trị, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ: "Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tự hào hỗ trợ dự án này thông qua khoản tài trợ từ Văn phòng Giám sát và Chống mua bán người, hay còn gọi là J/TIP. Và đây chỉ là một phần trong công việc của chúng tôi với Việt Nam nhằm giải quyết thách thức chung của việc chống buôn người".
Sau 1 năm thực hiện dự án "Hỗ trợ nạn nhân mua bán người vượt qua đại dịch Covid-19", tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam đã phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái đã tiếp cận 30.000 người tại 46/46 thôn bản và thực hiện hỗ trợ trực tiếp 20 nạn nhân mua bán người và người có trải nghiệm bị mua bán.
Trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về vượt qua đại dịch Covid-19”, các hoạt động được thiết kế dựa trên các cân nhắc kỹ lưỡng về sang chấn tâm lý của nạn nhân bị mua bán và được triển khai theo phương pháp tiếp cận hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn, hướng tới hỗ trợ nạn nhân bị mua bán vượt qua tổn thương để được hàn gắn và phục hồi.
Người nhận hỗ trợ được tiếp cận với cách dịch vụ trợ giúp tại địa phương và dự án thông qua kết nối của thành viên nhóm phản ứng nhanh. Các dịch vụ hỗ trợ về pháp lý, y tế, sinh kế, sơ cứu tâm lý, giáo dục, nhu cầu thiết yếu được cung cấp theo đúng nhu cầu và đề xuất của nạn nhân mua bán người và người có trải nghiệm bị mua bán.
Đó không chỉ là sự hỗ trợ về tinh thần mà còn là nền tảng cơ bản về việc làm và tài chính để những nạn nhân nhanh chóng bắt kịp cuộc sống bình thường sau quãng thời gian dài bị buôn bán.
Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công an từ năm 2015 đến năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ, gần 1.700 đối tượng, lừa bán gần 3.000 nạn nhân. Qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm mua bán người của lực lượng Công an cho thấy: Các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Nạn nhân hiện nay không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê…nạn nhân chủ yếu bị bán sang các nước láng giềng của Việt Nam (chiếm khoảng 86%), còn lại là đưa sang các nước khác thông qua đường hàng không hoặc đường biển.
Bà Giang Thị Thu Thủy - Giám đốc điều hành tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh: “Nạn nhân bị mua bán về và có thể trở về là một con số còn khá khiêm tốn. Và để họ có thể tái hòa nhập với cuộc sống bình thường, chúng ta cần sự phối hợp giữa các ban ngành tổ chức. Một tổ chức riêng lẻ rất khó có thể làm được. Chúng tôi hy vọng, ngay cả sau khi dự án kết thúc, các nhóm phản ứng nhanh của Hagar vẫn có thể tiếp tục hỗ trợ nạn nhân mua bán người”./.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.