Bài dự thi viết về ngư dân

Lão ngư làng mắm và khát vọng… trời Tây

(VOV) -“Tuổi già thì phải nghỉ thôi. Nhưng thật lòng, tôi nhớ biển, nhớ thuyền cồn cào”

“Tuổi già thì phải nghỉ thôi. Nhưng thật lòng, tôi nhớ biển, nhớ thuyền cồn cào”

Với lão ngư 75 tuổi Đặng Văn Soai ( xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), làm mắm tôm không chỉ là một nghề kiếm sống, mà còn là cái nghiệp, neo giữ cả tâm huyết, tình yêu và khát vọng của ông.

Xuất thân từ làng mắm

Xã Hòa Lộc những ngày đầu đông, cái hanh hao của đất trời lúc chuyển mùa dường như càng khiến cho không khí nơi này thêm sanh sánh thứ mùi nồng nồng của … mắm tôm. Sản phẩm thượng hạng “mắm tôm đệ nhất” xứ Thanh này bình dị, thân thuộc và… khó quên đến thế!

Mắm tôm Hậu Lộc, từ lâu đã theo những con thuyền lênh đênh trên biển, theo những cỗ xe bò gập ghềnh đường đất, rồi xe đạp, xe máy ( bây giờ là ô tô, tàu hỏa) thẳng trên các đường cái lớn nhỏ, xuôi ngược khắp nơi, đem chút dư vị độc đáo của biển khơi đến với muôn vùng trong nước. Nhưng hàng ngàn đời, cha ông của những làng mắm trên đất Hậu Lộc có lẽ cũng chẳng bao giờ dám mơ đến một ngày, hũ mắm tôm quê mình có thể ra khỏi biên giới quốc gia sang đến trời Tây- nơi có thị hiếu ẩm thực khác hẳn xứ Việt mình. Ấy vậy mà có một người dám cả gan mơ cái giấc mơ to tát ấy! Đó là lão ngư Đặng Văn Soai- người tiên phong trong lĩnh vực xuất khẩu mắm tôm của xứ Thanh.

Khởi nghiệp cùng với biển

Bên chén trà sóng sánh, ông Đặng Văn Soai cười khà khà kể lại: Như bao người dân đất này, cuộc đời ông sinh ra đã gắn với biển khơi. Một hai tuổi, cậu bé Soai biết bò ra đê hóng gió, năm sáu tuổi biết thả mình trên sóng vui đùa cùng chúng bạn, chín, mười tuổi biết cầm bơi chèo, mười lăm, mười sáu tuổi đã lên thuyền ra khơi. Tuổi 20, chàng thanh niên tên Soai đã trở thành thuyền trưởng của hợp tác xã khai thác thác và chế biến thủy sản Hòa Trường ( xã Hòa Lộc). Năm 1964, Đặng Văn Soai giành giải nhất toàn tỉnh cuộc thi Nghề giã đôi do Ty Thủy sản Thanh Hóa lúc bấy giờ tổ chức.

Suốt 40 năm năm lênh cùng sóng nước, vị mặn mòi của muối, của những cơn gió biển đã thấm vào Đặng Văn Soai như một cái gì đó giống như là máu thịt. Thế nhưng nghề biển là nghề dành cho tuổi trẻ và sức lực. “Tuổi già thì phải nghỉ thôi. Nhưng thật lòng, tôi nhớ biển, nhớ thuyền cồn cào”- ông Soai ngậm ngùi.

Để vơi bớt nỗi nhớ biển, để giết thời gian khi tuổi già, ông Soai quyết định phải làm một cái gì đó. Và thế là…

Dự án… mắm tôm ra đời

Mắm tôm là sản phẩm truyền thống nổi tiếng, làm nên niềm tự hào cho người Hậu Lộc, như bưởi Năm Roi của xứ miệt vườn phương Nam, như miếng bánh đậu xanh của vùng đất Hải Dương... Lúc trước, khi còn đang rong ruổi trên chiếc thuyền máy, cùng vợ con ngược những dòng sông lên Lạng Sơn, Cao Bằng bán mắm tôm  cho đồng bào Tây Bắc, đã có lúc ông Soai từng nghĩ, tại sao bưởi Năm Roi, bánh đậu xanh, quả cà, mớ rau muống… thì xuất khẩu được, mà mắm tôm lại không?

Không ngờ, khi có ý định triển khai cái ý tưởng mà thoạt nghe tưởng “khùng” của mình, ông lại được các con ra sức ủng hộ. Năm 2006, mấy bố con cùng nhau hùn vốn, được hơn 1 tỷ đồng, thành lập công ty TNHH chế biến thủy sản Hòa Hải. Số tiền tỉ ấy được sử dụng để xây nhà xưởng, khu chế biến mắm tôm và mua nguyên liệu. Ông Soai bảo : “Cái anh mắm tôm, hương vị thì độc đáo khỏi chê rồi. Khó là làm sao để cho thật đảm bảo vệ sinh, dù bụng ta hay bụng Tây đều có thể an toàn khi sử dụng”.

Ông Soai giới thiệu sản phẩm mắm tôm

Thế nên, trong quy trình làm mắm tôm xuất khẩu, khâu vệ sinh được ông chú trọng đặc biệt. Nguyên liệu làm mắm phải là thứ moi tươi ngon, được thu mua ở các vùng biển từ Nam Định cho đến Thanh Hóa. Moi làm sạch, được đem xay nhuyễn rồi trộn thêm muối. Muối làm mắm là thứ muối nổi tiếng trắng tinh của chính các diêm dân Hòa Lộc. Hàm lượng muối trong mắm phải đạt đúng 24%, tức là cứ một tấn moi thì ứng với 240kg muối. Thời gian ngâm ủ mắm phải trên tháng rưỡi. Ở công đoạn phơi mắm, cứ 3 ngày một lần, các nhân công phải thay nhau khuấy mắm trong bể chứa, liên tục như thế 6-7 tháng trời. Kỹ lưỡng, nghiêm ngặt là vậy nên mỗi mẻ mắm xuất khẩu  phải mất  từ 8 đến 10 tháng trời.

…Và thành công hơn cả mong đợi

Sản phẩm mắm tôm của công ty TNHH Hòa Hải được Cục Quản lý chất lượng thủy sản thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông qua 3 công ty môi giới là Hợp tác xã thủy sản Tâm Đức ( Hà Nội), Công ty chế biến thủy sản Minh Hà và Tổ hợp chế biến thủy sản Ngọc Liên (Thành phố Hồ Chí Minh), những hũ mắm tôm chứa bao tâm sức của ông Soai và các con lên đường… sang Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Pháp, Ca-na-đa…  Tính từ năm 2009 đến nay, mỗi năm trung bình có khoảng 100 tấn mắm tôm của gia đình ông Soai đã có mặt trên các kệ hàng ở khắp châu Âu, châu Á, đem lại tổng thu nhập cho công ty hơn 2 tỷ đồng/ năm.

Đáng quý là cùng với việc làm ăn hiệu quả, công ty TNHH Hòa Hải của gia đình ông Soai đã tạo được công ăn việc làm cho 15- 20 lao động. Ông Soai tự hào khoe: “Ở cái đất Hậu Lộc này, người ta gọi tôi là  cánh chim đầu đàn của nghề sản xuất mắm tôm”. Quả thật, với hàng chục bằng khen, giấy khen treo đầy trên 4 bức tường trong nhà, thì mới thấy hiệu quả của mô hình sản xuất mắm tôm xuất khẩu của gia đình ông Soai được xã hội và chính quyền các cấp đánh giá và tôn vinh như thế nào.  Bằng giọng nói oang oang lồng ngực của người đi biển lâu năm, ông Soai bảo, cái dự án mắm tôm của ông trong tương lai sẽ tiến xa hơn nữa.

Rời Hòa Lộc, ý nghĩ thú vị chợt dâng lên: có lẽ ngay phút này đây, ở trời Tây xa xôi, khi tuyết trắng phủ đầy bên ngoài cửa sổ, có thể, trên mâm cơm của một gia đình nào đó, lại là đĩa cà pháo giòn tan ăn kèm với bát mắm tôm đỏ hồng, nức mũi. Chủ nhân của bữa ăn có lẽ đang thầm cám ơn những người như ông Đặng Văn Soai đã giúp họ thưởng thức nét văn hóa ẩm thực độc đáo của đất nước xa xôi với những con người chân thật, nhiệt tình và say mê với nghề truyền thống của quê hương mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên