Lần đầu tiên tổ chức cho phật tử đăng ký hiến giác mạc khi qua đời

VOV.VN-Hiện có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý về giác mạc gây ra. Số người này ngày càng tăng vì không có nguồn giác mạc để ghép.

Ngày 18/5, tại chùa Linh Thông, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) phối hợp với Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) lần đầu tiên tổ chức cho các phật tử đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.

 Tại đây, sau khi được các chuyên gia y tế tư vấn đã có 30 phật tử tự nguyện đăng ký hiến giác mạc khi qua đời để góp phần đem lại ánh sáng cho những người có nguy cơ mù lòa do các bệnh lí về giác mạc. Trong đó, nhiều người còn tự nguyện hiến thêm các bộ phận khác của cơ thể khi qua đời như: tim, gan, thận… mà không yêu cầu bất cứ điều kiện nào, nhằm đem lại sự sống cho những người không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Các phật tử nghe tư vấn trước khi đăng kí hiến giác mạc và bộ phận cơ thể sau khi qua đời

Bà Lê Thị Thảo ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh sau khi đăng kí hiến bộ phận cơ thể khi qua đời cho biết: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi cũng biết được nhiều người không may phải ghép giác mạc, tim, gan, phổi, thận. Chúng tôi nghĩ rằng, mình làm được việc thiện nào thì nên làm. Vì vậy, sau khi mất đi, việc hiến bộ phận cơ thể giúp được khoa học hoặc có thể giúp người nào đó một việc nhỏ nhất thì chúng tôi cũng sẵn sàng giúp”.

Hiện ở nước ta có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý về giác mạc gây ra. Số người này ngày càng tăng vì không có nguồn giác mạc để ghép. Đến nay, Ngân hàng Mắt đã thu nhận được 432 giác mạc từ 221 người hiến tặng tại 14 tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, còn tiếp nhận hơn 700 giác mạc từ các nguồn viện trợ, 235 giác mạc từ mắt bị chấn thương phải bỏ nhãn cầu.

Tiến sỹ Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết: “Kể từ năm 2005, khi thành lập Ngân hàng Mắt tại Bệnh viện Mắt Trung ương, chúng tôi đã tổ chức những đợt truyền thông về hiến tặng giác mạc. Và trong quá trình đó, các vị cha cố, linh mục đã hưởng ứng tích cực phong trào này, nhờ đó đã có nhiều người hiến giác mạc ở các vùng công giáo. Tuy nhiên với việc thiện thì không chỉ người công giáo mà nhiều đạo giáo khác cũng quan tâm. Việc tổ chức cho các phật tử đăng kí hiến giác mạc hôm nay là một trong những hoạt động nhằm làm cho những người không tôn giáo hoặc theo bất kì một tôn giáo nào cũng có thể hiểu và ủng hộ phong trào này”.

Cũng như giác mạc, nguồn tạng hiện cũng đang rất thiếu. Trong khi đó, nhu cầu ghép bộ phận cơ thể người ở nước ta rất lớn, khoảng 6 nghìn người đang cần được ghép thận; 1.500 người được chỉ định ghép gan và hàng trăm người chờ ghép tim để kéo dài sự sống./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên