Lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường: Chuyển biến nhiều, tồn tại lắm
VOV.VN - Bên cạnh những địa bàn làm tốt, giữ được “nếp” thì cũng không ít tuyến phố, phường, quận chỉ có thành tích ban đầu.
Sau 2 năm đồng loạt ra quân lập lại trật vỉa hè, lòng đường (10/3/2017-10/3/2019), đô thị Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện giảm đáng kể.
Tuy nhiên, so với hiệu quả những ngày đầu ra quân, trật tự văn minh đô thị Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại, nhất tình trạng các chủ phương tiện cố tình đi vào được ngược chiều, đường cấm.
Hai chiếc xe này không được vào tuyến đường nối khu đô thị Đồng Tầu-sông Sét nhưng chủ phương tiện vẫn cố tình lách qua biển cấm. |
Nếu như trước đây vỉa hè đường La Thành, Giải Phóng, Chùa Bộc, Xuân Thủy… thường xuyên bị chiếm dụng để kinh doanh, trông giữ xe thì nay nhiều nơi đã được trả lại cho người đi bộ. Các nhà xưởng, ki ốt, bãi trông giữ xe vi phạm cũng đã được ngành chức năng xử lý như: xung quanh Bến xe Giáp Bát, Bến xe Mỹ Đình, bãi trông giữ xe hàng nghìn m2 tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.
Thiếu tá Trần Quang Trung, Tổ trưởng tổ trật tự, Công an phường Định Công, quận Hoàng Mai cho biết: “Có thể nói tình hình trật tự đô thị trên địa bàn đã có sự chuyển biến rõ nét. Sau khi có Mệnh lệnh 02 chúng tôi đã đăng ký dọc chợ xanh, tuyến phố Trần Nguyên Đán là tuyến phố văn minh đô thị. Việc lấn chiếm lòng đường vỉa hè đã có sự chuyển biến rõ nét, không còn tình trạng để xe bừa bãi trên vỉa hè, lòng đường...”
Bên cạnh những địa bàn làm tốt, giữ được “nếp” thì cũng không ít tuyến phố, phường, quận chỉ có thành tích ban đầu. Theo ghi nhận của phóng viên VOV, sau 2 năm lập lại, một số tuyến phố đã bị lấn chiếm trở lại như phố Trần Đại Nghĩa; ngã ba phố Vọng-Nguyễn An Ninh (giáp ranh địa bàn hai quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân)…
Cùng với việc nhiều tuyến phố vỉa hè lòng đường bị tái lán chiếm là thực trạng các phương tiện giao thông cố tình đi vào được ngược chiều, đi vào giờ cấm. Đó là tại cầu sắt Kim Ngưu (phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng), đường Nguyễn Xiển (đoạn quận Thanh Xuân, huyện Thanh Trì), đường cống hộp (nối khu đô thị Đồng Tầu-sông Sét, quận Hoàng Mai)...
Tại cầu sắt Kim Ngưu mặc dù đã có biển cấm ngược chiều, nhưng các phương tiện giao thông vẫn “vô tư” vi phạm, nhất là xe gắn máy. Việc các phương tiện cố tình đi ngược chiều dẫn đến tình trạng xung đột giao thông thường xuyên tại cầu Kim Ngưu.
Ô tô đâm chết người đi bộ: Vỉa hè ở đâu?
Trong khi đó, tại đường cống hộp (nối khu đô thị Đồng Tầu-sông Sét, quận Hoàng Mai), dù đã có biển cấm phương tiện ô tô một chiều theo giờ, nhưng vào giờ cấm, các loại ô tô từ bốn chỗ đến xe tải vẫn ngang nhiên đi vào.
Ông Lê Văn Công, trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai cho biết, từ khi đưa vào sử dụng (khoảng 3 năm nay), tuyến đường cống hộp này trở thành một trong những tuyến giao thông quan trọng qua địa bàn phường Thịnh Liệt. Vào khung giờ cấm, khi không có lực lượng công an phường chốt trực, các chủ phương tiện vẫn cố tình đi vào nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc.
“Tôi sống ở đây, tôi thất rất nhiều phương tiện đi vào giờ cấm, và tôi cũng không thấy cơ quan chức năng có những biện pháp mạnh mẽ vào cuộc, thanh tra giao thông cũng ít xuất hiện. Tôi cho rằng, nếu chúng ta đã cấm thì phải thực hiện nghiêm túc, triệt để”, ông Công cho hay.
Tại quận Đống Đa là khu vực đường Cát Linh nơi đang thi công ga ngầm S10 Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Để thực hiện dự án, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấm lưu thông một chiều đường Cát Linh (hướng phố Trịnh Hoài Đức đường Giảng Võ), nhưng hàng ngày nhiều phương tiện vẫn “lách qua biển cấm”.
Ông Ngô Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thực trạng phương tiện đi đường ngược chiều, vào phố cấm cùng với việc tuyên truyền thì phải cương quyết xử lý, nếu không sẽ tạo nên tiền lệ xấu về vi phạm trật tự giao thông.
“Với tình trạng đi vào phố cấm, theo tôi các lực lượng như thanh tra, cảnh sát nhìn thấy sẽ phải xử lý. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo thanh tra giao thông kiểm tra, rà soát và xử lý cương quyết các trường hợp vi phạm luật lệ giao thông, để làm sao thực hiện đúng được quy định Luật giao thông đường bộ”, ông Tuấn khẳng định.
Với những gì đang diễn ra, rõ ràng, sau 2 năm đồng loạt ra quân lập lại trật tự vỉa hè lòng đường, đô thị Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại. Trong đó, tình trạng người điều khiển phương tiện cố tình đi vào đường cấm, đường ngược chiều đang coi là một trong những vấn đề nổi cộm của tồn tại đó./.
Một tuần sau tết, hàng quán vẫn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở Hà Nội
Ảnh: Hàng Tết bày bán tràn lan, lấn chiếm vỉa hè dịp cuối năm