Lập trạm cân kiểm soát xe quá tải, đảm bảo “tuổi thọ” cầu Thăng Long
VOV.VN - Cầu Thăng Long sẽ được lập trạm cân ở 2 đầu cầu, kiểm soát “hung thần” xe quá tải để đảm bảo “tuổi thọ” và kết cấu của công trình vừa được sửa chữa.
Để bảo vệ kết cấu hạ tầng công trình giao thông cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm soát tải trọng xe.
Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm soát tải trọng đối với các phương tiện lưu thông qua cầu Thăng Long-đường Vành đai 3, đường Võ Văn Kiệt. Vị trí đặt cân và kiểm tra tải trọng xe tại Km1+00 đường Võ Văn Kiệt (chiều đường sân bay Nội Bài đi cầu Thăng Long) xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố. Hà Nội.Công tác phối hợp kiểm soát tải trọng xe được thực hiện 24/7, phân thành 3 ca trực hàng ngày.
Ngay trong ngày thông xe, Tổ kiểm tra tải trọng xe sẽ tiến hành ra quân tuần tra trên các đoạn tuyến khu vực 2 đầu cầu Thăng Long, phát hiện các xe có dấu hiệu vi phạm tải trọng, tổ chức kiểm tra và xử lý theo quy định.
“Việc kiểm soát tải trọng xe cầu Thăng Long sẽ tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên tuyến đường Vành đai 3, nhằm bảo vệ tốt kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo tuổi thọ công trình cầu Thăng Long”, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh.
Bà Hiền cho biết thêm, lực lượng Thanh tra giao thông của Tổng cục và Sở GTVT Hà Nội kiên quyết xử lý các hành vi phạm hành chính của các phương tiện vận chuyển hàng hóa, chở hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện, quá tải trọng cầu, đường, quá khổ giới hạn cầu, đường theo đúng quy định, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Bên cạnh đó, Thanh tra giao thông của 2 đơn vị trên sẽ phối hợp với Cảnh sát giao thông Công an Thành phố, Công an các quận, huyện để xử lý các trường hợp chống đối lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, kiên quyết xử lý các trường hợp chây ỳ, không chấp hành nhằm đảm bảo nghiêm quy định của pháp luật.
Đại diện Bộ GTVT cho biết sau gần 5 tháng sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội), với tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào thông xe khai thác ngày 7/1/2021, phương tiện có tốc độ lưu thông tối đa 80km/giờ.
“Khi sửa chữa, mặt cầu được gia cố bằng lớp bê tông siêu tính năng kết nối thêm lớp bê tông nhựa polymer phía trên dày 4cm. Chưa kể giữa 2 lớp nhựa này được gia cường thêm với 1,4 triệu đinh neo và thép bản mặt cầu nên cầu Thăng Long sẽ tồn tại vĩnh cửu và sử dụng hàng trăm năm. Hiện nay, mặt cầu có độ cứng gấp 3 lần so với trước đây,” Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay.
Lãnh đạo ngành giao thông nhấn mạnh rằng, với kết cấu được thực hiện bằng các giải pháp khoa học và kỹ thuật mới và có độ bền tốt nhất, lớp thảm bê tông nhựa tạo nhám (dày 4cm) trên cùng của mặt cầu sẽ tồn tại từ 5-10 năm mới phải làm lại.
Phục hồi lộ trình 16 tuyến buýt sau khi thông xe cầu Thăng Long
Sở GTVT TP Hà Nội chấp thuận phục hồi lộ trình và dịch vụ đối với 16 tuyến buýt theo như phương án vận hành trước khi điều chỉnh phục vụ thi công cầu Thăng Long.
Theo đó, Sở GTVT chấp thuận phục hồi lộ trình và dịch vụ đối với 16 tuyến (15 tuyến trợ giá gồm số 07, 35B, 46, 53A, 53B, 56A, 60B, 61, 93, 95, 109, 112, CNG04 và một tuyến buýt không trợ giá số 212) theo như phương án vận hành trước khi điều chỉnh phục vụ thi công cầu Thăng Long.
Đối với đề xuất điều chỉnh lộ trình, tăng tần suất dịch vụ tuyến buýt CNG04 Kim Lũ (Sóc Sơn)-Nam Thăng Long, Sở GTVT đề nghị Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội báo cáo chi tiết để Sở báo cáo thành phố.
Yêu cầu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn các đơn vị vận hành tổ chức triển khai phương án điều chỉnh phục hồi các tuyến buýt đảm bảo vận hành an toàn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị vận hành thông báo đến hành khách đi xe buýt để khách biết và lựa chọn đi lại thuận tiện; thu hồi điểm dừng, bổ sung thông tin điểm dừng xe buýt theo phương án phục hồi lộ trình các tuyến buýt sau khi thi công xong cầu Thăng Long.
Cầu Thăng Long xây dựng từ năm 1974 và thông xe đưa vào sử dụng từ tháng 5/1985. Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác, mặt cầu đã bị hư hỏng và tiến hành sửa chữa lớn vào năm 2009 và sửa chữa cục bộ một số năm sau đó nhưng vẫn không thể triệt để hoàn toàn.
Ngày 16/8/2020, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã chính thức được khởi công đồng thời cơ quan chức năng cũng tiến hành “phong tỏa” toàn bộ cầu và có hướng dẫn phân luồng phương tiện lưu thông qua các tuyến đường khác. Dự án khi sửa chữa đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng công trình./.