Lao động Việt Nam ở nước ngoài đối mặt với khó khăn gì?
VOV.VN -Nhiều lao động Việt Nam di cư, đi làm việc ở nước ngoài đang đối mặt với khó khăn trong sinh hoạt, công việc hàng ngày.
Một số trường hợp bị lạm dụng về thể chất, bị giữ lương, bị bóc lột sức lao động nhưng không thể cận được hệ thống trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Đây là nội dung được đưa ra tại hội thảo “Tăng cường bảo vệ người lao động di cư thông qua cơ chế hỗ trợ pháp lý- chia sẻ kinh nghiệm khu vực và thực tiễn tại Việt Nam” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam tổ chức sáng 17/12, tại Hà Nội nhân Ngày quốc tế về người di cư (18/12).
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực để bảo vệ người lao động di cư đi làm việc ở nước ngoài thông qua các chính sách, pháp luật và chương trình cụ thể.
Các đại biểu thảo luận về tăng cường biện pháp bảo vệ người lao động di cư |
Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư mà Việt Nam đã tham gia đã khẳng định việc đảm bảo quyền tiếp cận tới một hệ thống hỗ trợ pháp lý, tư pháp hiệu quả để người lao động di cư có thể đưa ra các khiếu nại trong trường hợp bị từ chối trả lương khi làm thêm giờ hay bị ngược đãi….
Vậy nhưng, trên thực tế, một bộ phận người lao động di cư khi gặp khó khăn hoặc bị vi phạm hợp đồng lao động ở nước ngoài vẫn chưa tiếp cận được một cách dễ dàng với hệ thống trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Bà Phạm Nguyên Cường - chuyên gia về giới, Chủ nhiệm nghiên cứu rà soát chính sách về giới (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: “Khó khăn đầu tiên với lao động Việt Nam để có thể hỗ trợ về mặt pháp lý là vấn đề ngôn ngữ ở nước sở tại. Bên cạnh đó, vấn đề hạ tầng liên quan đến việc trợ giúp pháp lý này. Ngoài ra sự hiểu biết pháp lý của người lao động khá thấp, không phân định được ranh giới trách nhiệm cũng như quyền của mình”.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 500.000 lao động đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ châu Á, Trung Đông, châu Âu đến châu Phi và châu Mỹ, trong đó lao động nữ chiếm 30%.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu thông qua hoạt động dịch vụ của 178 doanh nghiệp được cấp giấy phép.
Bên cạnh đó, lao động có thể đi làm việc ở nước ngoài thông qua các tổ chức sự nghiệp, các doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu, đầu tư ra nước ngoài, thực tập nâng cao tay nghề và hợp đồng cá nhân.
Lao động di cư, làm việc ở nước ngoài trong 30 ngành nghề khác nhau, chủ yếu là sản xuất chế tạo (chiếm 60%).
Đa số người lao động đang làm việc trong tình trạng ổn định, quyền và lợi ích của họ được đảm bảo theo quy định trong hợp đồng với chủ sử dụng lao động.
Tuy nhiên, nhiều lao động di cư, đi làm việc ở nước ngoài đang phải đối với mặt với nhiều khó khăn trong sinh hoạt, làm việc. Một số trường hợp bị lạm dụng về thể chất, bị giữ lương và bị bóc lột sức lao động.
Với vai trò của mình, Tổ chức IOM, đang cùng Việt Nam giải quyết các vấn đề mà người lao động di cư gặp phải khi làm việc ở nước ngoài.
Ông Florian G.Forster- Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam nói: “IOM tại Việt Nam hỗ trợ, giải quyết những khó khăn của người lao động di cư thông qua hai biện pháp chính. Thứ nhất là cung cấp thông tin cho người di cư để họ tự bảo vệ mình. Thứ 2, chúng tôi phối hợp để hỗ trợ cho người di cư khi gặp khủng hoảng hoặc vấn đề khó giải quyết.
Ông Florian G.Forster đưa ra ví dụ, năm 2007, IOM đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đưa người lao động từ Libya về nước. Gần đây, IOM cũng hỗ trợ đưa người từ Syria về nước.
“Tuần trước, một số người lao động Việt Nam ở Philippines gặp khó khăn, chúng tôi cũng hỗ trợ cho lao động Việt Nam”./.