Lao động mất việc làm: Giải pháp nào hỗ trợ?
Do khó khăn về kinh tế, ước tính, 80.000 người trong các doanh nghiệp mất việc làm năm 2008. Năm 2009, con số này dự báo lên tới 400.000
Chiều nay (25/2) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Họp báo thông báo Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế.
May mặc- ngành có nhiều biến động về công nhân |
Thị trường lao động Việt Nam có những đặc thù riêng
Thị trường lao động Việt Nam có 45 triệu lao động, trong đó có 70% lao động ở khu vực nông thôn, cũng tỷ lệ ấy là lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Theo ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động TBXH), suy giảm kinh tế tác động chủ yếu đến khu vực chính thức- các doanh nghiệp. Vì lý do đó, những khó khăn kinh tế chỉ tác động đến hơn 22% số lượng lao động.
Theo báo cáo của 40 địa phương, tính đến 23/1/2009, số lao động trong các doanh nghiệp mất việc làm là 66.700 người. Ước tính chung trong cả nước, số người lao động trong các doanh nghiệp mất việc làm là khoảng 80.000. Trong đó, cao nhất là Thành phố Hồ Chí Minh- 19.000 người; Hà Nội- gần 10.000 người; Đồng Nai, Bình Dương- 8.000- 10.000 người.
Báo cáo của Cục Việc làm, Bộ Lao động TBXH cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2009, dự báo sẽ có 300.000 lao động mất việc làm. 6 tháng cuối năm sẽ có thêm 100.000 người nữa rơi vào cảnh thất nghiệp.
Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động TBXH |
Đồng Nai báo cáo có 10.000 người mất việc làm, song thực tế, nhu cầu về lao động ở tỉnh này là 50.000 người/năm, trong khi lao động tại chỗ mới chỉ đáp ứng được 30.000 người. Và như vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động từ các địa phương khác đến làm việc tại địa phương lên tới 20.000 người.
Giải pháp hỗ trợ cho người lao động
Ngày 23/2/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Theo đó, doanh nghiệp gặp khó khăn và người lao động mất việc làm sẽ được hưởng một số chính sách hỗ trợ.
Cụ thể, cho vay với lãi suất 0% đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế mà phải giảm số lao động hiện có từ 30% trở lên hoặc từ 100 lao động trở lên (không kể lao động thời vụ có thời hạn 3 tháng), không có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho số lao động đã giảm. Thời hạn vay tối đa là 12 tháng. Mức vay tối đa bằng số kinh phí để thanh toán nợ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc.
Đối với người lao động bị mất việc làm tại doanh nghiệp (DN) mà chủ DN bỏ trốn trong năm 2009, địa phương sẽ ứng ngân sách trả cho người lao động trong danh sách trả lương của doanh nghiệp khoản tiền lương còn nợ.
Người lao động bị mất việc tại các DN, người đi làm việc ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn do DN gặp khó khăn được vay vốn tự tạo việc làm, học nghề và vay như đối tượng chính sách, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị mất việc làm.
Trả lời phỏng vấn của VOVNews về lao động tại các làng nghề, ông Nguyễn Đại Đồng cho biết, khó khăn kinh tế thế giới có thể ảnh hưởng đến lao động các làng nghề, do mức xuất khẩu hàng hóa giảm thiểu. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tính đến giữa tháng 2/2009 chỉ giảm 5% so với cùng kỳ 2008. Và như vậy, suy giảm kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến lực lượng lao động khu vực này. Một giải pháp được ông Nguyễn Đại Đồng đưa ra là các làng nghề nên hướng đầu tư vào sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Theo ông Nguyễn Đại Đồng, trong tuần tới (2-7/3) Bộ Lao động sẽ hoàn thành thông tư liên bộ Lao động-Tài chính, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 30 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, người lao động mất việc trong năm 2009 có thể được hỗ trợ sớm nhất là ngay trong tháng 3. Nghị quyết 30 chỉ áp dụng đối với lao động mất việc làm trong năm 2009. Số lao động bị mất việc năm 2008 được hưởng các chính sách đối với người lao động đã thực hiện từ trước tới nay./.