Làng chài vắng bóng ngư phủ

VOV.VN -Những hải trình dài ngày trên biển Hoàng Sa, Trường Sa, với ngư dân, giờ đây là mệnh lệnh của cuộc sống.

Cái nắng hè miền Trung khắc nghiệt không hề làm nguôi đi bầu nhiệt huyết của những ngư dân ở làng chài cửa lạch Lý Hòa (Đức Trạch, Quảng Bình). Với họ, trong những ngày cả nước hướng về Biển Đông này, những ngư trường trải dài khắp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa càng trở nên thiêng liêng - là quá khứ và tương lai của họ và con cháu.

Tiền tỉ nhưng không xây nhà tầng

Tàu, ngư phủ bám biển chưa về - “Bây giờ ngư dân vẫn ra đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, chưa có tàu nào ở nhà đâu” - ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch mào đầu câu chuyện với chúng tôi. Trên con đường dẫn chúng tôi ra cửa lạch Lý Hòa, chúng tôi thấy đa phần nhà ở đây là cấp 4, với những trẻ em, phụ nữ và người già. Ít ai ngờ được rằng, ngôi làng vắng bóng đàn ông này lại đang sở hữu lượng tàu đánh bắt xa bờ vào hàng nhất nhì tỉnh.

Những con tàu đang được đóng mới để vươn khơi

“Những hộ có tiền tỉ trong tay, có thể xây nhà tầng, nhà gác dễ như trở bàn tay, nhưng họ không làm vậy. Phần lớn người dân nơi đây đều dành tiền tích góp, vay mượn được để đóng tàu mới, công suất lớn cho phù hợp với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa” - cán bộ xã dẫn đường thanh minh khi chúng tôi thắc mắc ngư dân có tiền đóng hàng trăm tàu công suất lớn giá đôi ba tỉ, sao lại ở trong những ngôi nhà như thế?

Khi ra cửa lạch Lý Hòa, chúng tôi gặp những người vợ, người mẹ của những chủ tàu đang ra trông nom, đốc thúc thợ đóng thuyền thay cho chồng, con đang bám biển xa, bảo vệ ngư trường - nguồn sống chính của người dân trong xã. Nhà ông Hồ Minh Thuần, năm nay đã 56 tuổi, đang sở hữu 2 tàu đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa. Với sóng gió cấp 7, cấp 8 ở đây, những tàu công suất bé mà ông đóng trước đây nay không còn phù hợp nữa.

Để thay thế những chiếc tàu này, ông đã giao cho vợ và con là Hồ Minh Tiến, năm nay 33 tuổi, đóng chiếc tàu mới 800CV (mã lực). Khoảng một tháng rưỡi nữa là tàu hạ thủy. “Tàu hạ thủy xong, chúng tôi sẽ ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt liền. Ngư dân chúng tôi không thể vì lý do nào mà bỏ biển của mình được” - anh Tiến nói. Nghe con nói vậy, mẹ anh Tiến lại hướng nhìn ra hướng biển, nơi ông Thuần và bạn tàu đang bám biển. “Đi biển những ngày này, là mẹ, là vợ ai cùng có chút lo ngại. Song, vì bảo vệ ngư trường, vì mưu sinh, nên tôi đã động viên chồng, con vươn khơi, bám biển dài ngày. Đó cũng là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta đó”.

Ở Đức Trạch, hiện có có gần 500 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 243 tàu có công suất từ 90 - 800CV. Lực lượng tàu có công suất lớn này chuyên đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Đội tàu của xã hiện nay được tổ chức thành 5 tổ hợp tác và 47 tổ đoàn viên đoàn kết trên biển. Mỗi tổ hợp tác này tập hợp từ 5 - 7 phương tiện cùng ra khơi đánh bắt. “Với mô hình hoạt động này, ngư dân không chỉ giúp nhau thông tin về ngư trường đánh bắt có nhiều cá, sẵn sàng giúp nhau khi tàu gặp sự cố, mà còn tăng cường sức mạnh trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Khi tàu mình đi thành tổ, thành nhóm, tàu phía Trung Quốc muốn quậy phá hay làm càn cũng không được” - anh Tiến nói.

Nhờ có tổ hợp tác này mà hiệu quả đánh bắt cũng nâng lên đáng kể. Đơn cử như Tổ hợp tác Tân Tiến do ngư dân Trung, Phó bí thư Đoàn xã làm Tổ trưởng, mỗi chuyến đi biển thu về tiền công khoảng 180 triệu đồng. Với những bạn tàu khác, tiền công mỗi chuyến ra khơi cũng được vài ba chục triệu. Đây là nguồn tiền lớn để ngư dân sinh sống và đóng mới tàu thuyền có công suất lớn cho phù hợp với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

“Chưa bao giờ ngư dân chịu đầu tư lớn như lúc này”

Chỉ có một hướng: Ra khơi, bám biển! - Ba năm trở lại đây, xã Đức Trạch có lượng tàu công suất lớn đóng mới nhiều nhất tỉnh Quảng Bình, khoảng 68 chiếc. Ra cửa lạch Lý Hòa, chúng tôi thấy gần 10 tàu gỗ công suất lớn - cái đã hoàn thiện, đang chờ ngày ra khơi; cái thì đang hình thành vóc dáng. Giữa trưa nắng như đổ lửa, vợ ông Hồ Đăng Khoa, chủ một con tàu 800CV đang hoàn thiện phần vỏ tàu, mang nước ra cho chồng và nhóm thợ “giải khát”. Vốn đầu tư mỗi tàu trung bình khoảng 2,5 - 3,8 tỉ đồng. “Đóng tàu lớn, vươn khơi xa mới có cá. Ngoài việc lo cho kinh tế của gia đình và bạn tàu, ngư dân chúng tôi còn tham gia bảo vệ vùng biển của cha ông để lại. Nếu không bảo vệ được thì con cháu chúng tôi không có ngư trường để mà khai thác nữa” - ông Khoa chia sẻ với chúng tôi.

Nhìn những người thợ đóng tàu ít có trang bị bảo hộ, làm việc dưới cái nắng nóng 39 – 40oC ở vùng biển, chúng tôi có cảm xúc khó tả. Với họ, đó lại là công việc đáng tự hào. Ai nấy đều gân guốc chân tay để làm việc cật lực. Họ không để ý đến cái nắng nóng mà nóng lòng khoan khoáy, đập búa ghép những thanh gỗ dài hàng chục mét vào bên mạn thuyền để dựng lên những con thuyền đầy đặn, chờ ngày hạ thủy ra ngư trường Hoàng Sa bám biển để mưu sinh và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Những người thợ miệt mài đóng tàu dưới cái nắng 40 độ của miền Trung để kịp hạ thủy

Ông Hồ Đăng Chiến cho biết, thu nhập chính của người dân xã Đức Trạch có tới 65% từ đánh bắt thủy hải sản, 35% còn lại là dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Xã biển Đức Trạch không có ruộng để trồng lúa nên cuộc sống của người dân dựa hoàn toàn vào biển. “Chưa bao giờ ngư dân chịu đầu tư lớn như lúc này. Chỉ riêng trong tháng 5 đầu năm nay, tại cửa lạch Lý Hòa đã cho hạ thủy 32 chiếc tàu có công suất lớn từ 450 - 1.000CV được đóng mới hoàn toàn” - ông Nguyễn Hoàng Thắng, 45 tuổi, thợ cả đóng thuyền ở cửa lạch Lý Hòa tự hào kể.

Tuy vậy, điều các ngư dân và chủ tàu thấy bất tiện nhất khi phát triển đội tàu công suất lớn là xã không có cửa lạch thông thoáng để tàu cập bến. Hiện tại, 100% tàu của Đức Trạch ra khơi đánh bắt xong đều về neo đậu nhờ các cảng ở Đà Nãng, Hội An, Cửa Tùng… Lúc đó, chủ tàu lại thuê xe chở thuyền viên, bạn tàu về nghỉ ngơi tại quê nhà, chờ chuyến đi biển tiếp theo. “Nếu cửa lạch Lý Hòa được khơi thông thì dân trong xã giàu to. Đơn cử, một con tàu hạ thủy muốn thoát ra khỏi cửa lạch Lý Hòa tiêu tốn 700kg dầu. Đấy là chưa kể chi phí đi lại cho thuyền viên khi phải gửi tàu ở các tỉnh bạn” - ông Khoa, một chủ tàu ở Đức Trạch cho biết. Trong khi đó, một tàu công suất 800CV mỗi chuyến đi cần 6.000 lít dầu, tính ra đã trên 100 triệu đồng mỗi tàu. Với 243 tàu công suất lớn, vị chi mỗi tháng đội tàu lớn của xã đã ngốn đến 30 - 40 tỉ tiền dầu rồi. Đó là chưa kể các dụng cụ cần thiết đá lạnh, thức ăn, các dụng cụ để sử dụng cho đánh bắt.


Một ngư dân ví von: Cửa lạch Lý Hòa cạn kiệt dù bất tiện, nhưng nó như một chỉ hướng cho ngư dân nơi đây: Hễ cứ hạ thủy tàu xong là chỉ có một hướng ra khơi, bám biển. Đáng quan tâm là dù cửa lạch không được “thuận” với ngư dân của xã, nhưng dịch vụ hậu cần ở Đức Trạch vẫn phát triển mạnh và vươn xa cùng với đội tàu của xã. Hiện xã đang có 2 doanh nghiệp làm hậu cần, sửa chữa tàu cá hoạt động ở các tỉnh, thành. Đó là: Doanh nghiệp Minh Chiến và Tổ hợp sửa chữa Đặng Tuấn. Đặc biệt, chủ tàu Tôn Đức Vỹ trong xã đang đặt đóng tàu sắt 7,5 tỉ đồng ở sông Đào, Nam Định. Tàu này được thiết kế khá hiện đại, có hệ thống máy bảo ôn để vừa đánh bắt, vừa thu mua hải sản của các tàu bạn trên biển.

Trên những triền cát trắng, lũ trẻ vui đùa với nụ cười hồn nhiên, nhưng chốc chốc chúng vẫn thoáng nhìn ra biển. Biển ngày nắng trong veo như mắt trẻ làng chài. Tôi dám chắc các em mong mình lớn thật nhanh để ra khơi; và như một lẽ tự nhiên, chấp nhận như cha ông, trở thành những “cột mốc sống” trên biển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên