Lễ hội “Sắc màu tự hào”: Đẩy lùi HIV/AIDS trong cộng đồng
VOV.VN - Tại Cần Thơ, những năm gần đây, nhiễm HIV/AIDS có dấu hiệu tăng trong nhóm MSM. Nhằm giảm lây nhiễm trong nhóm học sinh - sinh viên năm 2023, sự kiện SAFE-UNI Festival - Sắc màu tự hào (Color of Me) đã được tổ chức nhằm tuyên truyền về cách phòng chống HIV đến giới trẻ, hướng đến mục tiêu năm 2023 Việt Nam sẽ chấm dứt đại dịch HIV/AIDS.
Đến Hội trường Rùa, Trường Đại học Cần Thơ vào chiều 2/4, không gian Lễ hội được trang trí đặc sắc bằng cờ cầu vồng cùng nhiều áp phích về cộng đồng LGBT. Cái nắng nóng giữa mùa khô không ngăn được các bạn sinh viên 13 trường Đại học – Cao đẳng tại Cần Thơ tham gia các hoạt động tập thể ngoài trời đa dạng và thú vị như “Tô màu hạnh phúc” – thỏa sức thể hiện cá tính và ước mơ của bản thân qua họa hình sáng tạo trên áo thun; chơi game, tương tác tại các gian hàng truyền thông đầy màu sắc để tìm hiểu thông tin về các tổ chức cộng đồng CBO địa phương và sử dụng tại chỗ dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV và PrEP.
Đặc biệt, không chỉ tình nguyện ký tên vào cam kết “Yêu an toàn”, gần 1.000 sinh viên 13 trường cùng nhau tham gia diễu hành “Sắc màu tự hào” và cùng nhau học hỏi, trao đổi, chia sẻ kiến thức, thông tin về tình dục an toàn, kiến thức về HIV/AIDS, về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) bằng cách thể hiện hết sức sinh động, hấp dẫn và gần gũi thân thiện qua phần thi “Rung chuông vàng”.
Bạn Nguyễn An Tâm, sinh viên trường Cao đẳng kỹ thuật Cần Thơ, một thành viên nhóm MSM chia sẻ: “Khi đến Lễ hội, em thấy rất vui vì cộng đồng LGBT có bước ngoặt mới hơn trong mỗi năm. Em là người đã come out nên khi đến với Lễ hội, em muốn mang nguồn năng lượng tích cực đến với tất cả mọi người, vì em nghĩ rằng, năng lượng này sẽ làm thay đổi suy nghĩ các bạn không thuộc cộng đồng LGBT, họ sẽ có cái nhìn mới mẻ hơn, tích cực hơn về cộng đồng LGBT”.
Theo CDC Cần Thơ, số liệu giám sát phát hiện năm 2022 cho thấy, nhiễm HIV trên địa bàn có dấu hiệu tăng trong nhóm MSM, chiếm gần 2/3 số trường hợp nhiễm HIV phát hiện được hàng năm, đặc biệt, trong nhóm tuổi rất trẻ từ 16-25 tuổi, đối tượng học sinh - sinh viên chiếm tỷ lệ cao 17,2% và lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục chiếm 97,6%. Do vậy, hoạt động nhằm cung cấp cho các em học sinh – sinh viên thuộc cộng đồng LGBT và cả những bạn trẻ ngoài cộng đồng kiến thức cơ bản về HIV/AIDS để biết phòng tránh lây nhiễm HIV; đồng thời, có những thông tin chính xác về các dịch vụ tư vấn xét nghiệm, dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và điều trị HIV nếu không may nhiễm HIV.
Bạn Bùi Diễm Huỳnh, sinh viên ngành Chính trị học, Trường Đại học Cần Thơ tham gia Lễ hội cho biết, bạn không thuộc cộng đồng LGBT nhưng bạn có khá nhiều bạn là LGBT, tham gia Lễ hội bản thân muốn tìm hiểu nhiều hơn về các bạn và sẽ có cách tuyên truyền đến nhiều người kiến thức phòng chống HIV/AIDS.
“Hoạt động của em là vẽ màu hạnh phúc, em vẽ trên áo tên của sự kiện, cờ thể hiện cho cộng đồng LGBT và hoa hướng dương, thể hiện cho hy vọng hướng về ánh mặt trời. Em mong muốn các bạn dù ở cộng đồng nào cũng phải luôn sống thật hạnh phúc. Em mong mọi người, gia đình của những bạn LGBT hãy cởi mở hơn với các bạn để các bạn hòa nhập với mọi người và không còn tâm thái tự ti khi là LGBT nữa”, bạn Bùi Diễm Huỳnh nói.
Ông Dáp Thanh Giang, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Cần Thơ chia sẻ, hoạt động truyền thông tại các trường Đại học, Cao đẳng là một trong những hoạt động trọng tâm của chương trình dự phòng lây nhiễm HIV mà CDC Cần Thơ đang hướng đến. Trong năm 2022, CDC Cần Thơ đã duy trì mạng lưới tiếp cận viên tại 13 trường Đại học, Cao đẳng với 62 cộng tác viên là những cán bộ Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Trưởng nhóm câu lạc bộ chủ chốt tại các trường. Lễ hội này là hoạt động lớn nhất từ trước đến nay, mang tính dấu mốc, giúp các bạn sinh viên Cần Thơ giao lưu kết nối, tự tin thể hiện màu sắc bản thân, học hỏi những kiến thức liên quan đến HIV, STIs, PrEP, tình dục an toàn và kết nối với những dịch vụ sức khỏe HIV/AIDS cộng đồng tại địa phương. Đồng thời, hoạt động này cũng là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật, phát triển cộng đồng cho CDC và các tổ chức cộng đồng tại Cần Thơ của dự án Trung tâm LIFE.
“Công tác chuẩn bị cho Lễ hội khoảng một tháng trước, lập kế hoạch và thông báo cho các trường, các nhóm cộng đồng. Các trường làm những bảng giới thiệu về hoạt động và nhóm cộng đồng cũng vậy. Tại các gian hàng cũng trưng bày nội dung liên quan đến truyền thông của trường cũng như của các nhóm. Thời gian tới, TP. Cần Thơ cũng sẽ thực hiện những cuộc truyền thông như thế này thường xuyên hơn, nhằm giúp các bạn trang bị kiến thức, yêu bản thân mình hơn và có kế hoạch bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ lây nhiễm HIV”, ông Dáp Thanh Giang cho biết.
Giao lưu cùng các bạn sinh viên tại Lễ hội, Ths.Bs Cao Kim Thoa, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS (VAAC) thông tin, đến cuối năm 2022, ước tính Việt Nam có 242.000 người nhiễm HIV, số phát hiện mới trong 12 tháng năm 2022 là hơn 11.000 người (đa phần nằm ở độ tuổi 15 – 39). Trong những ca mắc mới thì ĐBSCL chiếm tỷ lệ 38% - một con số khá cao so với cả nước. Do vậy, chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030 cũng đã xác định nhóm người trẻ và đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới MSM là những đối tượng cần được ưu tiên trong can thiệp dự phòng HIV và STIs. Có thể thấy, hoạt động truyền thông lớn như SAFE-UNI Festival mang ý nghĩa đột phá khi CDC Cần Thơ có thể huy động sự tham gia thiết thực của sinh viên 13 trường Đại học, Cao đẳng để nâng cao nhận thức tạo cầu nối, giới thiệu và kết nối dịch vụ dự phòng điều trị HIV và STIs, nhằm giảm thiểu lây nhiễm trong giới trẻ.
“Sự kiện như thế này cần kêu gọi các cán bộ chủ chốt, các cán bộ Đoàn của các trường Đại học, Cao đẳng hoặc trường dạy nghề hãy tích cực thông tin truyền thông về phòng chống HIV/AIDS và chống kỳ thị phân biệt đối xử HIV/AIDS cho học sinh – sinh viên; hoạt động này cũng nên lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa, hội thảo hay nói chuyện chuyên đề. Đối với các em học sinh – sinh viên chủ động tìm hiểu về HIV/AIDS, an toàn tình dục, giới tính, sức khỏe sinh sản và hãy tự bảo vệ mình trước đại dịch HIV/AIDS, thậm chí là những tuyên truyền viên tích cực truyền thông cho phòng chống HIV/AIDS cho những bạn học sinh – sinh viên khác không tham dự hôm nay”, Bs Cao Kim Thoa cho biết.
Lễ hội “Sắc màu tự hào” Cần Thơ mặc dù chi diễn ra trong một ngày nhưng các bạn sinh viên đã được các chuyên gia lắng nghe mong muốn và nguyện vọng của mình. Với những lời khuyên cùng kiến thức bổ ích, chắc rằng, các bạn thuộc cộng đồng LGBT, nhất là nhóm MSM sẽ dũng cảm sống là chính mình và hết mình cho tuổi trẻ, xét nghiệm HIV và kiểm tra sức khỏe định kỳ, góp phần kéo giảm tỷ lệ gia tăng HIV ở giới trẻ Cần Thơ nói riêng, cả nước nói chung./.