Liên thông kết quả xét nghiệm không đơn thuần là tiết kiệm
VOV.VN -Việc liên thông kết quả xét nghiệm khắc phục triệt để tình trạng bệnh nhân 1 tháng đi khám bệnh tới hàng trăm lần như thời gian qua.
Bộ Y Tế đang xây dựng tiêu chí và lộ trình cho việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện.
Về vấn đề này, bác sỹ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện tuyến Trung ương mà Bộ Y tế đang thực hiện là bước đệm tiến tới việc hồ sơ, dữ liệu, tình trạng bệnh sử của bệnh nhân tại các cơ sở y tế được chuẩn hóa, đồng bộ và liên thông với nhau để việc quản lý sức khỏe của bệnh nhân đạt nhiều lợi ích, khắc phục triệt để tình trạng bệnh nhân một tháng đi khám bệnh tới hàng trăm lần như thông tin mà BHXH Việt Nam công bố vừa qua.
Theo BS Hùng, mỗi năm bệnh viện thực hiện hàng chục triệu ca xét nghiệm hóa sinh, vi sinh, huyết học. Bệnh viện Bạch Mai sẵn sàng công nhận kết quả xét nghiệm của các cơ sở khác nếu các cơ sở này có các phòng xét nghiệm đạt chuẩn chung theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Hùng, việc công nhận kết quả xét nghiệm không được thực hiện cứng nhắc mà còn căn cứ vào diễn biến, tình trạng và đáp ứng của bệnh nhân với điều trị.
“Chúng ta cũng không nên mặc định rằng liên thông chỉ để tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh cho người dân mà trên hết cần quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân về chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh. Bởi nếu buộc phải thực hiện các xét nghiệm để giúp quá trình điều trị bệnh diễn biến tốt thì không có lý do gì mà không thực hiện”, BS Hùng nhấn mạnh.
BS Dương Đức Hùng phân tích, nhóm máu một người được coi là cố định, không thay đổi trong cả cuộc đời. Một người vừa xét nghiệm nhóm máu ở bệnh viện khác, đem tới Bệnh viện Bạch Mai kết quả xét nghiệm máu, trong trường hợp bệnh nhân phải truyền máu, câu hỏi đặt ra là Bệnh viện Bạch Mai có cần xét nghiệm lại nhóm máu không? Nếu ai không hiểu chuyên môn sẽ dễ dàng trả lời không, song thực tế các bác sỹ buộc phải yêu cầu xét nghiệm lại nhóm máu bởi nếu truyền sai nhóm máu bệnh nhân tử vong, ai là người phải chịu trách nhiệm?
“Không phải Bệnh viện Bạch Mai không tin tưởng các bệnh viện khác mà cơ bản là do các phòng xét nghiệm có chuẩn khác nhau, sai số có thể xảy ra nên việc xét nghiệm lại nhóm máu là đảm bảo tính mạng và quyền lợi của người bệnh”, BS Hùng nêu.
Do vậy theo bác sỹ Dương Đức Hùng, muốn thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm các phòng xét nghiệm đều phải đạt chuẩn chung, từ đó tạo bước đệm tiến tới việc hồ sơ, dữ liệu, tình trạng bệnh sử của bệnh nhân tại các cơ sở y tế được chuẩn hóa, đồng bộ và liên thông với nhau, bất kỳ một xét nghiệm chụp chiếu ở bệnh viện nào, chỉ cần có mã số bệnh nhân, bệnh viện đều có thể theo dõi khiến việc quản lý sức khỏe của bệnh nhân đạt nhiều lợi ích, khắc phục triệt để tình trạng bệnh nhân một tháng đi khám bệnh tới hàng trăm lần như thông tin mà BHXH Việt Nam công bố vừa qua.
Cùng quan điểm với BS Dương Đức Hùng, PGS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K Trung ương khẳng định: ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương trên của Bộ Y tế. Việc thực hiện kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế không những tiết kiệm chi phí rất nhiều cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng và bệnh nhân ung thư mà còn tạo nhiều thuận lợi, giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân.
BS Thuấn cho biết, Bệnh viện K Trung ương lúc nào cũng có 10.000 bệnh nhân nội ngoại trú và khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám ở viện mỗi ngày. Việc giản tiện các thủ tục hành chính cũng như tiếp tục ứng dụng các công nghệ hiện đại vào khám chữa bệnh, đây là điều quan trọng từng bước làm hài lòng hơn người bệnh.
Đặc biệt, Bệnh viện tiếp tục nâng cao chất lượng trang thiết bị y tế để rút ngắn thời gian điều trị, mở thêm phòng khám bệnh, phòng xét nghiệm máu, mở thêm phòng điều trị ngoại trú, động viên cán bộ làm ngoài giờ, làm thêm ngoài giờ để phục vụ người bệnh một cách tốt nhất.
Không phải kết quả xét nghiệm nào cũng được liên thông
Thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh cho thấy, mỗi năm các bệnh viện, viện dự phòng thực hiện tới 475 triệu xét nghiệm, con số này tăng khoảng 10% mỗi năm, tăng cao hơn tỉ lệ gia tăng người bệnh khám chữa bệnh.Trong khi, chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị chưa đồng đều. Các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh chất lượng xét nghiệm thường tốt hơn và còn hạn chế ở các BV tuyến dưới.
Vì vậy, từ ngày 1/8 vừa qua, Bộ Y tế đã yêu cầu 38 bệnh viện tuyến Trung ương liên thông kết quả xét nghiệm, điều này không chỉ giúp người bệnh có thể giảm chi phí và thời gian, mà còn giúp các bệnh viện tiết kiệm chi phí đầu tư.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, theo nguyên tắc, việc liên thông kết quả xét nghiệm chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm có thể liên thông được, khi kết quả xét nghiệm đó có giá trị trong một thời gian nhất định.
Bệnh viện đó chỉ sử dụng và công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác mà phòng xét nghiệm của bệnh viện khác đó có mức chất lượng tương đương hoặc cao hơn, bệnh viện xét nghiệm cho người bệnh là nơi chịu trách về dịch vụ xét nghiệm mình thực hiện.
“Đặc biệt quan trọng là trong quá trình thực hiện, quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sỹ nếu thấy cần thiết, tất nhiên, việc chỉ định xét nghiệm phải dựa trên tình trạng cụ thể của người bệnh”, ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh./.
122 bệnh viện sắp liên thông kết quả xét nghiệm