Lấn chiếm đất rừng để kinh doanh: Chính quyền bất lực?
VOV.VN - Điểm dừng chân Rubies nằm bên Quốc lộ 28B đoạn qua tỉnh Bình Thuận được xác định là đã vi phạm quy định sử dụng đất đai sai mục đích, xây dựng các công trình không được sự đồng ý của ngành chức năng. Dù chính quyền địa phương đã nhiều lần xử phạt nhưng công trình trên đất vẫn tồn tại, thậm chí là được mở rộng như thách thức pháp luật.
Nộp phạt để tồn tại?
Điểm dừng chân Rubies hay được gọi với cái tên Coffe Rubies Hồ Sông Luỹ nằm dọc tuyến Quốc lộ 28B, đoạn đi qua khu vực Hố Khỉ, xã Phan Lâm, huyên Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Nằm tọa lạc trên thửa đất số 29, tờ bản đồ 373, nay là thửa đất số 7, tờ bản đồ 61, thuộc khu vực Hố Khỉ thuộc đất trồng cây lâu năm nhưng lại được xây dựng một nhà tiền chế với diện tích 240 m2 để làm điểm dừng chân.
Mới đây, ngày 23/6/2023, sau khi kiểm tra, UBND xã Phan Lâm đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Minh (48 tuổi, trú xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) chủ khu đất về hành vi chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất phi nông nghiệp. Ngoài phạt tiền, xã còn buộc ông Minh phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất. Tuy nhiên, chủ đất chỉ thực hiện có một phần quyết định xử phạt, đó là nộp phạt 4 triệu đồng, còn việc khôi phục nguyên trạng đất thì đến nay vẫn chưa thực hiện.
Đáng nói là, nhà tiền chế của trạm dừng chân Coffe Rubies Hồ Sông Luỹ không chỉ nằm trên diện tích đất trồng cây lâu năm, mà còn được xây dựng trên diện tích đất rừng lấn chiếm.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Luỹ, nhà tiền chế đã lấn chiếm 192 m2 tại lô 1, khoảnh 6, tiểu khu 82B, thuộc rừng sản xuất trên địa bàn xã Phan Lâm. Năm 2021, UBND huyện Bắc Bình đã từng xử phạt hành chính về hành vi chiếm đất rừng trái pháp luật đối với ông Đào Nguyên Tính (38 tuổi, trú khu phố 10, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong). Sau này, ông Minh mua lại khu vực đất của ông Tính và đã biến nhà tiền chế lấn chiếm đất rừng thành điểm dừng chân Rubies.
Ông Nguyễn Bá Triển, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Luỹ cho biết, đã đề nghị UBND huyện Bắc Bình tổ chức cưỡng chế tháo dỡ nhà tiền chế nêu trên để khôi phục lại hiện trạng ban đầu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện: "Khi đơn vị chủ rừng phát hiện là báo cáo và xử lý ngay. Hiện nay vụ việc này đang được UBND xã Phan Lâm và huyện Bắc Bình đang tổ chức triển khai để thực hiện công tác cưỡng chế trong thời gian sắp tới. Còn các vụ khác đều được chính quyền địa phương và huyện Bắc Bình xử lý theo quy định. Còn vụ việc này tái lại nhiều lần".
Mở rộng công trình vi phạm
Không những không khắc phục vi phạm, mới đây UBND xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình còn phát hiện việc ông Nguyễn Văn Minh tiếp tục dựng thêm nhà tiền chế không phép, sử dụng đất sai mục đích mà chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Các công trình không phép gồm 20 hạng mục nhà tiền chế lớn, nhỏ; 1 đài quan sát, 1 nhà vệ sinh xây dựng bằng gạch tấp lô không nung.
Vào đầu tháng 8/2023, tổ công tác của xã Phan Lâm đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Minh dừng ngay việc dựng nhà tiền chế trên đất nông nghiệp. Nhưng lý giải với tổ công tác, ông Minh cho rằng, ông dựng nhà tiền chế để làm trang trại chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Ông Mang Nhu, Chủ tịch UBND xã Phan Lâm cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp các phòng ban chuyên môn của huyện kiểm tra, đo đạc diện tích từng hạng mục công trình vi phạm để tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật: "Xã cũng đã phối hợp với ngành chức năng của huyện đo vẽ lại tất cả diện tích ông Minh đang dựng lều trại. Hiện cũng đã có sơ đồ rồi, định thực hiện tiếp tục tuy nhiên do ổng không có mặt tại địa phương. Dự kiến của họ trước đây xin thuê luôn diện tích mặt hồ để làm du lịch sinh thái, cộng với chăn nuôi".
Theo UBND xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, từ 2017 đến nay, dọc tuyến Quốc lộ 28B, xã đã xử phạt 16 trường hợp, huyện xử phạt 30 trường hợp vi phạm với tổng số tiền là 245 triệu đồng. Nhưng đến nay, chỉ có 6 trường hợp chấp hành quyết định; 28 trường hợp chấp hành một phần quyết định, 12 trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt. Và trường hợp của Coffe Rubies Hồ Sông Luỹ là một ví dụ điển hình. Vậy phải chăng pháp luật còn kẽ hở để người vi phạm chấp nhận nộp phạt để tồn tại, hay còn nguyên nhân khác?